Công an triệt phá 2.800 băng nhóm tội phạm

Công an triệt phá 2.800 băng nhóm tội phạm
Năm 2012, lực lượng công an trong cả nước đã điều tra, khám phá trên 37.000 vụ phạm pháp hình sự, nhưng lãnh đạo ngành vẫn thẳng thắn thừa nhận chưa hoàn thành nhiệm vụ.

>SBC bắt sống tướng cướp khét tiếng Sài Gòn

>Thành lập lực lượng chống cướp giật

Chiều 13-12, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Họp báo thông báo kết quả công tác đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng lực lượng công an nhân dân năm 2012, triển khai nhiệm vụ trong tâm 2013.

Kết quả nổi bật của lực lượng công an trong năm 2012 là công tác phòng chống tội phạm, giữ vững trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt là việc triển khai mô hình tổ công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông trong phòng chống tội phạm và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Năm qua, lực lượng công an trong cả nước đã điều tra, khám phá trên 37.000 vụ phạm pháp hình sự, triệt phá gần 2.800 băng nhóm tội phạm; giải cứu thành công tất cả các vụ tống tiền, bắt cóc trẻ em.

Công tác phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, sử dụng công nghệ cao cũng đã được chú trọng hơn cả về biện pháp phòng ngừa và điều tra xử lý tội phạm, kiến nghị khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế.

Cụ thể, lực lượng công an đã phát hiện hơn 12.600 vụ phạm tội kinh tế, 324 vụ tham nhũng, trong đó đã điều tra, khởi tố nhiều vụ án kinh tế lớn được dự luận đánh giá cao như vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ MB24, vụ Công ty cho thuê Tài chính 2.

Trên lĩnh vực phòng chống tội phạm ma túy, lực lượng công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả kế hoạch tấn công tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Kết quả đã phát hiện, xử lý gần 18.000 vụ, bắt giữ hơn 26.000 đối tượng vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ hàng trăm kg heroin.

Năm 2012 cũng là năm đánh dấu những kết quả nổi bật của lực lượng công an trong công tác kiềm chế, từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông.

Thiếu tướng Nguyễn Danh Cộng - Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết: "Mục tiêu năm 2013 là phải đảm bảo an ninh chủ động. Nắm chắc tình hình, ngăn chặn, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu diễn biến của các thế lực thù địch, bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị của đất nước. Giữ vững an ninh các địa bàn chiến lược, an ninh trên các lĩnh vực…

Tuy nhiên, thượng tướng Đặng Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Công an, thừa nhận mục tiêu giảm tội phạm hình sự năm 2012 của Bộ Công an không hoàn thành.

Thiếu tướng Nguyễn Danh Cộng, chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết năm 2012 tội phạm về tham nhũng gia tăng với 324 vụ án tham nhũng, tăng 28,57% so với năm 2011, chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý tài sản công, ngân hàng, tài chính, quản lý sử dụng đất...

Tội phạm về trật tự xã hội tăng 2,69% so với năm 2011; tính chất bạo lực, hung hãn, manh động, đối tượng phạm tội xu hướng ngày càng trẻ hơn. Nổi lên là loại tội phạm do nguyên nhân suy thoái đạo đức xã hội chiếm 82,7% trong số vụ giết người; tội phạm dùng chất nổ, gây nổ xảy ra 66 vụ (tăng 186,9%); tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng công an tăng 5,9%... Đáng chú ý, hoạt động tội phạm có sự đan xen, liên kết giữa tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy hoặc núp bóng dưới hình thức doanh nghiệp để phạm tội.

Đánh giá về tình hình tội phạm hình sự, thượng tướng Đặng Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Công an, thẳng thắn thừa nhận mục tiêu làm giảm tội phạm hình sự năm 2012 của Bộ Công an đã không hoàn thành, tỉ lệ tội phạm vẫn tăng hơn năm trước. Trong đó chủ yếu là tội phạm tại vùng nông thôn. Đáng chú ý, tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa.

Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Ba, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, qua phân tích hơn 31.000 bị can cho thấy có tới 8,2% bị can dưới 18 tuổi, hơn 62% bị can từ 18 đến dưới 30 tuổi. Cơ quan công an đánh giá có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm: tình hình kinh tế khó khăn; tội phạm ma túy còn nhiều; tỉ lệ cai nghiện thành công thấp; tình trạng thông tin xấu trên Internet, phim bạo lực tràn lan; nhiều học sinh bỏ học.

Tội phạm ở đâu, giám đốc công an địa phương đó chịu trách nhiệm

Đánh giá về tình hình tội phạm manh động tại TP.HCM thời gian qua và việc có cần thiết hay không mô hình liên quân như kế hoạch 141 của Công an Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Văn Ba cho biết bộ đang thẩm tra ý kiến của một lãnh đạo Công an TP.HCM về vấn đề có cần thiết hay không phải có lực lượng như 141 tại TP.HCM. Tuy nhiên, ông Ba khẳng định Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công an cũng đã kiểm tra, đánh giá thực trạng tội phạm tại TP.HCM. Bộ Công an đã chỉ đạo rõ, quan điểm là tội phạm xảy ra tại địa phương nào thì trách nhiệm trước hết thuộc cấp ủy Đảng, giám đốc công an địa phương đó.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ Công an đã trả lời các câu hỏi của nhà báo liên quan đến tình hình triển khai Nghị định 71 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên; tình trạng cướp giật táo tợn trong thời gian qua./.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG