'Công dân danh dự Seoul' trải lòng

TP - Cuối năm 2019 vừa qua, cô gái Lê Nguyễn Minh Phương (33 tuổi, quê Đà Nẵng) vừa được vinh danh “Công dân danh dự Seoul”. Điều đáng nói, giải thưởng này có từ năm 1958, và chị là người Việt đầu tiên được tôn vinh ở xứ sở kim chi.

Chắc chắn là chị đã đóng góp, cống hiến rất nhiều mới được tôn vinh ở giải thưởng danh dự này?

Trong gần 6 năm sinh sống ở thủ đô Seoul, ngoài công việc học tập, nghiên cứu của một nghiên cứu sinh Tiến sĩ, mình từng đảm nhiệm nhiều vai trò và nhiều hoạt động như: Hội trưởng Hội Sinh viên Việt Nam tại ĐH Yonsei; Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Truyền thông đối ngoại của Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc; biên phiên dịch; dạy tiếng Hàn, tiếng Việt, thực hiện các bài giảng đặc biệt về văn hóa Việt Nam tại các trường và viện nghiên cứu; phóng viên của kênh radio thuộc Đài phát thanh truyền hình quốc gia KBS; cộng tác viên thực hiện phóng sự tại Hàn Quốc cho VTV4; MC song ngữ…

Danh hiệu này không có chỉ tiêu cho từng nước, không xét dựa trên quốc tịch, tất cả dựa trên những đóng góp và cống hiến liên tục của từng cá nhân trong nhiều năm cho thành phố Seoul nói riêng và Hàn Quốc nói chung.

Trong buổi vinh danh, một thành viên Hội đồng xét tuyển của thành phố Seoul chia sẻ rằng ông đánh giá cao những hoạt động của mình trong việc kết nối, thúc đẩy giao lưu và quảng bá về mặt văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Cảm xúc của chị khi là người Việt Nam đầu tiên được tôn vinh?

Thật sự rất vinh dự! Việc mình còn được chọn là 1 trong 6 người tiêu biểu xuất hiện trong video phỏng vấn trình chiếu tại buổi vinh danh càng khiến mình cảm thấy tự hào hơn.

Sau giải thưởng, chị đã ấp ủ những gì để đóng góp cho mối quan hệ giữa hai nước?

Với danh hiệu cao quý  “Công dân danh dự Seoul” này, các “công dân danh dự” có thể sẽ có thêm cơ hội được tham dự các sự kiện do thành phố tổ chức, hoặc tham gia cố vấn, tư vấn các chính sách và công việc hành chính của thành phố. Mình hy vọng sẽ có thể tham gia nhiều hoạt động với nhiều vai trò khác đa dạng hơn nữa để được gặp gỡ nhiều người, tiếp xúc các cộng đồng người nước ngoài khác ở Seoul, tiếp tục giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là những người trong cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Đồng thời, mình mong muốn được tiếp tục góp phần vào sự kết nối và giao lưu giữa thành phố Seoul và Việt Nam, cũng như giữa hai đất nước.

'Công dân danh dự Seoul' trải lòng ảnh 1  Chị Phương dẫn bản tin thời sự đặc biệt cuối năm trực tiếp trên sóng VTV4 ngày 31/12/2018. Ảnh: NVCC

“Super woman đến từ Việt Nam”

Trước khi nổi tiếng vì được vinh danh, chị cũng từng gây chú ý bởi là cô phát thanh viên nói giọng Đà Nẵng trên đài lớn nhất Hàn Quốc. Công việc này đến với chị như thế nào?

Chương trình mình đảm nhiệm tên là “Chuyện từ Seoul”, như một talkshow thu nhỏ trên sóng radio, chuyên phỏng vấn và giới thiệu về những sự kiện giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội giữa Việt Nam - Hàn Quốc và những gương mặt nổi bật trong cộng đồng và nghệ sĩ hai nước. Khi vừa mới sang Hàn mình đã từng được mời làm khách mời trong chuyên mục này. Sau khoảng một năm, mình biết chuyên mục cần tuyển người mới nên đăng ký thi tuyển và trúng tuyển, vào làm cộng tác viên của Ban tiếng Việt, Đài Phát thanh quốc tế Hàn Quốc KBS WORLD RADIO.

Trong 5 năm phụ trách nội dung và dẫn dắt một chuyên mục talkshow của Đài KBS WORLD RADIO, mình đã giới thiệu nhiều nhân vật và câu chuyện của những cô dâu, người lao động, du học sinh và kể cả các nghệ sĩ, các nhân vật cấp cao của hai nước. Mình đảm nhiệm từ khâu tìm nhân vật, lên nội dung phỏng vấn, trực tiếp tìm gặp để ghi âm phần phỏng vấn đến khâu biên tập. Một vài người bạn Hàn Quốc làm trong lĩnh vực truyền thông khi biết về công việc của mình cũng cảm thấy ngạc nhiên. Tuy chỉ là cộng tác viên thực hiện một chuyên mục talkshow nhưng mình lại đảm nhiệm hết vai trò của biên kịch, tác giả, PD, MC, biên tập…

Ở xứ người, lại là phụ nữ, hẳn sẽ rất khó khăn để khẳng định giá trị, vị trí của bản thân?

Để chu toàn được công việc ngoài xã hội và việc nhà luôn là một điều khó. Khi vừa làm mẹ, vừa làm cha, vừa theo đuổi công việc, đặc biệt ở xứ người thì khó khăn càng chồng chất.

Thời gian mình có trong ngày không đủ để hoàn thành được hết tất cả mọi việc. Nhiều hoạt động mình tham gia đòi hỏi phải di chuyển nhiều nên đôi khi một ngày có thể mất 3-4 tiếng ngồi tàu điện ngầm. Thành thử, chuyện thức đêm đến sáng hoặc hai, ba ngày mới ngủ một lần xảy ra rất thường xuyên.

Dù đang trong giai đoạn viết luận văn Tiến sĩ nhưng mình vẫn phải cố gắng duy trì các công việc trên và nhận lời đi phiên dịch khi có dịp để trang trải cuộc sống cả gia đình ở Seoul. Ngoài ra, với các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, mình phải thu xếp tham gia và đóng góp công sức trong khả năng của mình như phiên dịch, làm MC, đưa tin trên sóng KBS và VTV…

Vậy nguồn động lực nào thôi thúc chị?

May mắn là sau những nỗ lực, mình được ghi nhận. Như các suất học bổng từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc cho các du học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Tháng 3/2018, mình được chọn là 1 trong 15 sinh viên xuất sắc để tham gia đoàn sinh viên Việt được phu nhân Tổng thống Hàn Quốc mời đến Phủ Tổng thống tham quan và dùng bữa trưa. Mình vinh dự khi được Nhà xanh ưu tiên sắp xếp chỗ ngồi ngay bên cạnh Phu nhân và được chia sẻ những suy nghĩ của mình về quan hệ Việt – Hàn, về cộng đồng người Việt ở Hàn. Tháng 7/2019, mình được chọn để xuất hiện trong một chương trình giới thiệu và chia sẻ về cuộc sống những người nước ngoài gắn bó với Hàn Quốc của Đài truyền hình KBS và nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả và ekip.

Họ gọi mình là “super woman đến từ Việt Nam” với nhiều “nghề” khác nhau để vừa học vừa làm vẫn có thể duy trì cuộc sống cùng mẹ và con ở Hàn Quốc… Đặc biệt, khi trở thành người Việt Nam đầu tiên, cũng là một trong những người trẻ nhất năm nay được trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự thủ đô Seoul”…

Kế hoạch của chị trong năm mới?

Mình mong muốn được tiếp tục công việc phóng viên của mình tại đây, đồng thời phát triển kênh Youtube chuyên chia sẻ những thông tin hữu ích cho người Việt liên quan đến Hàn Quốc như: học bổng Chính phủ Hàn Quốc và học bổng các loại, tips học và luyện thi tiếng Hàn, tips hữu ích trong cuộc sống ở Hàn Quốc.v.v…

Mục tiêu lớn nhất của mình trong năm 2020 sẽ hoàn thành luận văn Tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp, chỉ mong làm việc đúng chuyên ngành giảng dạy tiếng Hàn ở một trường Đại học tại Hàn Quốc. Công việc này không chỉ giúp mình chia sẻ kiến thức tiếng Hàn với các sinh viên quốc tế, mà còn giúp mình gặp gỡ nhiều bạn trẻ Việt Nam để lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm và tạo thêm nhiều cơ hội, kết nối giúp các bạn ở Việt Nam có thể đi du học, mở mang kiến thức và sau này đóng góp cho đất nước.

Cám ơn chị!

Bận đến mấy, cũng gắng về ăn Tết Việt

Cảm giác được đón những ngày Tết trên quê hương là niềm hạnh phúc lớn lao mà mình luôn khao khát mỗi khi ở nước ngoài. Vì vậy, mục tiêu của mình là sau một năm tất bật, phải cố gắng thu xếp để cả gia đình đón Tết bên nhau ở Việt Nam. Đó cũng là động lực để cố gắng làm việc chăm chỉ và như một món quà nhỏ mình dành tặng cho bản thân vào dịp cuối năm. 

MỚI - NÓNG