Cung đường hạnh phúc Tiền Phong marathon

Gia đình chị Nguyễn Quỳnh Chi - Trần Phan Linh (38 tuổi) cùng con trai trên xe nôi xuất phát Ảnh: Xuân Tùng
Gia đình chị Nguyễn Quỳnh Chi - Trần Phan Linh (38 tuổi) cùng con trai trên xe nôi xuất phát Ảnh: Xuân Tùng
TP - Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong 2019 không chỉ là nơi tranh tài xác lập thành tích trong thi đấu thể thao, đường chạy còn trở thành nơi để gắn kết.

Gia đình marathon

Khi bầu trời ánh lên sắc hồng ngày mới trên quảng trường cột cờ, đường chạy Việt dã toàn quốc và Marathon Tiền Phong đã rộn ràng không khí đua sức tranh tài. Sau hiệu lệnh xuất phát cự ly 21km, giữa dòng người đang vươn về phía trước bất ngờ xuất hiện cậu bé vẻ mặt thích thú trên chiếc xe nôi.  Chị Nguyễn Quỳnh Chi (33 tuổi, Ngân hàng Agribank) nở nụ cười tươi rói đẩy xe nôi và anh Trần Phan Linh (38 tuổi) chồng chị, cùng sải bước. Hai vợ chồng thay nhau đẩy xe chinh phục cung đường đượm vị mặn mòi của biển bên sóng xô bên vách núi, quãng phố san sát nhà cửa. Trên xe cậu nhóc Trần Phan Ngọc Minh (2 tuổi) thích thú, hát reo suốt. Chỉ gần tới đích, cậu mới ngủ thiếp đi.

Gia đình anh chị Phạm Ngọc Đức (SN 1988) - Cao Thị Ngọc Phương (SN 1990) và con trai Phạm Minh An (2 tuổi) cũng hòa mình vào không khí sôi động của ngày hội Marathon Tiền Phong tròn một hoa giáp. Cự ly đăng ký chinh phục đầy khốc liệt: 42,195km. Để tham gia đường chạy này gia đình đã đáp chuyến xe khách từ TPHCM đến Vũng Tàu từ sáng sớm 23/3 để kịp đăng ký. Vốn là dân yêu thích bộ môn leo núi và mới bén duyên với đường chạy, anh Đức đã truyền tình yêu đến vợ để gia đình thêm sự gắn kết. Theo anh Đức chỉ cần một đôi giày là có thể chạy, cả nhà có thể tham gia cùng nhau. “Chạy đã tạo cơn nghiện khám phá bản thân mới cho gia đình. Mỗi cự ly chạy là một lần chiêm nghiệm giới hạn bản thân và nỗ lực vượt qua”, anh Đức nói. Để chuẩn bị cho điều này, gia đình nhỏ lên kế hoạch tập luyện trước đó nhiều ngày. Cũng trên đường chạy, hình ảnh nữ vận động viên Lê Quý Hải chân chạy, tay nắm hai cô cậu khiến mọi người ngưỡng mộ. Các tay máy của ban tổ chức bố trí nhiều điểm trên đường đua và đích liền tay bấm nhiều kiểu ảnh. 

“Tuy không kịp đăng ký chung cự ly, một người 21km và một người 10km, nhưng hai vợ chồng mình sắp xếp để về đích cùng nhau” là chia sẻ của anh chị Hoàng Dũng - Hoà Phượng. Anh Dũng cho hay, thường xuyên rèn luyện sức khỏe bằng môn chạy bộ, nhưng đây là lần đầu tiên hai vợ chồng có điều kiện tham gia giải. “Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong năm 2019 tổ chức tại TP Vũng Tàu, hai vợ chồng vừa có thể cùng tham gia vừa sắp xếp được thời gian đi làm và chăm con nhỏ. Đây là kỷ niệm ý nghĩa của hai vợ chồng”, anh Dũng nói.
Sau hành trình đến với Marathon Tiền Phong 2019, cặp đôi Marathon Iris Đỗ không giấu niềm vui khoe hình ảnh hai vợ chồng cùng nhau về đích và dòng cảm xúc trên trang Facebook cá nhân: “Vỡ oà cảm xúc khi cùng nhau tiến về đích. Mình cảm nhận được cuộc sống trọn vẹn hơn khi cùng những người yêu thương vượt qua từng thử thách để đạt được mục tiêu chung của marathon cuộc đời”.

Chân trần chí thép

Nhiều vận động viên đã chinh phục cung đường Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong 2019 vừa diễn ra tại thành phố Vũng Tàu bằng đôi chân trần và tinh thần thép. Không kể lứa tuổi, giới tính, nhiều vận động viên bền bỉ trên đường chạy, bứt phá băng về vạch đích bằng đôi chân trần khiến nhiều người nhớ lại những đôi chân trần đã thành huyền thoại gắn với đường chạy Tiền Phong. Đó là Trần Thị Soa - nữ thanh niên xung phong, ngày ngày nỗ lực phá nhiều bom nổ chậm. Năm 1972 chị được cử đi tranh giải Việt dã toàn tỉnh Hà Tĩnh. Từ chiến trường tiến thẳng đến đường đua, nữ thanh niên xung phong Soa chạy theo bản năng và với đôi chân trần.

Việt dã chính thức bén duyên với Soa sau khi tham gia giải Việt dã toàn quốc báo Tiền Phong và đạt thành tích cao bằng đôi chân trần. Trong suốt 6 mùa giải (từ 1974 đến 1979) Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong, đôi chân trần vạn dặm Trần Thị Soa luôn giành chiến thắng tuyệt đối. Với thành tích ấn tượng này, Trần Thị Soa được vinh danh là vận động viên tiêu biểu toàn quốc lần đầu tiên (1978). Hai năm sau, vận động viên đã thi đấu trên đường chạy tại Thế vận hội Olympic Moscow 1980.

 Đó là kỳ tích Phạm Thị Bình về đích đầu tiên ở nội dung bán marathon ở mùa giải 2011 cũng với đôi chân trần. Hơn thế, chiến thắng của Phạm Thị Bình là kỳ tích về nghị lực chiến thắng bệnh tim và tình yêu đường chạy. Cùng năm đó, cô gái từng mổ tim ấy tham gia giải marathon châu Á trên đất Thái Lan và đạt được Huy chương Đồng châu lục - thành tích chưa tuyển thủ Việt Nam nào vươn tới. Tiếp đó là cú đúp huy chương Bạc tại SEA Games 26... Gần đây hơn, giải Việt dã và Marathon toàn quốc báo Tiền Phong lần thứ 57 diễn ra tại Cần Thơ cũng đã có những vận động viên trẻ giành chiến thắng với đôi chân trần, như: Trần Văn Nghĩa của đoàn Quảng Ngãi về nhất nội dung nam thiếu thiên 3,5 km; Ngô Thị Khánh Ny (đoàn Thái Bình) vô địch nội dung nữ thiếu niên 2,5 km...

"Có những cặp vợ chồng hay người yêu chạy cùng nhau, có những gia đình đưa con chạy trên xe nôi và có những gia đình họ đón nhau tại vạch đích. Vỡ oà niềm hạnh phúc. Tất cả tô thắm nên vẻ đẹp của đường chạy Tiền Phong Marathon 2019", đó là dòng chia sẻ của Đinh Công Lý.

Cung đường hạnh phúc Tiền Phong marathon ảnh 1
MỚI - NÓNG
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
DaLAB, Bùi Trường Linh hòa giọng cùng hàng nghìn sinh viên tại Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival
TPO - Nối tiếp những chương trình biểu diễn thành công trước đó, buổi diễn cuối cùng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival khép lại với sự xuất hiện của nhóm nhạc Da LAB và ca sĩ Bùi Trường Linh. Hàng nghìn khán giả của chương trình say sưa hát theo, hòa giọng với những bản tình ca của Da LAB và Bùi Trường Linh.