Thực tế, phương thức tự chủ xét tuyển kiểu “ghi danh” hoặc xét tuyển đầu vào bằng học bạ… của các trường đại học hiện nay không có gì lạ lẫm. Việc nới lỏng đầu vào bằng một kỳ thi đánh giá năng lực để chọn lựa thí sinh theo đúng chuẩn của ngành, tiêu chí của lĩnh vực đào tạo là cần thiết. Đây cũng là xu hướng của các trường trên thế giới. Cách này, vừa tiết kiệm kinh phí cho phụ huynh, thí sinh trong thi cử vừa đáp ứng được quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học. Tuy nhiên, theo cách này thì đầu ra phải được siết chặt, để đảm bảo chất lượng đào tạo và tạo được tính công bằng trong giáo dục.
Chuyện tưởng chừng như đơn giản vậy, thì tại Việt Nam, mùa tuyển sinh nào cũng loay hoay, bất cập, vừa làm vừa điều chỉnh.
PGS. TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM từng chia sẻ, chuyện ghi danh đầu vào không phải đến bây giờ mới được bàn thảo. Vào thập niên 1970, Trường ĐH khoa học Sài Gòn đã bắt đầu nới lỏng đầu vào khi ghi danh hơn 2000 thí sinh. Nhưng sau hơn 1 năm học, quá trình đào thải, số lượng học viên còn lại chỉ gần 200.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, ngoài những ngành nghề đặc thù như ngành y hay sư phạm, cần tuyển sinh đầu vào một cách gắt gao, nghiêm túc, còn lại giáo dục đại học nên thả lỏng đầu vào và siết chặt đầu ra.
Theo Cơ quan Trao đổi Hàn lâm của Đức, ở nước này, điều kiện đầu vào đại học khá đơn giản, chỉ cần hồ sơ thí sinh đủ điều kiện xét tuyển và đạt điểm khi phỏng vấn đánh giá năng lực. Thế nhưng đầu ra là một hành trình gian nan, đòi hỏi cả một quá trình học tập miệt mài của sinh viên.
Một số trường có uy tín của Việt Nam cũng bắt đầu với quy trình “vào mở, ra đóng” nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa số các trường còn lại, sau khi có “bùa hộ mệnh” là tự chủ tuyển sinh, tự chủ tài chính thì ồ ạt tuyển sinh. Có những trường xây dựng 5-7 phương thức xét tuyển, kiểu “vơ bèo vạt tép”, không quan tâm đầu vào và buông lỏng luôn đầu ra. Họ sợ rằng, việc siết chặt đầu ra khiến sinh viên không dám nộp hồ sơ theo học nữa, trường sẽ khó tuyển sinh, kéo theo giảm nguồn thu khi trường tự chủ tài chính.
Thả nổi chất lượng đầu vào lẫn đầu ra ở nhiều trường đại học, theo các nhà tuyển dụng, đã tạo nên hệ quả, hàng loạt cử nhân “3 không” đã tốt nghiệp: không kiến thức chuyên môn, không kỹ năng mềm, không ngoại ngữ, dẫn tới không làm được việc.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2021- 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, giáo dục đại học vẫn loay hoay, khổ sở, chưa tìm được phương thức xét tuyển, phương pháp đào tạo mang lại hiệu quả.
Tại các nước phát triển, học sinh có thể lựa chọn ngành học theo năng lực, theo sở thích, tự do đăng ký, nhưng nếu sinh viên không đảm bảo điều kiện đầu ra, có thể lùi lại một năm hoặc bạn dừng lại, tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp phù hợp khác. Thế nhưng, tại Việt Nam thì ngược lại, phụ huynh tìm mọi cách, thậm chí “làm đẹp” học bạ cho con để dễ dàng vào đại học ngành hót, còn nhà trường tìm mọi cách để tuyển đủ chỉ tiêu.