Vị thế người dẫn đầu cuộc chơi vật liệu công nghệ cao
Masan High-Tech Materials là nhà sản xuất các dòng sản phẩm Vonfram cận sâu lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Hiện nay Masan High-Tech Materials đang vận hành mỏ đa kim Núi Pháo và hệ thống nhà máy chế biến hiện đại tại tỉnh Thái Nguyên. Công ty là nhà cung cấp hàng đầu thế giới các vật liệu Vonfram tiên tiến, sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như điện tử, công nghiệp hóa chất, ô tô, công nghệ y tế, hàng không vũ trụ, công nghệ năng lượng và môi trường, chế tạo máy và công cụ được sản xuất tại các tổ hợp nhà máy của Công ty tại Đức, Canada và Trung Quốc, phục vụ toàn thế giới.
Mục tiêu của Masan High-Tech Materials là chứng minh cho thế giới thấy một công ty Việt Nam có thể dẫn dắt sự thay đổi thị trường Vonfram toàn cầu thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các khách hàng để cung cấp các giải pháp được phát triển trong nước cho toàn thế giới. Vị thế về chất lượng của MHT được củng cố thông qua các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) của Công ty tại Đức và Việt Nam với sự hỗ trợ của ChemiLytics – là công ty thuộc sở hữu 100% bởi MHT. ChemiLytics là Phòng thí nghiệm Phân tích Vật liệu chịu lửa số 1 tại Châu Âu và là một trong những phòng thí nghiệm công nghiệp lớn nhất tại Đức, chuyên phân tích nguyên tố vô cơ và đặc tính của bột kim loại.
Tiếp theo sau thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh vonfram từ H.C. Starck, tháng 11/2020 Masan High-Tech Materials và Mitsubishi Materials Nhật Bản đã hoàn tất thỏa thuận thiết lập liên minh chiến lược hướng đến mục tiêu phát triển nền tảng vật liệu vonfram công nghệ cao. Mitsubishi Materials đã đầu tư 90 triệu USD vào Masan High-Tech Materials.
Ông Danny Le - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan High-Tech Materials chia sẻ về tầm nhìn chiến lược 2021 - 2025: “Song song với việc tìm kiếm các cơ hội đẩy mạnh nền tảng tái chế Vonfram, Masan High-Tech Materials còn tập trung mở rộng nền tảng tái chế các vật liệu khác như Coban, Tantali và Molypden. Mới đây, Công ty H.C. Starck Tungsten Powders (Công ty thành viên của Masan High-Tech Materials) nhận được một khoản tài trợ của Chính phủ Đức trị giá 800.000 Euro để phát triển một quy trình công nghệ tái chế Coban mới”.
MHT vinh dự được đề cử xét duyệt giải thưởng Khoáng sản ASEAN
Năm 2021 là năm Việt Nam luân phiên tổ chức ASOMM lần thứ 21, ASOMM+3 lần thứ 14 và AMMin lần thứ 8. Hội nghị ASOMM là diễn đàn để đại diện các quốc gia thành viên thảo luận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khai khoáng trong khu vực; hỗ trợ các chương trình công nghiệp hóa và tăng cường các hoạt động thương mại về hàng hóa khoáng sản trong khối ASEAN.
Theo đó, từ 6-8/10/ 2021, Việt Nam đã diễn ra sự kiện Hội nghị Quan chức, Bộ trưởng ASEAN (+3 TQ, Nhật, Hàn). Tại Hội nghị này, MHT được đánh giá là một điển hình tiêu biểu cho các doanh nghiệp khai khoáng của Việt Nam. Đồng thời, MHT được đề cử xét duyệt cho giải thưởng khoáng sản ASEAN. Doanh nghiệp tham gia xét tuyển giải thưởng khoáng sản ASEAN sẽ được đánh giá dựa trên các tiêu chí về Tính ảnh hưởng (Phát triển cộng đồng - Đóng góp cho nguồn cung khoáng sản ASEAN - Phát triển nguồn nhân lực - Năng suất và hiệu quả tài nguyên); Tính bền vững;...
Phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương
Năm 2020, là năm thứ ba liên tiếp Masan High-Tech Materials vinh dự lọt Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam. Toàn bộ các trạm quan trắc nước thải tự động của Công ty được kết nối và truyền trực tiếp số liệu quan trắc về cơ sở dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, đảm bảo chất lượng nước thải luôn trong tiêu chuẩn cho phép. Hơn 121.000 cây xanh đã được ươm trồng, tổng diện tích trồng cỏ, trồng cây phủ xanh, chống xói mòn tính đến hết năm 2020 là 67 ha. Năm 2020, Công ty tái sử dụng gần 7,7 triệu m3 nước thải, chiếm 75% tổng lượng nước sử dụng. Năm 2020, tỷ lệ chất thải tái chế được thu gom, chuyển giao chiếm 37% tổng lượng chất thải phát sinh, tái sử dụng được khoảng 987.000 m3 đất đá thải sạch, chiếm gần 20% tổng lượng đất đá thải phát sinh. Tính đến hết năm 2020, đã cải tạo phục hồi được 63,85ha các sườn bãi thải, các khu vực bị xáo trộn.
Tại H.C. Starck đã giải quyết được phần lớn các nhu cầu về nguyên liệu thô tại Goslar (Đức) bằng cách tái chế phế liệu chứa vonfram, được mua trên thị trường và nhận được từ khách hàng trong khuôn khổ các chương trình chuyển đổi hoặc tái chế chuyên dụng. Do đó, tỷ lệ tái chế từ nguyên liệu thô thu mua tăng đều và đạt trên 75% trong năm 2020. Đây là một tỷ lệ rất cao và đáng khích lệ, trong khi tỷ lệ tái chế trong ngành công nghiệp Vonfram ước tính ở mức 25-30% và dao động rất lớn ở các vùng khác nhau trên thế giới từ 15 - 50%.
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên Công ty vẫn cố gắng sáng tạo để vượt thách thức, doanh thu thuần của Công ty đạt 7.291 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2019, nộp ngân sách Nhà nước 1.478 tỷ đồng, sản lượng khai thác của Công ty đạt 3.868.995 tấn; thời gian vận hành thực tế của nhà máy đạt 95,4%.