Chính vì vậy, mà các dự án chung cư đang trong giai đoạn triển khai rất khó bán.
Bên cạnh đó, làn sóng phản đối của các cư dân sống trong các chung cư cao cấp tại Hà Nội diễn ra mạnh mẽ trong thời gian ngắn vừa qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý người mua nhà. Bởi lẽ, những người mua chung cư cao cấp đều có mong muốn được thụ hưởng tiện ích hiện đại đẳng cấp thật sự chứ không muốn mua căn hộ giá đắt gấp 2-3 lần các chung cư khác nhưng chỉ được hưởng dịch vụ tối thiểu như chung cư bình thường khác.
Do vậy, những khách hàng đang có ý định mua nhà chung cư cao cấp để ở tiếp tục bị tác động buộc họ phải cân nhắc lại.
Tại chung cư Golden West lake, để được sở hữu một chỗ để xe các cư dân sẽ phải chi trả theo các phương án như mua đứt vị trí để xe với mức giá hơn 800 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng/chỗ để xe. Nếu không chấp nhận phương án này, cư dân sẽ phải đóng tiền thuê chỗ với mức phí gần 3 triệu đồng/tháng/chỗ tuy nhiên khách hàng sẽ phải thanh toán hết tiền thuê trong vòng 38 năm.
Tại chung cư Keangnam, để được hưởng tất cả các dịch vụ và tiện ích hiện đại nhất của tòa nhà như bê bơi, phòng tập thể thao,… cư dân sẽ phải đóng với mức phí được cho là đắt nhất hiện nay 18.000 đồng/m2/tháng….
Không chấp nhận, tất cả các cư dân chung cư Hà Nội đồng loạt lên tiếng phản đối, nhiều chủ đầu tư đã buộc phải hạ phí dịch vụ. Đồng nghĩa với điều này là việc chủ đầu tư cắt giảm mọi tiện ích đi kèm.
Điển hình, chủ đầu tư The Manor sau một thời gian không thu phí đã phải cắt dịch vụ bể bơi vì không có tiền để vận hành. Cực chẳng đã, nhiều cư dân sống tại chung cư The Manor đã phải bỏ tiền mua vé tháng tại bể bơi tòa nhà cạnh chung cư The Manor.
Còn cư dân sống ở tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam tương lai cũng sẽ bị rơi vào hoàn cảnh như vậy khi muốn chủ đầu tư “đại hạ giá” mức phí dịch vụ tòa nhà. Theo quan điểm ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina, nguyên tắc cơ bản là nhận được tiền ở mức bao nhiêu thì phí dịch vụ như thế, nếu người dân không chịu đóng phí mà muốn có dịch vụ như cũ là không thể và chuyện cắt bớt dịch vụ là khó tránh khỏi.
Vậy câu hỏi đặt ra lúc này, làm sao, bằng cách nào để lấy được công bằng cho cả hai phía để người dân vẫn được hưởng dịch vụ trong tòa nhà với một mức phí thỏa đáng. Còn chủ đầu tư, ban quản lý nhà chung cư sẽ được nhận mức thù lao đủ để bù đắp chi phí đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận hợp lý. Lời giải của câu hỏi này đang chờ các cơ quan quản lý.
Giá giảm mạnh
Chính vì mua chung cư giá 5 sao nhưng chất lượng dịch vụ chỉ có 2 sao nên rất nhiều nhà đầu tư, người mua nhà chung cư Keangnam đang rơi vào cảnh “sống dở chết dở” bởi không thể bán được căn hộ mặc dù liên tục giảm giá.
Chị Nguyễn Thanh Vân (nhà đầu tư) cho biết, thời điểm dự án Keangnam chào bán là lúc thị trường bất động sản đang rất sôi động. Chỉ những nhà đầu tư, khách hàng thượng lưu mới dám bỏ tiền mua chung cư này bởi mức giá bán căn hộ gần như cao nhất tại Hà Nội khoảng 3.000 USD/m2. Tuy nhiên, sau gần 3 năm đầu tư hiện giá mỗi m2 căn hộ Keangnam đang được chào bán 2.700 USD/m2, thậm chí với suất ngoại giao được mua giá rẻ 2.400 USD/m2 hiện cũng chỉ chào bán 2.500 USD/m2 mà cũng không thể bán được.
“Chính vì không bán được nên chúng tôi quyết định sửa sang lại nhà để cho thuê nhưng thời điểm này khó tìm khách thuê nhà bởi cứ nhìn những gì đang diễn ra tại tòa nhà này thì chắc không ai còn muốn thuê ở nữa” chị Vân than thở.
Còn chị Khuất Liên Hà (người dân sống chung cư The Manor) cho rằng, gia đình chị đã phải trải qua thời điểm mệt mỏi và tốn kém không ít tiền của để đấu tranh với chủ đầu tư hạ mức phí dịch vụ tòa nhà. Tuy nhiên, sau khi dừng thu phí thì các tiện ích cũng bị cắt giảm. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng sống của các hộ dân. Chính vì vậy, nhiều người dân sinh sống chung cư The Monar cũng đã chọn cách cho người nước ngoài thuê lại nhà hoặc bán nhà chuyển ra nơi khác sinh sống.
Trên thị trường hiện giá bán các căn hộ chung cư The Manor đang dao động mức 2.200 – 2.500 USD/m2. Giá thuê chung cư này khoảng 1.500 – 1.700 USD/tháng/căn hộ.
Theo VnMedia