"Quá trình dừng xe phải đảm bảo an toàn nhưng thực tế mặt đường phức tạp nên khó mà đảm bảo an toàn. Ví dụ, lái xe cố tình đâm vào các chiến sĩ CSGT, nếu không tránh kịp và không bám lên nóc capo xe thì phải chịu thôi, chứ không ai dám đánh đổi tính mạng của mình cả!" - Thượng tá Nhật chia sẻ.
Liên quan đến việc nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm đâm trực diện vào chiến sĩ CSGT ở Hải Phòng khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT (Bộ Công an) đã trao đổi về các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực thi nhiệm vụ; các biện pháp hay có thể áp dụng khi đối tượng vi phạm manh động, phóng nhanh vượt ẩu...
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho biết: “Các chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) khi ra đường làm nhiệm vụ cứ thực hiện đúng theo Thông tư 01 đã quy định rõ ràng với việc dừng phương tiện, việc tuần tra. Ngoài đầy đủ các biện pháp thì toàn bộ hành vi chống người thi hành công vụ phải xử lý nghiêm”.
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ thêm, theo quy định, các chiến sĩ CSGT chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau: Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ. Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên. Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên. Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp. Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời việc dừng phương tiện phải đảm bảo: An toàn, đúng quy định pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 và thay thế Thông tư 65/2012/TT-BCA.
Nam thanh niên tông csgt (ảnh cắt từ clip).
Về biện pháp dùng lưới "truy bắt" người vi phạm luật giao thông ở Thanh Hóa đã từng bị lên án, tuy nhiên so sánh hiệu quả và hậu quả thì như thế nào, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nói vấn đề này cần được nghiên cứu cụ thể mới có thể đánh giá khách quan, chính xác. “Biện pháp đó là ở địa phương họ triển khai, Cục không tham gia vấn đề này và khi mà chưa nghiên cứu đầy đủ thì chưa thể nói được” - Thượng tá Nhật băn khoăn. Còn nói về việc chiến sĩ CSGT ở Hải Phòng khi đang làm nhiệm vụ bị nam thanh niên 16 tuổi không đội mũ bảo hiểm tông trực diện phải nhập viện, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật chia sẻ: “Về bản chất vấn đề, khi anh em ra đường làm việc, trong quá trình làm việc nếu xảy ra tình huống không may thì phải chịu, trừ trường hợp cố tình. Thực tế, trong quá trình dừng xe phải đảm bảo an toàn nhưng mặt đường phức tạp, lại là điểm nóng nên khó mà đảm bảo an toàn. Ví dụ, lái xe cố tình đâm vào các chiến sĩ CSGT nếu không tránh kịp và không bám lên nóc capo xe thì phải chịu thôi, chứ không ai dám đánh đổi tính mạng của mình cả”. Thượng tá Nguyễn Quang Nhật nêu quan điểm: “Nhìn nhận trên cơ sở thực tế, chúng ta phải lên án những hành vi chống người thi hành công vụ và trên cơ sở tham mưu thực hiện đúng quy trình trong khi đi làm. Việc xảy ra đối với chiến sĩ CSGT ở Hải Phòng là đáng tiếc, khách quan nhất là chờ tòa xét xử...”.
Theo Theo Infornet