Văn hóa không chỉ tiêu tiền
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa, đại diện các đơn vị đóng góp ý kiến tại hội thảo tham vấn Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến văn 2045. Hội thảo do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả phối hợp tổ chức ngày 9/7.
Ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - cho biết đây là dịp nhìn lại hành trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam từ năm 2016 đến nay, trao đổi để thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả ghi nhận sự chuyển biến tích cực và đổi mới của ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua. Trải qua 8 năm triển khai, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp ước đạt 4,04% GDP, tạo 1 triệu việc làm.
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - nhận định những chuyển biến trên cho thấy khả năng tác động, hiệu quả thực tiễn của chiến lược trong quá trình hoàn thiện khung khổ chính sách, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành cho tới việc triển khai các kế hoạch và nhiệm vụ, sự tích cực tham gia của các văn nghệ sĩ, người thực hành văn hóa, doanh nhân, nhà nghiên cứu, các tổ chức...
Tuy thế, bà cũng chỉ ra: “Chúng ta chưa có sự điều chỉnh một cách kịp thời các chính sách, ưu tiên đầu tư cho sáng tạo và điều này đã tạo thành nút thắt ở các nguồn lực sáng tạo của nghệ sĩ. Các ngành công nghiệp phân tán, kìm hãm khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nêu.
Tình trạng thiếu đồng bộ trong việc triển khai chính sách cũng khiến các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam không thể có bước tiến đột phá. Một số ngành công nghiệp chưa phù hợp và mâu thuẫn với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo ra tình trạng thiếu hài hòa trong việc tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
“Thói quen trông chờ ngân sách nhà nước vẫn tồn tại từ thời bao cấp, cùng với quan niệm ngành văn hóa là ngành tiêu tiền đang tạo rào cản trong nhận thức về đầu tư các nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
Mạnh dạn thay đổi chính sách
Các chuyên gia, nhà quản lý đồng thuận rằng chính sách mới cần có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và các công ty tư nhân, đội ngũ sáng tạo ngoài nhà nước.
Nhạc sĩ, nhà sản xuất Quốc Trung khẳng định chưa nhận thấy bất cứ sự chuyển biến nào từ khâu quản lý, đặc biệt từ phía các địa phương về vấn đề thay đổi nhận thức và coi văn hóa là nền kinh tế mũi nhọn.
Từ kinh nghiệm tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa, nhạc sĩ Quốc Trung nhận thấy việc doanh nghiệp tư nhân muốn sử dụng các thiết chế văn hóa Nhà nước còn nhiều rào cản về kinh phí, giấy tờ, thủ tục. Do đó, nhiều thiết chế văn hóa do Nhà nước đầu tư bị lãng phí, chưa được vận hành hiệu quả.
“Đội ngũ sáng tạo ngoài nhà nước gặp rất nhiều khó khăn khi làm thủ tục xin phép, kiểm duyệt… Vì vậy, trong chính sách phát triển văn hóa, cần xóa đi ranh giới giữa đội ngũ sáng tạo trong và ngoài nhà nước. Việc hỗ trợ phải được chia đều tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị làm văn hóa”, nhạc sĩ Quốc Trung nêu.
Bà Trương Uyên Ly - Giám đốc Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine - cho rằng Nhà nước cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp, nên cụ thể hóa sự hỗ trợ đó bằng các con số.
“Cần cơ chế cho khối tư nhân như giảm thuế cho doanh nghiệp, hoặc có mức thuế phù hợp trong hoạt động thường ngày... Chúng ta đã có những bước tiến trong quan hệ công - tư nhưng cần phải hiện thực hóa những vấn đề thuế, hạn mức, định mức thanh toán, thời hạn thanh toán… Những vấn đề đó có tác động rất lớn đến doanh nghiệp,” bà Trương Uyên Ly chia sẻ.
Chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ thành lập ban hành động về công nghiệp văn hóa liên bộ ngành để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện công nghiệp văn hóa.
Tăng đầu tư cho văn hóa
Một số đại biểu cũng cho rằng Nhà nước cần tăng đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính như ưu đãi thuế để thu hút các nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa... Nhà nước cần xem xét xây dựng những công cụ tài chính riêng cho phát triển văn hóa thông qua hệ thống các quỹ hỗ trợ trong lĩnh vực văn hóa như các quỹ phát triển điện ảnh, hỗ trợ văn hóa số, hỗ trợ nghệ thuật…