Cấp dưới của ông Điều, Phó GS TS Đinh Văn Tiến, Phó GĐ HVHC thì được phong GS. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra sai phạm của ông này tương tự như ông Điều…
Biến của chung thành của riêng
Hồ sơ của ông Tiến nộp lên các Hội đồng xét phong GS cấp cơ sở, liên ngành và Nhà nước có cuốn sách chuyên khảo mang tựa đề “Cẩm nang phương pháp giảng dạy hiệu quả cho người lớn (chuyên ngành Hành chính - kinh tế- Xã hội)” đứng tên PGS-TS Đinh Văn Tiến do Nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2006.
Đây chính là cuốn sách “copy” từ đề tài cấp bộ “Hoàn thiện phương pháp sư phạm hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng công chức” là công trình tập thể của 8 GS, Phó GS và Thạc sĩ của HVHC do ông Tiến làm chủ nhiệm đề tài làm vào năm 1999-2000!
Cuốn chuyên khảo của ông Tiến gần như “copy” nguyên xi những phần liên quan trong đề tài cấp bộ trên.
Ngoài ra cẩm nang của ông Tiến còn “chép” nhiều nội dụng từ cuốn “Sổ tay phương pháp sư phạm” và “Phương pháp giảng dạy hiện đại cho người lớn”. Ông Tiến có “sửa chữa” vài câu từ không đáng kể, đảo trật tự các đề mục…
So sách cẩm nang và đề tài trên, chúng tôi thấy ngay cả phần mục lục cũng khá giống nhau. Ví dụ như trong cẩm nang ở chương 1 phần 1.1 có phần “Khái niệm ý nghĩa của phương pháp sư phạm hiện đại” thì đề tài của ông Tiến cũng có phần này với nội dung của các mục nhỏ không khác một chữ.
Ngay cả một số bảng dữ liệu trong cẩm nang của mình ông Tiến cũng bê nguyên từ đề tài như: bảng Tốc độ dân số và nguồn nhân lực qua các thời kỳ hay sơ đồ trong phần “phân tích tính huống” ở chương “các phưong pháp giảng dạy tích cực”.
Nhiều ví dụ trong đề tài thậm chí có nguyên văn trong cẩm nang như các ví dụ về “nội dung tình huống”.
Trao đổi với chúng tôi, có vị trong nhóm tác giả chung của đề tài bức xúc: “Anh Tiến không hề trao đổi với chúng tôi về vấn đề này. Không thể có chuyện lấy một đề tài của tập thể làm sách chuyên khảo của mình rồi đem nộp để được xét phong GS và trót lọt”.
Sử dụng lại phải trích dẫn nguồn
Ông Tô Văn Long, Trưởng phòng quyền tác giả, quyền liên quan thuộc Cục Bản quyền (Bộ Văn hóa - Thể thao- Du lịch) khẳng định, đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ là của cả một tập thể tác giả chứ không chỉ riêng ai.
Còn sách chuyên khảo là sáng tạo của mỗi người, hoàn toàn độc lập. Người chủ nhiệm đề tài chỉ là nắm vai trò tập hợp, điều phối, điều hành ban soạn thảo để biên soạn và thay mặt tập thể để bảo vệ đề tài.
Do vậy, đó là công trình khoa học tập thể nên nếu sử dụng lại thì phải trích dẫn để trong ngoặc kép và dẫn chiếu nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, ông Tiến đã không tuân thủ những điều trên, không hề dẫn chiếu nguồn gốc xuất xứ và “khẳng định” đây là cuốn sách của cá nhân mình biên soạn khi đứng tên là tác giả.
Hơn nữa ông Tiến còn cho bán rộng rãi nhưng không cần hỏi ý kiến hay trả nhuận bút cho các đồng tác giả khác.
Theo ý kiến của những chuyên gia chuyên ngành, cẩm nang của ông Tiến viết về phương pháp sư phạm nhưng ông lại đề “chuyên ngành hành chính-kinh tế- xã hội”?
Phải chăng đây là một trong những cơ sở để ông được phong GS chuyên ngành kinh tế? Khi được hỏi vì sao Hội đồng chức danh GS cấp cơ sở không phát hiện việc “copy” trên của ông Tiến thì một thành viên thừa nhận không ai phát hiện ra “gian lận” này và đã bỏ phiếu đề nghị phong GS cho ông Tiến.
Cũng cần nhắc lại là trong vụ “copy” của ông Điều, Hội đồng chức danh GS cấp cơ sở (toàn bộ là cấp dưới của ông Điều - chức vụ cao nhất chỉ ngang ông Tiến) cũng đã bị “qua mặt” khá dễ.
Chỉ đến gần đây, khi ông Tiến ngày càng bộc lộ nhiều sai phạm (chúng tôi xin đề cập trong các bài khác) thì dư luận trong HVHC ngày càng bức xúc và vụ “copy” trên mới bị vỡ lở.