Công nhân đình công tại Cty MJ Apparel. Ảnh: Đ.Minh |
Trong các văn bản kiến nghị được gửi đến các cơ quan chức năng TP Biên Hòa, công nhân phản ánh Cty MJ Apparel buộc công nhân làm thêm giờ quá nhiều và ép tăng ca; công nhân hưởng lương theo sản phẩm nhưng Cty không công khai đơn giá sản phẩm; Cty không thực hiện đúng chế độ bảo hiểm cho người lao động; chất lượng bữa ăn quá kém; Cty chỉ cho phép đi vệ sinh chỉ có hai lần/ngày và trong một tổ chỉ có ba thẻ đi vệ sinh…
Các công nhân phản ánh với đoàn giải quyết đình công TP Biên Hòa: Ngày nào Cty cũng buộc phải làm thêm quá giờ, quy định ngày làm việc tám giờ nhưng công nhân làm việc từ 7 giờ đến 17giờ 30 vẫn chưa được về. Chị N. T.U phản ánh, có khi Cty buộc công nhân tăng ca liên tiếp ba ngày ba đêm. Anh V.V.T cho biết: “Công nhân không chịu tăng ca ba lần là bị Cty cắt thưởng, như tôi không chịu làm tăng ca thì tổ trưởng lập biên bản đề nghị chuyển công tác”.
Các công nhân phản ánh, ngoài việc ép tăng ca, làm thêm giờ quá nhiều, thì chất lượng bữa ăn giữa ca của công nhân quá kém, nhiều năm liền Cty chỉ cho công nhân ăn suất cơm giá 5.500 đồng. Mới đây, sau nhiều kiến nghị của công nhân, Cty mới nâng lên 6500 đồng/suất cơm. Nhiều công nhân cho biết đã làm việc hơn một năm, nhưng không được Cty thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.
Trong nhiều vấn đề công nhân phản ánh, bức xúc nhất vẫn là chuyện đi vệ sinh. Cty này đặt ra quy định công nhân đi vệ sinh phải lấy thẻ và có bảo vệ giám sát tại khu vực nhà vệ sinh. Một tổ 50 người, Cty cấp cho ba thẻ đi vệ sinh, công nhân có nhu cầu đi vệ sinh thì phải lấy thẻ tại tổ trưởng. Theo phản ánh của công nhân thì Cty chỉ cho phép công nhân đi vệ sinh hai lần/ngày.
Anh H.T phản ánh: “Trong tổ thì đông người, nhiều lúc có người có nhu cầu vệ sinh thì không thể chờ thẻ được, đành đi vệ sinh không thẻ. Ba lần như vậy thì bị trừ thi đua”. Ông Lee Sang Sup, Giám đốc Cty MJ Apparel phân trần: “Vì làm việc theo dây chyền nên Cty phải đặt ra thẻ vệ sinh để tổ trưởng kiểm soát được và bố trí người vào vị trí bị khuyết khi công nhân đi vệ sinh”.
Tham gia giải quyết vụ đình công, ông Phạm Đình Đức, cán bộ Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Biên Hòa cho rằng Cty MJ Apparel đã làm sai luật, Cty phải xem lại việc đi vệ sinh của người lao động, đây là nhu cầu tự nhiên, nên phải tế nhị và không được cho bảo vệ theo dõi khi lao động đi vệ sinh.
Sau khi ghi nhận các kiến nghị của công nhân đình công và giải đáp từ phía Cty, đoàn giải quyết đình công của TP Biên Hòa đề nghị Cty MJ Apparel không được ép buộc người lao động làm thêm giờ; Cty phải công khai rõ ràng về đơn giá sản phẩm cho người lao động biết. Về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, Cty phải thực hiện đúng theo luật Bảo hiểm xã hội và phải xem lại quy định đi vệ sinh của công nhân.