Công viên Thiên văn học: Sớm tháo gỡ vướng mắc, đưa vào sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện đang giao cơ quan chức năng sớm tháo gỡ vướng mắc để đưa công viên vào sử dụng, phục vụ nhu cầu của người dân…

Công viên trăm tỷ bỏ hoang

Công viên Thiên văn học gồm hồ Bách Hợp Thủy rộng 6ha và nhiều hạng mục được xây dựng theo chủ đề thiên văn học kết hợp với cây xanh, hồ nước.

Quảng trường Zodiac, Vườn Dải ngân hà, Quảng trường Hệ mặt trời, Cầu Ánh trăng, Khu vật thể lạ (UFO Zone), Quảng trường Ngoài hành tinh, Bể hố đen.... là những hạng mục điểm nhấn của Công viên Thiên văn học.

Theo Quyết định 1955/QĐ-UBND ngày 02/7/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Dự án Khu đô thị mới Dương Nội, Công viên Thiên Văn học bao gồm các hạng mục cây xanh (CX05) và mặt nước (MN), tổng diện tích gần 12ha.

Công viên Thiên văn học: Sớm tháo gỡ vướng mắc, đưa vào sử dụng ảnh 1

Đây là công trình xã hội, phi lợi nhuận, phục vụ mục đích cộng đồng. Khi triển khai xây dựng, công trình không thay đổi về tổng diện tích và mục đích sử dụng, nhưng có sự điều chỉnh về chi tiết hạng mục giữa cây xanh và mặt nước theo hướng mang lại lợi ích hơn cho cộng đồng.

Cụ thể, theo tinh thần chủ trương cần tăng diện tích mặt nước ở khu vực Hà Đông, chủ đầu tư đã tăng chi phí đầu tư để tăng diện tích mặt nước, bổ sung thêm cảnh quan giải trí tạo điểm nhấn cho khu đô thị. Đây là khu công viên có quy mô, hiện đại và đặc sắc nhất Đông Nam Á. Việc điều chỉnh giảm diện tích cây xanh, tăng diện tích mặt nước vẫn đảm bảo tổng diện tích xây dựng và được cơ quan chuyên môn xác nhận là phù hợp với quy hoạch chung của ô đất chức năng công viên cây xanh.

Công trình Công viên đã được Chủ đầu tư thi công hoàn thiện nhưng vẫn chưa thể mở cửa để cộng đồng dân cư được sử dụng. Cộng đồng dân cư khu vực này cũng có ý kiến đề xuất các cơ quan chức năng cho phép công viên tồn tại theo hiện trạng và nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, đưa công viên vào vận hành phục vụ nhân dân. Chủ đầu tư rất mong UBND TP Hà Nội và các Sở, Ban, Ngành xem xét những giá trị lợi ích mà công trình mang lại cho xã hội, cũng như tâm huyết của doanh nghiệp đối với một công trình hữu ích cho cộng đồng, đáp ứng các tiêu chuẩn thẩm mỹ để sớm cho công trình đi vào sử dụng.

Công viên Thiên văn học: Sớm tháo gỡ vướng mắc, đưa vào sử dụng ảnh 2

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc

Theo báo cáo giám sát của HĐND thành phố, một số dự án công trình hạ tầng xã hội thiết yếu như trường học, vườn hoa, cây xanh, hồ nước, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí... trên địa bàn thành phố chậm triển khai, chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch theo dự án được phê duyệt, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Kết quả giám sát cũng nêu một số công viên ở Hà Nội hiện bỏ hoang, xuống cấp, cá biệt có công viên không cho người dân vào như Công viên Thiên văn học ở Hà Đông.

Trong phần trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề, liên quan đến các công viên trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Công viên Thiên văn học do Tập đoàn Nam Cường đầu tư xây dựng, không phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 Khu đô thị mới Dương Nội.

Theo ông Tuấn, Sở Xây dựng, quận Hà Đông và các sở, ngành liên quan đã xử lý về trật tự xây dựng của công trình này. Bản thân ông đã tham gia ít nhất 2 cuộc họp về vấn đề này.

Theo ông Tuấn, rút kinh nghiệm từ trường hợp xử lý công viên nước Thanh Hà ở Khu đô thị Thanh Hà Cienco 5, UBND thành phố đã giao đơn vị chức năng kiểm tra về thực tế, đối chiếu với quy hoạch 1/500 xem phù hợp không, nếu thấy phù hợp thì đưa vào sử dụng. "Cả hạ tầng kỹ thuật lớn như vậy nhưng vi phạm trật tự quy hoạch, trật tự đất đai nên phải xử lý rất là công phu. Hy vọng quá trình xử lý sẽ nhanh, chúng tôi sẽ sớm củng cố vấn đề pháp lý và đưa công viên này vào vận hành", ông Tuấn nói.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.