Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
12/06/2021 09:14
12/06/2021 12:56
Lấy mẫu xét nghiệm hơn nửa triệu người ở TPHCM
Sau khi phát hiện các ca mắc mới, ngành Y tế TPHCM đã khẩn trương khoanh vùng, điều tra truy vết các trường hợp liên quan, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến các ca nhiễm mới.
Các khu dân cư bị phong tỏa vì liên quan ca mắc COVID-19. |
Từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng vào ngày 26/5 đến hết ngày 11/6, ngành Y tế thành phố đã lấy 531.585 mẫu xét nghiệm, trong đó có 8.093 tiếp xúc gần, 523.492 tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm.
Kết quả trong 8.093 mẫu tiếp xúc gần đã có 6.554 mẫu có kết quả âm tính, 1.539 đang chờ kết quả. Xét nghiệm tiếp xúc khác mở rộng có 383.735 mẫu âm tính, 141.296 mẫu đang chờ kết quả.
Hiện nay TPHCM đang có 29.753 người cách ly y tế. Trong đó, 10.609 người đang cách ly tập trung, 19.144 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
TPHCM đang thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 3. |
Cùng với công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly, TPHCM đang thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt 3. Từ ngày 3/6, đến nay đã tiêm cho 10.790 người, trong đó số người tiêm mũi 1 là 9.518 người (6.888 nhân viên y tế, 1.751 người là ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 các cấp, 482 sinh viên và giáo viên hỗ trợ công tác chống dịch, 397 người làm việc tại các khu cách ly mới thành lập) và mũi 2 là 1.272 người.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động khai báo y tế khi nhận biết bản thân có nguy cơ lây nhiễm; trung thực trong khai báo y tế khi đi khám bệnh; tuân thủ quy định khu thực hiện cách ly tại nhà, cách ly tập trung. (Ngô Bình)
Ngày 12/6, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, Thành phố ghi nhận 940 bệnh nhân được phát hiện mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố từ lúc xuất hiện dịch vào năm 2020 đến nay. Trong đó, có 279 ca điều trị khỏi, 659 ca đang điều trị; có 2 ca tử vong là BN5463, BN9493.
12/06/2021 13:03
Doanh nghiệp sắm 'mắt thần' tiền tỷ chống dịch
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nguy cơ xâm nhập vào khu công nghiệp, Bình Dương đã nâng mức cảnh báo dịch cao nhất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở địa phương ngoài việc tuân thủ chỉ đạo phòng, chống dịch từ cơ quan chức năng còn tìm cách “tự bảo vệ” minh.
Ông Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An, Bình Dương) cho biết đã thành lập 35 tổ phòng dịch tại chỗ với 210 thành viên.
Máy tự động đo thân nhiệt tại Công ty Apparel Far Eastern |
Máy quét tự động tại Công ty Timberland |
Trước và sau giờ làm, nhà xưởng được phun khử trùng |
Trước cửa ra vào công ty đều trang bị dung dịch rửa tay thường xuyên |
Ghi nhận của Tiền Phong tại Công ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN VSIP Bình Dương), cho thấy công tác phòng, chống dịch nghiêm ngặt từ vòng ngoài và bên trong nhà xưởng.
Trước sân công ty được vẽ thành ô cách nhau 2m, được đặt 3 máy đo thân nhiệt tự động 3 hàng dưới sự giám sát của tổ an ninh công ty. Tại phòng ăn công ty này được bố trí vách ngăn, công nhân đến nhận phần ăn xếp hàng theo thứ tự giữ khoảng cách theo ô vẽ sẵn.
Ông Chen JiaFu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Timberland (Bình Dương) cho biết, để giám sát chặt chẽ các nguồn lây bệnh và phòng dịch một cách chủ động, công ty đã xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp dịch bệnh bùng phát. Cùng với đó, tại các phân xưởng, công ty cũng đã thành lập các tổ phòng, chống nhằm tại chỗ.
Công nhân xếp hàng theo thứ tự nhận phần ăn |
Bàn ăn được ngăn cách |
“Công ty đã đầu tư hệ thống đo thân nhiệt bằng camera hồng ngoại với giá gần 1 tỷ đồng. Hệ thống giám sát, kiểm tra thông minh sàng lọc, theo dõi, nhóm người có nguy cơ mắc COVID-19 đạt độ chính xác thân nhiệt cao (± 0.30C). Với 10.000 công nhân lao động, chúng tôi nhận thức được hệ lụy nếu ai đó mắc bệnh rồi lây nhiễm”, ông Chen JiaFu nói. (Hương Chi)
12/06/2021 13:15
Bắc Ninh có 66 ca mắc mới
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh tính đến sáng 12/6, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 73 ca mắc COVID-19 mới (tổng số ca là 1.327 ca mắc tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố). Trong đó, tại thành phố Bắc Ninh có 66 ca mắc mới, nhiều nhất từ trước đến nay.
Kết thúc thời gian cách ly y tế đối với 9 thôn thuộc các xã Mộ Đạo, Quế Tân, Việt Hùng, Bồng Lai, Nhân Hòa (huyện Quế Võ), từ 0 giờ ngày 12/6. |
Theo thông báo, kể từ 0 giờ ngày 12/6, các cơ quan tiến hành gỡ bỏ cách ly y tế đối với 9 thôn ở huyện Quế Võ bao gồm: thôn Mộ Đạo xã Mộ Đạo (với 527 hộ gia đình); thôn Quế Tân (với 437 hộ gia đình), xóm Làng thôn Đông Viên Thượng với 12 hộ dân (thuộc xã Quế Tân); thôn Can Vũ (350 hộ gia đình), thôn Lụa (với 718 hộ gia đình), thôn Nghiêm Xá (với 924 hộ gia đình) thuộc xã Việt Hùng; thôn Vũ Dương (với 1.292 hộ gia đình), thôn Xa Loan (với 305 hộ gia đình) thuộc xã Bồng Lai; thôn Bất Phí xã Nhân Hòa với 535 hộ gia đình. Tổng cộng là 4.460 gia đình.
Các thôn này đã qua 21 ngày kể từ ngày thiết lập vùng cách ly y tế không có ca mắc mới trong cộng đồng. Người dân trong thôn đã qua 2 lần xét nghiệm sàng lọc âm tính với SARS-CoV-2. Người dân trong thôn vẫn phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Trong ngày 11/6, tỉnh Bắc Ninh có thêm 45 bệnh nhân COVID-19 khỏi và xuất viện. Toàn tỉnh triển khai 13 điểm tiêm, đã tiêm được 179.896 liều vắc xin.
Hiện, một số trong các công ty vẫn xuất hiện các ca mắc mới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo phòng chống dịch tại các KCN, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung công nhân ở trọ.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 450.000 công nhân. Kể từ 2/6 có 877 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất với 115.561 lao động đăng ký đi làm. Riêng trong khu công nghiệp là 560 công ty với 104.476 lao động. Lực lượng công an đã tiếp nhận 62.161 lao động khai báo lưu trú tại các công ty, doanh nghiệp. (Long Vân)
12/06/2021 13:18
Doanh nghiệp dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị mua vắc xin cho 1.500 người
Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vừa cho biết vừa kiến nghị cơ quan chức năng tìm nguồn vắc xin phòng chống COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, công nhân viên dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, trong bối cảnh đơn vị này có nhân viên mắc COVID-19 và hàng trăm người liên quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công dự án.
Theo doanh nghiệp dự án (DNDA) này, diễn biến dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp tại địa bàn (tỉnh Tiền Giang - PV) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công dự án. Đến chiều 11/6, dự án có 250 người liên quan đến các trường hợp dương tính với SAR-CoV-2.
Trong đó, 76 người thực hiện cách ly tập trung và 163 người thực hiện cách ly tại chỗ. Tại hai gói thầu XL-11A và XL-13 đang được phong tỏa bởi các lực lượng chức năng.
Trong báo cáo gửi tỉnh Tiền Giang, DNDA cho rằng: “Với thực trạng bất khả kháng do dịch bệnh COVID-19 có thể gây tâm lý bất an cho người lao động đang tham gia thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ hoàn thành dự án”.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Hồ Minh Hoàng đã chỉ đạo điều nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả từ các vùng dự án không bị ảnh hưởng dịch bệnh đến ngay công trình này để trám vào các vị trí đang phải cách ly y tế, để mọi hoạt động không bị ngưng trệ…
Trong văn bản gửi tỉnh Tiền Giang hôm nay (11/6), DNDA đã kiến nghị UBND tỉnh này có ý kiến đến Bộ Y tế xem xét hỗ trợ mua vắc xin phòng chống COVID-19 dành cho khoảng 1.500 người là cán bộ công nhân dự án, kinh phí sẽ do DNDA chi trả.
DNDA cho biết thêm, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã triển khai thi công 31/36 gói thầu xây lắp, 5 gói thầu còn lại gồm trạm thu phí, ITS, chiếu sáng, cầu vượt và đường gom bổ sung sẽ triển khai theo tiến độ. Tổng lũy kế sản lượng đạt khoảng 70% giá trị các gói thầu, tăng 60% so với thời điểm tháng 3/2019.
Công ty đã chỉ đạo các đơn vị nhà thầu thi công, tư vấn giám sát khoanh vùng dịch, bố trí nhân sự phù hợp, tăng cường máy móc thiết bị để thi công ngày đêm đủ 3 ca/ngày, nhằm đảm bảo tiến độ theo yêu cầu phải hoàn thành thông xe kỹ thuật trong tháng 11/2021 .
Ngoài ra, để xử lý khó khăn do nguồn vật liệu khan hiếm, DNDA cùng nhà thầu xây dựng nhu cầu, tiến độ sử dụng vật liệu, báo cáo tỉnh Tiền Giang hỗ trợ làm việc với các địa phương liên quan để ưu tiên cung cấp vật liệu…
Trước đó, cũng trong ngày 11/6, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng (trong đó có 2 ca là nhân sự của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - PV), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký ban hành công văn khẩn về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Theo đó, Tiền Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn tỉnh, bắt đầu từ 00 giờ ngày 12/6/2021 cho đến khi có thông báo mới. (Cảnh Kỳ)
12/06/2021 13:22
Kết quả xét nghiệm 55 người là F1 của nữ công nhân mắc COVID-19 tại Bình Dương
Kết quả xét nghiệm của 55 trường hợp F1 liên quan ca bệnh nữ công nhân ở Bình Dương đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Trưa 12/6, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Thuận An (Bình Dương), cho biết đã nhận được kết quả xét nghiệm đối với 55 trường hợp F1 của ca bệnh nữ công nhân. Theo đó, tất cả đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.
Trước đó, đêm 11/6, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương nhận được thông báo về một nữ công nhân sống ở TP.HCM nhưng làm việc ở Bình Dương được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, ngành y tế Bình Dương đã truy vết người và địa điểm liên quan.
Trong đêm, Công ty TNHH Puku Việt Nam, đường số 3, KCN Đồng An 1, phường Bình Hoà, TP.Thuận An (nơi nữ công nhân làm việc) đã bị phong tỏa. Bước đầu đã xác định 55 trường hợp F1 liên quan ca bệnh, trong đó xác định tại Bình Dương có 51 trường hợp là công nhân làm chung phân xưởng với ca bệnh (có tiếp xúc gần).
Những trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm và cho ra kết quả âm tính lần 1. Hiện, ngành y tế Bình Dương tiếp tục truy vết người và địa điểm liên quan. Đồng thời theo dõi sức khỏe những người đang cách ly.
Tính từ đợt dịch thứ 4 này, Bình Dương ghi nhận 8 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Ngoài ra, Bình Dương này còn có 7 ca mắc COVID-19 ở TP.HCM có yếu tố dịch tễ tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Theo đó, trong 4 ngày liên tiếp (từ 8 - 11/6), Bình Dương buộc phải phong tỏa 4 công ty gồm: Công ty Cổ phần Tico (Thuận An); Công ty Prestima (TP. Thuận An) và Công ty Duy Hưng Logistics (TP Dĩ An); Công ty TNHH Puku Việt Nam (TP. Thuận An). Đây là những nơi có ca mắc COVID-19 sống ở TP.HCM, làm việc và có yếu tố dịch tễ tại Bình Dương.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã cho nhân viên văn phòng sống ở TP.HCM được làm việc tại nhà. Riêng đối với công nhân sống ở TP.HCM vẫn đến Bình Dương nhưng được kiểm tra sức khỏe đặc biệt và khu vực làm việc riêng. (Hương Chi)
12/06/2021 13:44
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 toàn bộ công nhân dự án Trung Lương – Mỹ Thuận
Ngày 12/6, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đã quyết định lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân đang làm việc trên công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong bối cảnh nơi đây có 12 ca mắc COVID-19 (tính đến sáng 12/6) cùng hàng trăm người liên quan.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tiền Giang từ chiều qua (11/6) đã bắt đầu tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ công nhân công trình đường cao tốc này.
Việc lấy mẫu được thực hiện tại 6 địa điểm ở các nút giao, cầu vượt trên công trình và ở Văn phòng Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (ấp Mỹ Quới, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè).
Công nhân được lấy mẫu dịch ngoáy mũi, chuyển đi xét nghiệm dưới hình thức mẫu gộp của từng nhóm 5 công nhân với nhau và tiến hành xét nghiệm mẫu gộp bằng phương pháp Realtime PCR.
Theo CDC Tiền Giang, kết quả xét nghiệm mẫu gộp âm tính tức là tất cả các mẫu đơn trong nhóm gộp là âm tính và không cần phải thực hiện lại xét nghiệm.
Còn kết quả xét nghiệm mẫu gộp dương tính tức là có ít nhất 1 mẫu trong nhóm gộp dương tính. Trong trường hợp này, phòng xét nghiệm cần thực hiện báo cáo với đơn vị quản lý về kết quả xét nghiệm mẫu gộp dương tính để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời thực hiện lấy lại mẫu và xét nghiệm riêng lẻ cho từng mẫu bệnh phẩm đơn trong nhóm đó.
Việc chọn hình thức xét nghiệm mẫu gộp nhằm tiết kiệm nguồn lực, giảm thời gian xét nghiệm, tăng công suất xét nghiệm SARS-CoV-2, đảm bảo chất lượng xét nghiệm và an toàn sinh học.
Cũng trong ngày hôm qua (11/6), Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang có ý kiến đến Bộ Y tế xem xét hỗ trợ mua vắc xin phòng chống COVID-19 dành cho khoảng 1.500 người là cán bộ công nhân viên dự án, kinh phí sẽ do công ty chi trả.
Theo dơn vị này, diễn biến dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp tại địa bàn (tỉnh Tiền Giang - PV) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công dự án. Đến chiều 11/6, dự án có 250 người liên quan đến các trường hợp dương tính với SAR-CoV-2.
Trong đó, 76 người thực hiện cách ly tập trung và 163 người thực hiện cách ly tại chỗ. Tại hai gói thầu XL-11A và XL-13 đang được phong tỏa bởi các lực lượng chức năng.
Hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đã triển khai thi công 31/36 gói thầu xây lắp; sản lượng đạt khoảng 70% giá trị các gói thầu, tăng 60% so với thời điểm tháng 3/2019. Theo yêu cầu tiến độ,dự án phải hoàn thành thông xe kỹ thuật trong tháng 11/2021… (Cảnh Kỳ)
12/06/2021 15:09
TP.HCM yêu cầu nhân viên y tế ở nhà sau giờ làm
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Y tế TPHCM vừa phát đi công văn hỏa tốc.
Theo đó, nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào bệnh viện, Sở Y tế TPHCM yêu cầu giám đốc các bệnh viện, khẩn trương quán triệt đến tất cả viên chức, người lao động trong bệnh viện phải nâng cao trách nhiệm và tinh thần tự giác phòng chống dịch bệnh.
Tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng ở TPHCM đang phức tạp. |
Cụ thể, nhân viên y tế phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp 5K theo đúng quy định của Bộ Y tế: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”, lưu ý đảm bảo tất cả nhân viên trong bệnh viện phải mang khẩu trang trong suốt thời gian làm việc tại bệnh viện (tôi thiểu là khẩu trang y tế).
Sau giờ làm việc ở bệnh viện, nhân viên y tế chỉ nghỉ ngơi và làm việc tại nhà, hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tụ tập bạn bè hoặc người thân (không ở cùng gia đình) để sinh hoạt, ăn uống, không đi đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết.
Các bệnh viện sẵn sàng phối hợp hỗ trợ bệnh viện điều trị COVID-19. |
Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cũng đã hỏa tốc yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng phối hợp hỗ trợ các bệnh viện được phân công điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, để chủ động ứng phó tình hình dịch bệnh COVID-19 của khối điều trị trong tình huống TPHCM có 5.000 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Huyện Củ Chi sẽ tạm chuyển đổi công năng để trở thành bệnh viện chuyên tiếp nhận người bệnh mắc COVID-19.
Để đảm bảo tiến độ triển khai tăng số giường điều trị COVID-19 theo kế hoạch, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố sẵn sàng phối hợp với các bệnh viện được phân công tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chuyển thành bệnh viện chuyên điều trị COVID-19. |
Cụ thể, các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận người bệnh nội trú từ các bệnh viện: Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Huyện Củ Chi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (những trường hợp bệnh phổi không do lao) chuyên đến trong giai đoạn các bệnh viện này tạm chuyển đổi công năng để tập trung tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19; đồng thời không chuyển người bệnh đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch trong giai đoạn này (ngoại trừ các bệnh nghi do lao và đã hội chẩn với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch).
Sẵn sàng cử các bác sĩ, điều dưỡng luân phiên đến Bệnh viện đã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi theo kế hoạch luân phiên cán bộ đến các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị COVID-19.
Ngoài ra, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM cũng cần sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị và dụng cụ cần thiết cho công tác cấp cứu, hồi sức tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ngô Bình)
12/06/2021 15:25
12/06/2021 16:56
Phạt hàng trăm trường hợp vi phạm phòng chống COVID-19
Cơ quan chức năng 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã phạt hàng trăm trường hợp không đeo khẩu trang, hoặc trốn cách ly y tế, cơ sở kinh doanh chưa chấp hành công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Hiện tỉnh Kon Tum chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính SARS-CoV-2. Tuy nhiên, để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, từ ngày 7/5 đến nay, cơ quan chức năng các huyện, thành phố của tỉnh Kon Tum đã quán triệt các giải pháp, đồng thời tăng cường kiểm tra, qua đó xử phạt hành chính 378 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống COVID-19 với tổng số tiền hơn 536 triệu đồng.
Trong đó, 346 trường hợp bị phạt do không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và ở nơi công cộng, tổng tiền phạt gần 435 triệu đồng; phạt 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke không tạm dừng hoạt động với số tiền 40 triệu đồng; 30 trường hợp vi phạm khác bị phạt hơn 61 triệu đồng.
Tại Gia Lai, từ ngày 30/4 đến 11/6, UBND TP.Pleiku đã xử phạt 460 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 571 triệu đồng.
Cụ thể, 443 trường hợp không đeo khẩu trang bị phạt tổng số tiền 445 triệu đồng; 5 cơ sở chưa chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch bị phạt tổng tiền 9 triệu đồng; 5 trường hợp trốn cách ly y tế bị phạt tổng 37,5 triệu đồng; 2 trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người bị phạt 30 triệu đồng; 5 trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng chống dịch, bệnh COVID-19 bị phạt tổng số tiền 50 triệu đồng. (Tiền Lê)
12/06/2021 16:57
12/06/2021 18:14
Bình Dương đề xuất hai phương án tiêm vắc-xin
TS.BS Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc Sở Y tế Bình Dương khẳng định, đợt dịch thứ 4 này lây nhanh, nguy hiểm hơn, thời gian tới có thể xuất hiện ca mắc mới trong cộng đồng.
Do đó, ngành Y tế kiến nghị Ban chỉ đạo, phòng chống dịch COVID-19 tỉnh hỗ trợ truy vết các đối tượng nguy cơ, đảm bảo hơn nữa an ninh trật tự tại các khu cách ly tập trung; kiểm soát chặt chẽ người ra vào tỉnh Bình Dương từ TP.Hồ Chí Minh; yêu cầu các công ty lập danh sách công nhân, chuyên gia, người quản lý làm việc hàng ngày tại Bình Dương nhưng có địa chỉ lưu trú tại TPHCM để theo dõi, quản lý.
Lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương nhận định, bất cứ lúc nào dịch COVID-19 cũng có thể xâm nhập, bất ngờ, không báo trước, không rõ nguồn lây nên các địa phương phải luôn ở tư thế sẵn sàng triển khai "đánh chặn", đặc biệt bảo vệ an toàn "thành trì" các khu công nghiệp với nhiều giải pháp căn cơ: Kiên quyết đóng cửa các công ty, xí nghiệp nếu không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch; thực hiện khai báo y tế điện tử toàn dân tại các nhà máy, công sở, siêu thị, phương tiện vận tải; xét nghiệm sàng lọc diện rộng, định kỳ tại các nơi nguy cơ cao như nhà máy, khu công nghiệp, bến xe, siêu thị, nhà trọ, khách sạn, cơ sở tôn giáo.
Hiện Sở Y tế Bình Dương đề xuất 2 phương án tiêm vắc xin. Phương án 1, công ty cam kết chi trả kinh phí mua và tiêm vắc xin, lập danh sách gửi về Sở. Sau khi Bộ Y tế mua được vắc xin và phân bổ cho Bình Dương thì sẽ triển khai tiêm cho công nhân của công ty (trong trường hợp các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 đã được tiêm đầy đủ). Phương án 2, các công ty tiếp cận, mua được vắc xin phòng COVID-19 thì ngành Y tế sẽ hỗ trợ khâu bảo quản, tiêm cho công nhân của công ty. (Hương Chi)
12/06/2021 18:15
12/06/2021 18:19
117 bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong một ngày
Trong 24 giờ qua, các bệnh viện TP HCM tiếp nhận 117 ca Covid-19, là số nhập viện cao nhất tính theo ngày kể từ 29/5, theo Sở Y tế thành phố.
Tính đến trưa 12/6, thành phố đang điều trị 736 ca Covid-19. Trong đó, tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi 275 ca, Điều trị Covid-19 Cần Giờ 377, Bệnh Nhiệt đới TP HCM 46, Nhi đồng Thành phố 37, Chợ Rẫy một. Trong số bệnh nhân, 11 người rất nặng, ba trường hợp phải can thiệp ECMO.
Ba ngày trước đó, số bệnh nhân tiếp nhận trong 24 giờ lần lượt là 57, 22, 46. Thành phố từng ghi nhận số ca nhập viện cao nhất tính theo ngày là 71 trường hợp hôm 31/5. (Theo Vnexpress)
12/06/2021 20:06
13 tỉnh lên phương án đón công nhân từ Bắc Giang về quê
Theo thông báo của tỉnh Bắc Giang, tính đến 12h ngày 12/6, đã có 954 lao động được các tỉnh, thành phố đón về địa phương. Trong đó, tỉnh Lạng Sơn đã đón 932 lao động, tỉnh Vĩnh Phúc đã đón 22 người.
Công nhân ở xã Vân Trung (Việt Yên) đang làm thủ tục để được đón về địa phương nơi cư trú |
Đầu giờ chiều cùng ngày, tỉnh Sơn La cũng thực hiện xong việc đón 460 lao động tại huyện Việt Yên. Đợt này, tỉnh Sơn La huy động 20 xe ô tô đón công nhân tại 4 địa điểm là trụ sở UBND các xã: Vân Trung, Quang Châu, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên). Trong thời gian tới, tỉnh này sẽ đón khoảng 1.800 người lao động đang làm việc ở Bắc Giang trở về quê.
Đoàn xe chở công nhân tỉnh Sơn La làm việc tại Bắc Giang trên đường về quê |
Đến nay, đã có 13 tỉnh đã xây dựng kế hoạch, dự kiến phương án, thời gian tổ chức đón 13.291 lao động trở về địa phương. Cụ thể, ngày 13/6, có 4 tỉnh gồm Tuyên Quang, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình sẽ đón 3.127 lao động.
Ngày 15/6 sẽ có 9 tỉnh gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Phú Thọ, Lai Châu, Cao Bằng, Yên Bái, Hải Dương, Ninh Bình) đón 10.164 lao động. Một số tỉnh, thành phố còn lại đang lên phương án thực hiện.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Bắc Giang từ ngày 12 - 15/6, tỉnh này tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố đưa công nhân ngoài tỉnh trở về địa phương. Số lượng công nhân được thống kê đưa về địa phương khoảng từ 30.000-35.000 người.
Đây là những công nhân ngoài tỉnh đã hoàn thành thời gian cách ly, được xét nghiệm âm tính nhiều lần đảm bảo an toàn có nguyện vọng trở về nơi thường trú trong khi doanh nghiệp chưa hoạt động trở lại. (Long Vân)
Theo HCDC, tính từ 18h ngày 11/6 đến 6h ngày 12/6, TPHCM ghi nhận thêm 20 trường hợp nhiễm mới (BN10019-BN10038).
Trong 20 trường hợp ghi nhận tại TPHCM thì có 8 trường hợp liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng đã được cách ly hoặc nằm trong khu phong toả; 8 trường hợp là các trường hợp F1 của các bệnh nhân đã được phát hiện trước đó, 04 trường hợp được phát hiện khi khám sàng lọc (cư trú tại Bình Chánh, Tân Phú, Hóc Môn) đang điều tra dịch tễ.
20 trường hợp mới được công bố sáng nay phân bố như sau: quận 5 (01), quận 12 (02), Bình Thạnh (01), Bình Tân (03), Tân Bình (02), Tân Phú (02), Gò Vấp (05), TP Thủ Đức (01), Hóc Môn (02), Bình Chánh (01).
Tại buổi họp với Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TPHCM ngày 11/6, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, Thành phố đã kiểm soát được ổ dịch tại nhóm Truyền giáo Phục Hưng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, thành phố phát hiện 48 ca nhiễm trong nhiều chuỗi dịch chưa rõ nguồn lây, rải rác tại các quận huyện, có quy mô gia đình, hàng xóm. Những chuỗi này được phát hiện từ các ca chỉ điểm đi khám tại các bệnh viện. Ông Bỉnh cho rằng, mầm bệnh đã lây lan âm thầm trong cộng đồng từ trước hoặc người có tiếp xúc các ca bệnh, đi qua các vùng dịch tễ nhưng chưa khai báo đầy đủ.
Lãnh đạo Sở Y tế TP dự đoán, trong 10 ngày tới sẽ còn phát hiện thêm những ca nhiễm rải rác khác.