Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận
Ngày 6-6, Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã mời hai thí sinh thực hiện việc quay clip gian lận thi cử đến làm việc. Vị giáo viên lưu giữ và cung cấp clip cũng được một công an tỉnh tới hỏi chuyện.

Coi thi nghiêm túc, khó có gian lận

> Clip gian lận trong phòng thi: Có thể hủy kết quả

Ngày 6-6, Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đã mời hai thí sinh thực hiện việc quay clip gian lận thi cử đến làm việc. Vị giáo viên lưu giữ và cung cấp clip cũng được một công an tỉnh tới hỏi chuyện.

Các bản sao bài giải từ bên ngoài chuyển vào cho thí sinh. Ảnh: V.H.
Các bản sao bài giải từ bên ngoài chuyển vào cho thí sinh. Ảnh: V.H..

Tuy nhiên, nội dung của các cuộc làm việc chưa được tiết lộ. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Hiển, giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết cùng ngày bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã họp với ban chỉ đạo thi Bắc Giang về vấn đề này và có chỉ đạo xử lý vụ việc.

Đâu chỉ ở Bắc Giang

"Việc truy vấn, xử lý thí sinh bây giờ không quan trọng bằng việc rà soát lại tất cả những người có liên quan, sai phạm trong việc tổ chức thi, đặc biệt là kiểm điểm lại trách nhiệm của người chỉ đạo, người quản lý"

Ông Đặng Đình Đại

Trong khi đó, những người tâm huyết với giáo dục cho rằng việc cần làm ngay bây giờ là nhìn thẳng vào những sai phạm và thực trạng của cách tổ chức thi cử hiện nay. “Việc truy vấn, xử lý thí sinh bây giờ không quan trọng bằng việc rà soát tất cả những người có liên quan, sai phạm trong việc tổ chức thi, đặc biệt là kiểm điểm lại trách nhiệm của người chỉ đạo, người quản lý” - ông Đặng Đình Đại, hiệu trưởng Trường THPT Vạn Xuân, Hà Nội, đề nghị.

Và theo nhìn nhận của nhiều cán bộ quản lý, giám thị trực tiếp coi thi, tình trạng thi cử không trung thực không chỉ xuất hiện tại Bắc Giang. Ông Đặng Đình Đại kể một chuyện vừa xảy ra ngay trong kỳ thi năm nay. Giám thị tại một hội đồng coi thi ở Q.Long Biên, Hà Nội đã phát biểu công khai bày tỏ sự bất bình tại hội đồng rằng mình chưa được trường sở tại đón tiếp chu đáo như ở điểm thi khác. Giám thị này cho rằng mình đại diện cho tiếng nói của nhiều giám thị khác để nói lên nỗi bức xúc đó.

“Tôi thấy xấu hổ khi nghe chuyện này. Và giật mình khi ở ngay Hà Nội, nơi được đánh giá là nghiêm túc nhưng suy nghĩ của người đi coi thi, của người tiếp đón vẫn tồn tại quan niệm “chăm sóc tốt thì nới lỏng coi thi cho thí sinh”. Tôi đang băn khoăn nghĩ đến chuyện này thì sự việc ở Bắc Giang xảy ra” - thầy Đại cho biết.

Vì thế, “không nên chỉ trách, phạt thí sinh mà phải xem câu chuyện Bắc Giang là bài học cho những người lớn. Vì sao có chuyện tiêu cực? Phải chăng đó là bệnh thành tích, là vấn đề nằm trong mắt xích của cuộc đua học giả, bằng thật?” - một giám thị coi thi tại hội đồng thi Trường THPT Quảng Oai, Hà Nội chia sẻ. Về phản ảnh của một số thí sinh ở điểm thi này cho biết thí sinh được “chép tài liệu thoải mái”, giám thị này trần tình: “Để thực hiện nghiêm túc quy định đối với một giám thị nhiều khi rất khó khăn. Giám thị cũng là con người bình thường và chịu những áp lực khác nhau”.

Phần đông giám thị khi vi phạm quy chế thường là đã được chỉ đạo “nới lỏng”, hoặc do thương học sinh. Việc “đối đãi” của trường sở tại, thậm chí nói trắng ra là “mua giám thị” cũng có nhưng chỉ hi hữu - một giám thị khác vừa coi thi ở điểm thi Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết.

Tiếc cho “tinh thần năm 2007”

Ông Đại chia sẻ: Tôi có mấy chục năm tổ chức thi, coi thi. Những người như tôi đều hiểu rất rõ một điều nếu người lớn chúng ta làm nghiêm túc thì thí sinh khó có thể gian lận. Làm nghiêm túc không có gì ghê gớm mà chỉ là làm đúng quy chế, đúng quy trình, đúng nhiệm vụ đã được tập huấn. Chuyện thí sinh gian lận trong thi cử thời nào cũng có. Mấy chục năm trước cũng có. Nhưng nếu việc coi thi nghiêm thì không bao giờ xảy ra chuyện quay cóp trắng trợn, chưa kể tới việc thiết lập cả dây chuyền tuồn đề thi, giải đề, ném đáp án như ở Bắc Giang.

Ông Văn Như Cương, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cũng cho rằng: “Chúng ta từng huy động rất nhiều thanh tra, đã xáo trộn, tập trung thí sinh theo cụm, rồi đổi chấm chéo nhưng không thể giải quyết được vấn đề. Năm nay, việc “giao chủ động cho địa phương” khiến nhiều tỉnh, thành lo lắng, quan tâm cho thi cử. Nhưng vòng ngoài trường thi yên ả đâu phải kỳ thi đã nghiêm túc, bởi bất ổn có xảy ra hay không phải ở tận trong phòng thi mới biết”.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Hưng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, tâm sự: “Năm 2007 tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Nghệ An rớt thê thảm, nhưng chính vào thời điểm đó tôi thấy niềm tin của người dân trở lại. Niềm tin đó có thể sẽ là động lực để thầy, trò dạy thật, học thật. Và nếu niềm tin đó được duy trì đến nay, giáo dục cũng đã cải thiện được rất nhiều về chất lượng - một chất lượng thật sự chứ không phải những con số để báo cáo, để tuyên dương”.

Ông Hưng nuối tiếc: “Nhưng rồi “tinh thần năm 2007” đã không còn nguyên vẹn mà bị mai một. Việc sau một năm tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng mấy chục phần trăm, chỉ có người không phải trong ngành GD-ĐT mới tin. Người trong ngành, người trực tiếp làm giáo dục thì hiểu rất rõ, phải nỗ lực vượt bậc mới có thể khiến tỉ lệ tốt nghiệp thật nhích lên từng tí một. Năm 2011, nhìn tỉ lệ tốt nghiệp của một tỉnh xấp xỉ 100%, tôi thấy buồn, thấy tiếc vì thấy nó không thực chất. Với bệnh thành tích nặng nề và quá nhiều bất cập trong giáo dục, rất cần có những niềm tin như năm 2007 để vực dậy chất lượng”.

Thí sinh hoang mang

Trao đổi với PV, một trong hai thí sinh thực hiện việc quay clip cho biết bạn đã sử dụng bút có gắn thiết bị quay camera để ghi hình. Thí sinh vừa dùng bút viết bài thi vừa quay. Vì thế ở các clip, hầu như những hình ảnh tiêu cực chỉ được quay ở một vài góc cố định. Trước việc clip được nhiều người biết đến, các thí sinh liên quan rất hoang mang, lo lắng.

Theo Vĩnh Hà
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG