Ngày 1/4, tại buổi thông tin định kỳ quý I/2021 của Sở Công Thương TPHCM, ông Nguyễn Khắc Hiếu, đại diện Phòng quản lý xuất nhập khẩu Sở Công Thương TP cho biết, kim ngạch xuất khẩu của các DN TP qua cửa khẩu cả nước trong 3 tháng đầu năm 2021 đạt 10,73 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) ước đạt 10,58 tỷ USD, tăng 5,8%.
Kim ngạch xuất khẩu của DN TPHCM qua cửa khẩu thành phố (không tính dầu thô) đạt 8,69 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ.
Dịch bệnh COVID-19 gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tại TPHCM |
“Nguyên nhân xuất khẩu giảm do đại dịch COVID-19 vẫn tác động lớn đến các nước đối tác xuất khẩu của DN thành phố; trong đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ (thị trường lớn thứ 2, chiếm tỷ trọng 14,9% kim ngạch xuất khẩu) ước giảm 17,3% so với cùng kỳ; xuất khẩu vào EU (thị trường lớn thứ tư, chiếm tỷ trọng 13,2% tỷ trọng xuất khẩu) ước giảm 0,1% so với cùng kỳ…” – ông Hiếu cho biết.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của DN thành phố qua cửa khẩu cả nước 3 tháng lại tăng 17,7%, đạt 13,63 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu của DN thành phố qua cửa khẩu thành phố ước đạt 11,38 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 29,4% so với tháng trước và tăng 2,2% so với tháng 3/2020. Lũy kế 3 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 3,8% so với cùng kỳ. Các ngành duy trì sản xuất tăng trong quý I gồm: sản xuất hàng điện tử ước; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí. Riêng ngành Hóa dược - cao su - nhựa giảm 3,9%.
Xả hàng thời trang tại TPHCM |
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết: “Chỉ số IIP quý I/2021 phản ánh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố đã và đang được kiểm soát tốt, khi sản lượng 4 ngành đạt mức tăng trưởng tốt (tăng 7,5%), trong đó một số ngành gặp khó khăn trong năm 2020 thì trong quý I/2021 đã tăng trưởng khá như sản xuất đồ uống tăng 30%; sản xuất thiết bị điện tăng 20,1%; sản xuất máy móc, thiết bị tăng 11,8%… Lĩnh vực bán lẻ hàng hóa đạt hơn 156.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ”.
Dịp này, Sở Công Thương TPHCM cũng công bố 3 đề án xuất nhập khẩu, logistic và thương mại điện tử (TMĐT) đã được UBND TPHCM phê duyệt.
Theo đó, khả năng ứng dụng công nghệ mới và năng lực vận hành logistics sẽ là chìa khóa quyết định thành công của DN TMĐT nói riêng, của ngành TMĐT TPHCM nói chung.
Sở Công Thương đã đề xuất lãnh đạo TPHCM nghiên cứu thành lập 7 trung tâm logistics ở Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu Công nghệ cao, Tân Kiên, Hiệp Phước, Củ Chi với tổng diện tích 623 ha để tăng cường kết nối tỉnh/thành, nâng cao năng suất trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu; đồng thời làm trung tâm phân phối, hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ và TMĐT nội thành, kéo giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, còn có 2 trung tâm logistics sẽ được rà soát, triển khai bổ sung gồm: khu đất 150 ha ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và khu đất 64 ha tại cảng Phú Định (P.16, Q.8, TPHCM).