- Cố ca sĩ Y Moan trình bày rất hay ca khúc “Cho tôi xin em một đứa con trai”. Anh có thể kể đôi chút về ký ức tuổi thơ cùng người cha của mình?
- Bố tôi vào đoàn văn công từ những năm sau 1975. Đoàn văn công Đắk Lắk tuyển sinh, vào các xã đi tìm người. Bác trưởng đoàn đã phát hiện ra giọng hát bố tôi và chính bác đã đặt nghệ danh Y Moan cho bố. Bố nổi tiếng từ rất sớm, bắt đầu bằng Huy chương Vàng Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Quy Nhơn (1977) và sau đó là nhiều huy chương danh giá khác.
Bố được đưa ra đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội và đưa đi nước ngoài học tập nhờ đó tiếng tăm của bố ngày càng được biết tới.
Mẹ tôi quê Thái Bình đi TNXP vào Tây Nguyên, là diễn viên múa. Cả đời mẹ tôi chăm sóc cho chúng tôi và lo toan mọi việc trong nhà, vì bố đi biểu diễn, có khi vài năm mới về nhà.
Nghệ sĩ Y Vôl Ênuôl bên cha mình - Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan. Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ. |
- Cuộc hôn nhân giữa bố anh là người Ê Đê còn mẹ anh là người Kinh vào những năm 1970 chắc chắn là một sự kiện lớn?
- Đúng vậy. Bố đã thoát ly khỏi “Chế độ mẫu hệ” của buôn làng.
Theo tập tục, người con gái Ê Đê sẽ “bắt” người đàn ông mình yêu làm chồng và chồng thì ở rể.
Ngược lại, bố theo tiếng gọi của xã hội mới, tự “thoát ly” và lấy vợ người Kinh.
Khi sinh ra chúng tôi, tất cả đều theo họ bố, còn nếu theo phong tục Êđê chúng tôi sẽ lấy họ của mẹ. Bố tôi là một trong những người tiên phong trong việc du nhập văn hóa nhưng lại là người luôn có ý thức bảo vệ bản sắc của dân tộc Êđê.
Cuộc hôn nhân ấy không được buôn làng chấp nhận, nhưng bố vẫn theo tiếng gọi của tình yêu. Sau khi cưới nhau, bố mẹ sống trong khu tập thể của Đoàn ca múa Đắk Lắk. Tôi cùng hai đứa em được sinh ra trong khu tập thể của đoàn.
- Cuộc sống trong thời bao cấp như thế nào?
- Lúc ấy cả đoàn đều nghèo. Tôi sinh năm 1978, lớn lên với các bạn cùng trang lứa, niềm vui là âm nhạc. Bố đi diễn ở các buôn làng, chẳng bao giờ có tiền bạc gì, vì đồng bào chỉ có khoai sắn thôi.
Trước cửa nhà chúng tôi có duy nhất một bụi cà phê. Đến mùa nó vẫn ra quả. Bố thường ngồi đàn hát với các nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường bên gốc cà phê ấy. Tôi đã nghe nhạc sĩ Nguyễn Cường hát bài Ly cà phê Ban Mê do ông mới viết chưa ráo mực ngay bên bụi cà phê ấy.
Nghệ sĩ Y Moan diễn cho đồng bào nghe. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo. |
- Bố anh hướng anh vào con đường âm nhạc ra sao?
- Thật ra công lao đầu tiên thuộc về mẹ tôi. Mẹ cứ ngày ngày đèo tôi bằng xe đạp, đi 3 km, đưa tôi đến sinh hoạt ở trung tâm văn hóa. Bố tôi đi biểu diễn xa nhà suốt cả tháng. Thật may mắn là thời đó các nhà văn hóa đào tạo miễn phí nên chúng tôi được học nhiều môn nghệ thuật mà không phải trả tiền.
Năm 1995, đang học phổ thông thì tôi đã trúng tuyển vào nhạc viện. Bố tôi biết chuyện, bảo: “Con nên theo học trường nghệ thuật của quân đội, sẽ là nơi rèn luyện cho con trưởng thành hơn. Thế là tôi thi và đậu vào trường nghệ thuật quân đội. Khi tôi ra Hà Nội học, thì nhạc sĩ An Thuyên hiệu trưởng và nhiều thầy cô khác đều nói họ là bạn bố tôi, có người học cùng bố. Điều đó khiến tôi rất tự hào”.
- Anh đã thực hiện live show duy nhất cho bố mình như thế nào?
- Tôi học hết năm thứ 2 thì được đặc cách vào quân đội và mang hàm thiếu úy, có lương, đỡ cho gia đình. Rồi tôi ra trường, được giữ lại trường giảng dạy. Đột nhiên, gia đình biết tin bố bị bệnh nặng. Khi ấy, tôi rất buồn, nhưng cố gắng đứng vững. Tôi xin ra quân và vào làm việc tại Công ty sông Đà, Thăng Long. Chính công ty đã hỗ trợ tài chính cho tôi làm live show duy nhất cho bố tôi trước khi ông qua đời.
Những người bạn của bố tôi như bác Nguyễn Cường, bác Trần Tiến cũng góp nhiều công sức cho đêm diễn thành công.
- Nghệ sĩ Y Moan có biết mình bị ung thư hay không?
- Tất cả đều giấu bố. Nhưng có lẽ bố cũng cảm nhận được thời gian không còn nhiều với mình. Chỉ vài tuần, bố tôi từ 78 kg rút xuống chỉ còn 32 kg.
Trong live show, cứ sau mỗi bài hát ông lại vào thở oxy. Bởi lúc ấy bố chỉ truyền đạm, không còn ăn uống gì được nữa. Nhưng bây giờ nghe lại chương trình đêm ấy, mọi người vẫn thấy giọng hát bố khỏe, say đắm lòng người, mà không ai biết bố bị bạo bệnh sắp từ giã cuộc đời.
Các con trai của nghệ sĩ Y Moan tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật. |
- Thời gian qua đi, anh nhìn nhận về bố như thế nào?
- Bố tôi không phải mẫu người làm thương mại, không lợi dụng tiếng tăm của mình trong nghệ thuật. Bố diễn xong về nhà trồng trọt, đi rẫy, đi trồng khoai mì. Hồi học ở Nhạc viện Hà Nội, trường muốn giữ bố lại làm giảng viên, bố tôi không nhận.
Có thời điểm bố đi học, đi diễn nước ngoài mấy năm, mẹ tôi khóc hết nước mắt, cứ tưởng bố tôi ở lại nước ngoài. Lúc ấy nhiều người đi nước ngoài rồi ở lại luôn không về nữa. Nhưng rồi Y Moan vẫn trở về khu tập thể của đoàn, đi hát, đi rẫy như mọi ngày “còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột”.
- Bố anh nói gì về âm nhạc và văn hóa Tây Nguyên?
- Bố tôi thường nói muốn đưa âm nhạc, tiếng nói của đồng bào ra với cộng đồng và thế giới. Bố không bao giờ nghĩ mình làm vì cá nhân. Bố rất yêu các ca khúc viết về quê hương như: “Gái trai quê tôi da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hòa. Những đứa con của Trường Sơn Trung kiên như Trường Sơn” (Ơi! M’Drak). Những bài hát hay, bố tôi lại dịch ra tiếng Ê Đê để hát cho đồng bào nghe.
Tôi và em tôi theo nghiệp ca hát, sáng tác, biểu diễn. Nhưng hai anh em thường nói với nhau là mình vẫn chưa làm được như bố, vì bố luôn thể hiện một sự thuần khiết của Tây Nguyên, rất nghệ thuật mà cũng vô cùng dung dị mộc mạc. Bố chỉ cần một cây đàn ghi ta, thế là tất cả đều cuốn theo bố tôi.
- Dưới góc độ là một nghệ sĩ, anh đánh giá thế nào về đóng góp của nghệ sĩ Y Moan với âm nhạc Tây Nguyên?
- Có lẽ bố tôi là nghệ sĩ Tây Nguyên nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất trong đời sống âm nhạc của Việt Nam. Không chỉ biểu diễn trong nước, ông còn đem âm nhạc Tây Nguyên, âm nhạc Việt Nam ra diễn ở nhiều nước.
Bố được các nghệ sĩ, đồng nghiệp, các nhạc sĩ nhận xét là ông không chỉ là một ca sĩ bình thường, ông luôn tìm cách thể hiện sáng tạo các bài hát theo phong cách rất Tây Nguyên. Bố chỉnh sửa, thay đổi màu sắc của nó, cho bài hát đậm chất Tây Nguyên. Bố thường nói với tôi: “Người nghệ sĩ như người đầu bếp, cùng một thực phẩm nhưng phải có gia vị phù hợp phải giỏi nấu nướng thì mới có món ngon”.
- Anh vẫn kế nghiệp công việc của bố mình?
- Đúng như vậy. Kỷ niệm 5 năm bố đi xa, tôi đã làm một đêm nhạc kỷ niệm. Hiện tôi vừa biểu diễn, vừa tổ chức nhiều chương trình âm nhạc phục vụ đồng bào.
Đồng bào không thích nghệ sĩ chúng tôi đi quá xa với những gì âm nhạc của bố Y Moan để lại, nhưng cũng cần các sáng tạo mới. Những gì ồn ào, hào nhoáng, không đọng lại, đều khá xa lạ với đồng bào Tây Nguyên.
Nghệ sĩ Y Vôl Ênuôl. Ảnh: Tư liệu nghệ sĩ. |
- Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ bức thư anh kêu gọi đồng bào đoàn kết dân tộc. Anh có thể nói đôi chút về lá thư này?
- Sự việc xảy ra tại Tây Nguyên làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ cộng đồng người Việt Nam sinh ra trên đất nước Việt Nam thì không nên phân biệt dân tộc, dòng tộc nào cả. Người Kinh và người đồng bào lâu nay ở cạnh nhau, đều yêu quý nhau, giúp đỡ nhau. Khi những người nhẹ dạ bị kẻ xấu lợi dụng làm những việc chia rẽ khối đoàn kết thì có thể dẫn tới nhiều hệ lụy xấu. Nếu bố tôi còn sống, chắc ông rất buồn về câu chuyện này.
Những năm gần đây, Tây Nguyên trù phú đang được khai thác tốt làm du lịch, phát triển kinh tế, đời sống người dân tốt đẹp hơn trước kia. Hiện tình hình an ninh đã ổn rồi. Mọi sinh hoạt đã được khôi phục.