Vụ Bạc Hy Lai:
Cốc Khai Lai - nữ luật sư 'can đảm quan trọng hơn kinh nghiệm'
> Cốc Khai Lai - người đàn bà bí ẩn
Trước khi chết, ông Heywood từng nói với bạn bè rằng, ông sợ không thể bảo toàn được tính mạng, sau khi có sự bất hòa với bà Cốc Khai Lai. Theo ông Heywood, bà Cốc ngày càng tin rằng bà đang bị ai đó trong nhóm những bạn bè thân thiết và cố vấn của gia đình phản bội.
Hiện nay, mọi nỗ lực để gặp bà Cốc trực tiếp hoặc qua trung gian đều không thành công. Các phóng viên đã gửi yêu cầu bằng văn bản lên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đề nghị giúp cho gặp bà Cốc hoặc bình luận về sự việc này, nhưng Bộ không trả lời.
Theo các nhà ngoại giao, nhà phân tích và những người có quan hệ thân thiết với giới tinh hoa của đảng, bà Cốc chưa bị buộc tội gì. Thanh tra đảng có vẻ như sắp nghiên cứu kỹ lưỡng các hợp đồng kinh doanh của gia đình bà cũng như những mối quan hệ của gia đình với ông Heywood.
Hoàn cảnh xuất thân của bà Cốc cũng giống như của ông Bạc. Cha của ông Bạc là một nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng, trong khi cha của bà Cốc là ông Cốc Cảnh Sinh thuộc tầng lớp tiêu biểu nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Cốc Cảnh Sinh nổi tiếng là nhà cách mạng trong cuộc đấu tranh chống quân đội Nhật Hoàng vào những năm 1930. Cả ông Bạc và bà Cốc đều học Đại học Bắc Kinh danh giá. Ông Bạc học ngành lịch sử và báo chí còn bà Cốc nhập trường chậm hơn chồng bà vài năm và theo học ngành luật và chính trị quốc tế.
Lần đầu tiên bà Cốc gặp ông Bạc là vào năm 1984, khi bà tham gia chuyến nghiên cứu thực địa tại quận Jin gần Đại Liên nơi ông Bạc làm Bí thư quận ủy. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc hồi năm 2006, bà Cốc nói: “Ông ấy rất giống cha tôi - một mẫu người cực kỳ lý tưởng”. Hai năm sau chuyến nghiên cứu thực địa, bà Cốc và ông Bạc làm lễ thành hôn.
Chẳng bao lâu sau ngày cưới, bà Cốc có cơ hội du học Mỹ nhưng bà từ chối để được ở lại cùng ông Bạc, người sau đó được lên chức Phó thị trưởng thành phố cảng Đại Liên năm 1989, rồi Thị trưởng Đại Liên năm 1993. Doanh nhân Anh Heywood biết vợ chồng ông Bạc sau khi ông chuyển đến Đại Liên đầu những năm 1990. Ông Heywood từng viết thư gửi ông Bạc bày tỏ nguyện vọng tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Đại Liên.
Bà Cốc sau khi ra trường thì theo đuổi nghề luật. Năm 1995, bà thành lập một công ty luật ở Bắc Kinh. Chẳng bao lâu, bà Cốc nổi lên là một trong những luật sư thành công nhất Trung Quốc. Sự nổi tiếng của bà Cốc càng tăng sau khi bà xuất bản một cuốn sách viết năm 1998 mô tả vai trò của bà trong những vụ việc giúp các công ty Trung Quốc ở Đại Liên thắng trong nhiều cuộc chiến pháp lý với các cơ quan và công ty Mỹ.
Cuốn sách này viết bằng tiếng Trung Quốc có tựa đề bằng tiếng Anh tạm dịch là Để thắng một vụ kiện ở Mỹ. Trong cuốn sách, bà Cốc nói rằng Cục Tư pháp Đại Liên đề nghị công ty luật của bà tham gia một cuộc chiến pháp lý, cho dù ông Bạc chồng bà khi đó đang làm Thị trưởng Đại Liên. Bà Cốc cho biết bà tham gia vụ kiện này miễn phí giúp cho phía Trung Quốc. Trong cuốn sách nói trên, bà Cốc tự mô tả mình như một luật sư không biết sợ, luôn đi tiên phong để bảo vệ lợi ích quốc gia. Trong cuốn sách này, có đoạn bà Cốc viết: “Can đảm quan trọng hơn là kinh nghiệm”.
Năm 2002, truyền hình Trung Quốc phát nhiều tập ký sự nhân vật về bà Cốc, mô tả bà như một luật sư tài giỏi. Theo ông Byrne, một luật sư Mỹ tại bang Colorado được bà Cốc thuê tham gia giai đoạn đầu một vụ kiện ở Mỹ, “bà Cốc rất sắc sảo và thật may là tiếng Anh của bà rất tốt”. Vụ kiện này liên quan tranh chấp kinh doanh giữa các công ty Trung Quốc với một doanh nghiệp Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Bên nguyên kiện các công ty Trung Quốc về các hành vi âm mưu ăn cắp bí mật thương mại và lừa gạt công ty Mỹ.
Một tòa án ở Mỹ đã ra phán quyết phạt các công ty Trung Quốc hơn 1 triệu USD. Năm 1997, bà Cốc bay sang Alabama để cố vấn và theo dõi diễn biến phiên toà. Luật sư Byrne và một nhóm luật sư Mỹ đã thuyết phục thành công tòa án Mỹ bác phán quyết nói trên của tòa án cấp dưới. Bà Cốc đã viết thư chúc mừng luật sư Byrne và nhóm luật sư về sự thành công này, coi đó như là một thắng lợi mang tính cột mốc lịch sử của Trung Quốc đối với Mỹ.
(Còn nữa)
Nguyễn Đại Phượng
Theo The Wall Street Journal