Trưa hôm qua, các đợt áp thuế mới mà Mỹ và Trung Quốc nhằm vào hàng hóa của nhau đã có hiệu lực trong khi đôi bên không hề có dấu hiệu nhượng bộ. Mỹ áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, còn Bắc Kinh đáp trả bằng số thuế áp vào 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Ngay sau khi đợt áp thuế có hiệu lực, Trung Quốc cáo buộc Mỹ thực thi chính sách “côn đồ thương mại” và cho rằng việc này đang đe dọa nhiều nước, buộc họ phải tuân theo ý chí của Mỹ qua các biện pháp như thuế quan, Tân Hoa Xã nói.
Trung Quốc sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ nếu các cuộc họp “dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng”, Tân Hoa Xã trích sách trắng về tranh chấp thương mại Mỹ -Trung do Quốc vụ viện Trung Quốc vừa ấn hành cho hay.
Giai đoạn đầu, Mỹ áp thuế suất 10% và tăng dần đến 25% cho đến cuối năm nay. Trung Quốc áp dụng các mức thuế từ 5-10% và cảnh báo sẽ đáp trả tương ứng đối với bất cứ đợt tăng thuế nào từ phía Mỹ, Reuters cho hay.
Từ tháng 7, khi cuộc chiến thương mại chính thức “khai mạc” đến nay, Mỹ đã áp thuế đối với tổng cộng 250 tỷ USD hàng Trung Quốc. Bắc Kinh trả đũa với 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Đối với người tiêu dùng Mỹ, mức thuế mới đồng nghĩa là hàng Trung Quốc sẽ tăng giá, từ máy hút bụi tới đồ công nghệ cao như modem và router cho máy tính… Trung Quốc nhắm tới khí ga hóa lỏng, một số loại máy bay.
“Chính quyền Mỹ “đã trơ trẽn thuyết giáo về chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa bá quyền trong kinh tế, đưa ra những cáo buộc sai trái đối với nhiều nước và khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, đe dọa các nước khác thông qua các biện pháp kinh tế như áp thuế”, Tân Hoa Xã trích sách trắng của Quốc vụ viện Trung Quốc.
Mặc dù đã có nhiều cuộc đàm phán trong những tháng gần đây nhưng không có tiến triển đáng kể nào, ngay cả một vòng đàm phán mới đã được lên kế hoạch sẽ diễn ra trong tuần này cũng bị hủy bỏ.
Trung Quốc đã quyết định hủy chuyến đi tới Mỹ của phó thủ tướng Lưu Hạc, theo thông tin trên Wall Street Journal cuối tuần rồi. Cũng trong tuần trước, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói Mỹ vẫn sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc nhưng chưa có thời điểm cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo.
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng một cuộc tranh chấp kéo dài rốt cuộc sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu. Các công ty ở cả hai bờ Thái Bình Dương đã phải đối mặt với các xáo trộn trong hoạt động và đang xem xét lại các kế hoạch đầu tư.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã lây lan sức nóng ra các lĩnh vực khác trong quan hệ song phương như quân sự, với một lệnh trừng phạt mới đây từ phía Mỹ đối với Cục Phát triển thiết bị Trung Quốc, vì “mua vũ khí Nga”.
Có chuyên gia nói cuộc chiến thương mại Mỹ Trung ở một số giai đoạn có thể rơi vào bế tắc vì Trung Quốc e ngại mục tiêu chính của Mỹ có thể không phải là chuyện thương mại. “Trung Quốc đang ngày càng nghi ngại rằng động cơ của Mỹ là kềm giữ và phong tỏa họ”, Timothy Stratford, chuyên gia của công ty luật quốc tế Covington & Burling, chi nhánh Bắc Kinh, nói với CNN. “Tôi nghĩ ở một vài thời điểm đôi bên sẽ lâm vào bế tắc”.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến tiếp tục leo thang? Xét trên cán cân thương mại, Mỹ vẫn còn 267 tỷ USD hàng Trung Quốc để áp thuế tiếp, trong khi Trung Quốc sắp “hết đạn”, vì chỉ còn khoảng 20 tỷ USD hàng Mỹ chờ vào Trung Quốc. Một số nhà phân tích nói Bắc Kinh có thể ngừng nhập một số loại hàng Mỹ hoặc tạo ra rào cản hành chính đối với các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc. Cũng còn đó một khả năng là Trung Quốc có thể thả nổi đồng Nhân dân tệ để kích thích xuất khẩu.