Cồn Cỏ - Hòn ngọc trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây

Cồn Cỏ - Hòn ngọc trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây
TP- Cùng với Cửa Việt- Cửa Tùng, Cồn Cỏ sẽ là một trong 3 đỉnh của tam giác du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn gắn với du lịch hoài niệm.

Từ tam giác Cửa Việt - Cửa Tùng- đảo Cồn Cỏ nhìn sang Ấn Độ Dương, hành lang kinh tế Đông - Tây, là điểm hội tụ của nhiều nền văn hóa.  

Trên con đường hội nhập và phát triển ấy, mỗi vùng đất, địa phương sẽ tìm ra cho mình lợi thế để khai thác hiệu quả.

Du lịch sinh thái biển đảo gắn với nghỉ dưỡng, thám hiểm vẻ đẹp biển khơi là một lựa chọn cho Cồn Cỏ.

Đã có nhiều dự án xin đăng ký đầu tư phát triển tam giác du lịch sinh thái biển đảo Cửa Việt- Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ. Tuy nhiên, vì mục tiêu phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa và đa dạng sinh học nên du lịch Cồn Cỏ còn chờ quy hoạch tổng thể.

Theo ông Abelardo Pérez Ayllón, chuyên viên cao cấp của Viện quy hoạch Cu-ba sang giúp lập quy hoạch tổng thể cho đảo Cồn Cỏ, đến với Cồn Cỏ trước hết là đến với rừng đảo và biển, nên trong quá trình quy hoạch và xây dựng phải hạn chế sự tác động của con người vào thiên nhiên.

Mặt khác, Cồn Cỏ gắn với lịch sử đấu tranh quật khởi của người dân Quảng Trị nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, do đó, quá trình phát triển du lịch phải gắn liền với việc bảo tồn và tôn vinh những giá trị lịch sử của hòn đảo.

Hiện đảo Cồn Cỏ đã hoàn thành quy hoạch tổng thể, theo đó, những công trình xây dựng trên đảo cao không quá 2 tầng và phải dựa vào vị trí, địa hình để xây dựng nhằm khai thác hết lợi thế và vẻ đẹp của đảo.

Là đảo được kiến tạo bở núi lửa giữa biển khơi, Cồn Cỏ có giá trị về địa chất, sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các thềm đá bazan kỳ vĩ, bãi tắm nhỏ được tạo bởi các vụn san hô, sò điệp, nước biển trong và nhiệt độ ổn định cộng với hệ sinh thái rừng nhiệt đới 3 tầng của đảo núi lửa, rừng trên thềm san hô cổ khá hiếm...

Đây sẽ là một hòn đảo rất xinh đẹp ở biển miền Trung và với các nước trong khu vực hiện nay.

Cồn Cỏ hiện đã tính tới sự bền vững cho tương lai của hòn đảo du lịch- văn hóa hấp dẫn bằng những việc làm cụ thể như: mua giống heo núi và động vật hoang dã từ đất liền ra đem thả vào rừng, cấm không được bắt và ăn cua đá...

Nói như ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ: “Phải làm cho con cua đá nổi tiếng trong bài hát cùng tên của chính trị viên phó Ngọc Cừ ở đảo thời đánh Mỹ sinh sôi, nảy nở, để vài năm nữa du khách ra Cồn Cỏ có thể thấy nó bò lổm ngổm bên đường như bài hát đầy tính lạc quan của bộ đội ta không bao giờ bị lãng quên trên đảo anh hùng này...”.

Đêm lang thang uống cà phê ở quán Biến Xanh trên đảo, nhìn ra đại dương bao la thấy ánh đèn tỏa ra từ các con tàu lung linh như một thành phố biển về đêm.

Tôi chợt nghĩ tới viễn cảnh tươi đẹp, ngày mai, đảo Cồn Cỏ sẽ rực sáng ánh điện với những chuyến tàu đưa đón du khách đi, về nối liền đảo nhỏ thân yêu với các nước trên tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây sang đến Ấn Độ Dương. Trên con đường hội nhập và phát triển đó, Cồn Cỏ sẽ là một chấm xanh tuyệt đẹp...

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.