100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 - 2017

Con tàu Rạng Đông huyền thoại và những thủy thủ

Con tàu Avrora (Rạng Đông).
Con tàu Avrora (Rạng Đông).
TP - Cách đây 100 năm, rạng sáng 7/11/1917 (tức là ngày 24/10/1917 theo lịch Nga Hoàng ngày đó), loạt đạn đại bác vang lên từ chiến hạm Rạng Đông (Avrora) trên dòng sông Neva vào Cung điện Mùa Đông mở màn cho cuộc cách mạng vô sản Nga do Lê-nin lãnh đạo, làm nên cuộc Cách mạng Tháng 10 chấn động địa cầu.

Loạt đại bác này chính là phát súng hiệu, báo hiệu cho cuộc cách mạng chuyên chính vô sản lan rộng khắp thế giới, nhiều dân tộc bị áp bức đã đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thành lập nhà nước XHCN. Nhưng, có nhiều điều chúng ta chưa từng được biết về con người trên chiến hạm này.

Kỳ 1: Ba anh em song sinh Pallada

Vào cuối thế kỷ 19, chính phủ Nga Hoàng quyết định sẽ chế tạo những con tàu hiện đại để đối phó với cuộc chiến tranh trên biển. Năm 1894, Bộ Hàng hải Nga đã  thông báo cuộc thi thiết kế tàu chiến bọc thép, tốc độ cao. Đã có khá nhiều bản thiết kế dự thi và bộ này đã chọn được 3 mẫu được cho là tốt nhất. Ngày 23/8/1897, tại nhà máy đóng tàu thuộc St Petersburg, Nga Hoàng cho đóng 3 tàu chiến mới là: Pallada, Diana và Avrora theo mẫu Pallada. Tên của mỗi chiếc tàu do chính Nga Hoàng lựa chọn. Chiếc Pallada và Diana lần lượt được hạ thủy vào tháng 8 và tháng 9/1899, còn chiếc Avrora được hạ thủy vào tháng 5/1900.

Sau khi hạ thủy, cả 3 chiến hạm trên được biên chế vào Hải quân Nga và làm nhiệm vụ bảo vệ vùng Viễn Đông nước Nga. Năm 1904, cả 3 chiến hạm này tham gia cuộc chiến tranh Nga - Nhật tại vùng biển Trung Quốc. Ngày 8/2/1904, trận chiến đầu tiên tại cảng Lữ Thuận (Cảng Arthur nay thuộc TP Liêu Ninh - Trung Quốc). Đây là một trận chiến được lịch sử quân sự thế giới ghi lại với chiến thắng từ phía Nhật. Theo tư liệu của cuốn sách “100 trận đánh kinh điển thế giới” thì “Ngày 8/2, trên chiến hạm St Maria của Nga, quân Nga đã tổ chức lễ kỷ niệm lớn tại căn cứ hải quân cảng Arthur. Đô đốc tư lệnh hạm đội Stack và toàn bộ sĩ quan của ông đều rời tàu tham gia hoạt động này. Chính lúc các binh lính Nga đang vui vẻ nhảy múa thì hạm đội Nhật giữ nhiệm vụ tấn công lén đã cải trang thành quân Nga, nhẹ nhàng tiếp cận những hạm đội Nga đang neo ở bên ngoài cảng Arthur, liên tiếp phóng 16 quả ngư lôi vào các hạm đội của Nga. Trong tiếng nổ vang trời, ba chiếc tuần dương hạm tốt nhất của Nga may mắn thoát khỏi vòng vây, nhưng lại bị hư hỏng nặng. Ngày 10/2, hạm đội chủ lực do Trung tướng hải quân tư lệnh Hạm đội liên hợp Nhật Heihachiro Togo chỉ huy thừa thắng phát động tấn công vào hạm đội của Nga và làm hỏng 4 tàu Nga. Hạm đội Nga bị thiệt hại nhiều đành rút vào sâu trong cảng Arthur, người Nhật giành được quyền khống chế trên biển”. Trong những chiến hạm của Nga bị đánh chìm có chiếc Pallada, chiếc đầu tiên của 3 chiếc tàu thuộc dòng Pallada. Chiếc Diana thì bị hư hỏng nhiều và sau đó phải bỏ chạy thoát khỏi sự truy đuổi của tàu Nhật. Điểm đến được thủy thủ Nga lựa chọn là Việt Nam. Vì ngày đó, chính phủ Pháp đứng ở vị thế trung lập. Đó là vào khoảng tháng 8/1904.

Chiến hạm Avrora không bị thương hư hại nhiều sau trận chiến Arthur. Avrora tiếp tục tham chiến và tháng 4/1905, trong chuyến đi chuẩn bị cho những trận chiến với người Nhật, chiến hạm Avrora đã đến Việt Nam. Trong cuốn nhật ký của bác sỹ Kravchenko đã ghi lại cảm xúc khi tới Việt Nam: “ Tàu Rạng Đông (Tức Avrora) đến Cam Ranh sáng sớm ngày 1 tháng Tư năm 1905. Cam Ranh khiến các thủy thủ Nga kinh ngạc vì kích thước rộng lớn của nó. Hai lối ra biển lập tức được chặn lại để tránh sự tấn công của tàu khu trục Nhật Bản. Tàu Rạng Đông ở Cam Ranh tất cả 12 ngày, xen kẽ nhiệm vụ trực chiến, bốc than, lương thực và diễn tập trên biển. Thuyền trưởng Egorev đã lên bờ chơi vài lần. Ở đó, ông thấy có ngôi làng nhỏ với những ngôi nhà bằng đất mái tranh khá nghèo nàn. Ngôi làng chỉ được trang trí bằng vài chục cây dừa. Trên bãi biển có mấy chiếc thuyền tre. Trong làng có ngôi chùa nhỏ lợp ngói. Người dân trong làng gầy gò và ăn bận nghèo nàn”.

Bác sỹ Kravchenko cũng ghi lại tiệc champagne đầu tiên ở Cam Ranh. Con tàu vận tải chở tới đây 12.000 đôi giày và hàng trăm thùng sâm panh dành cho các sĩ quan. Phu khuân vác đã mở thùng, đập cổ chai và uống thứ rượu đó. Ban chỉ huy Rạng Đông cố gắng ngăn họ đừng làm như vậy nhưng không có kết quả. Sáng ngày 13 tháng 4, tàu Rạng Đông rời vịnh Cam Ranh và chuyển đến Vân Phong. Tại đó, công việc bốc hàng ít hơn, các tàu Mỹ vận chuyển thực phẩm vì sợ tàu Nhật nên không chịu đổi hàng. Nhưng rất may là có các thuyền nhỏ Việt Nam mang hàng hóa dồi dào ra bán cho thủy thủ Nga. Khi tàu dừng ở Vân Phong cũng có một vài hoạt động săn bắn vui vẻ, nhưng chỉ dành cho sĩ quan. Hóa ra, thủy thủ Nga là những tay thợ săn tồi: Chiến lợi phẩm của họ là ba con dê, con công và con bê mua của chủ trại với giá 25 đồng thời đó. Người Việt Nam hiền lành nên không có xung đột. Toàn đội nhanh chóng bốc dỡ than từ các tàu vận tải để họ đưa tàu không về Sài Gòn”.

Con tàu Rạng Đông huyền thoại và những thủy thủ ảnh 1 Hải chiến Nga - Nhật năm 1904.

Ngày 1/5/1905 chiến hạm Avrora cùng toàn bộ đội tàu Nga rời vùng biển Việt Nam. Hướng của đội tàu này là sẽ về Vladivostok- Nga. Nhưng chỉ có bốn tàu thực hiện được nhiệm vụ này. Ngày 14/5 đội tàu Nga bị hạm đội Nhật Bản chặn đường trong vùng biển Nhật Bản, ngoài khơi đảo Tsushima. Tàu Rạng Đông bắt đầu một cuộc đấu pháo với tàu tuần dương Nhật Bản “Izumi” và khiến tàu này hỏng nặng. Nhưng bản thân tàu Rạng Đông cũng bị trúng 18 phát đại bác trực tiếp, 99 thủy thủ thiệt mạng và bị thương. Thuyền trưởng bị thương nặng nhưng vẫn sống sót và dẫn tàu thoát hiểm sau khi trời tối. Rạng Đông vượt qua vòng vây của tàu chiến Nhật Bản tới được Philippines. Đến tháng 10/1905 tàu Rạng Đông được điều chuyển về Nga.

Trong Đệ nhất Thế chiến, Aurora (Lúc này đã trở nên lỗi thời do sự phát triển của khoa học kỹ thuật) hoạt động ở hạm đội Baltic như 1 tàu tuần tra và huấn luyện. Cho đến năm 1917, thủy thủ Aurora đã nổi dậy và tham gia cách mạng. Avrora chính là con tàu nổ phát súng hiệu lệnh cho những người Cộng sản Bolsevich tấn công cung điện Mùa Đông. Từ những phát pháo mở màn này, Avrora đã trở thành biểu tượng của nước Nga Xô – Viết. Lực lượng chống đối Cách mạng Nga đã có lần cài bom vào hầm đạn với mục đích để phá con tàu biểu tượng này nhưng không thành.

Trong thế chiến thứ Hai, pháo của Avrora bị tháo và đưa vào các vị trí phòng thủ của thành phố Leningrad. Sau một thời gian được “nghỉ ngơi”, Avrora lại trở lại đội ngũ, làm nhiệm vụ tàu huấn luyện. Trong chiến tranh vệ quốc, con tàu này nằm trong hệ thống phòng không của thành phố Leningrad. Nó được trang bị vũ khí mới là hệ thống súng liên thanh M-1, pháo loại 45 li và 76,2 li. Vào năm 1944, khi chiến sự ở Leningard sắp đến hồi kết thúc thì Aurora bị trúng đạn của Đức và bị chìm. Sau đó vài tháng, hội đồng thành phố ra quyết định trục vớt tàu lên, sửa sang và để nó neo đậu bên bờ sông phía pháo đài Petrograd, như di tích lịch sử của hạm đội Nga. Đến năm 1948, Avrora được kéo về neo đậu bên dòng sông Neva gần trường Nakhimosky và ra khỏi biên chế của hải quân Liên Xô. Vào đầu thập niên 1980, Avrora bị cháy và được sửa chữa. Phần thân tàu phía dưới hầu như được thay thế hoàn toàn, các máy hơi nước được tháo bỏ. Giờ đây chiến hạm lịch sử này vẫn neo đậu tại Saint Petersburg (Thành phố Leningrad trước đây) và là bảo tàng với 500 hiện vật được trưng bày. Hằng năm Avrora thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

(Còn nữa)

Sau khi hạ thủy, nhưng chiến hạm thuộc lớp Pallada đã trở thành niềm tự hào của Hải Quân Nga khi nó được giới chuyên môn đánh giá là một trong những con tàu hiện đại nhất thời bấy giờ với những thông số như chiền dài 137,7m, rộng 16,8m, tốc độ 20 hải lý/giờ, hải trình 4.000 hải lý. Tàu chứa tới 570 thủy thủ, trang bị 8 khẩu đại bác 152 ly, 24 khẩu 75 ly, 8 khẩu pháo 37 ly và 3 hệ thống phóng ngư lôi…. Tàu có thành boong dày 38-60mm, thành buồng lái và các đài quan sát trên tàu: 152mm.

Người anh song sinh của Avrora là Diana không được may như Avrora. Năm 1905, sau khi rời Việt Nam về lại Nga, Diana được sửa chữa, nâng cấp và sau đó tham gia Thế chiến 1. Năm 1918 Diana đem về cảng cất giữ. Tuy thế, năm 1922 chiếc tàu này bị bán cho một công ty của Đức và “xẻ thịt” bán sắt vụn.

MỚI - NÓNG