Cô trò dựng lều học chữ

Thầy Nguyễn Thanh Triều bên căn nhà ọp ẹp, chằng chống nhiều mảnh của thầy cô THCS xã Dang Ảnh: H.V
Thầy Nguyễn Thanh Triều bên căn nhà ọp ẹp, chằng chống nhiều mảnh của thầy cô THCS xã Dang Ảnh: H.V
TP - Trường THCS xã Dang (Tây Giang, Quảng Nam) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đồi trập trùng, một bên là lòng hồ thủy điện A Vương. Hơn 10 năm qua, thầy trò trường này vượt nghìn trùng gian khó để nuôi ước mơ với con chữ.

> Lớp học vô thừa nhận

Thầy Nguyễn Thanh Triều, Hiệu trưởng trường THCS xã Dang, cho biết: “Trường có 11 lớp từ mẫu giáo đến THCS, với 145 học sinh, tất cả đều là người dân tộc Cơ tu. Hầu hết nhà ở xa nên các em phải dựng lều lán ở hoặc ở chung với nhà dân”.

Dãy nhà ọp ẹp dựng bằng tre nứa, gỗ rừng mà người dân bản cùng thầy cô dựng nên làm chỗ che chắn cho các em ăn ở, học hành nay đã xuống cấp. Đợt mưa lớn dài ngày vừa qua đã cuốn trôi nốt dãy phòng nội trú xuống lòng hồ, cả thầy cô lẫn các em phải đánh vật với đống đất đá sạt lở để mang chở lên từng chiếc giường, bộ quần áo.

Phòng học hơn 10m2 được chuyển thành phòng ở cho 52 học sinh. Hơn 30 em còn lại, các thầy cô phải đi vận động từng nhà dân để gửi nhờ các em vào trọ. “Sách vở bị cuốn trôi, nhiều em phải chung nhau học cuốn sách vàng úa, nặng trịch vì ngấm nước lũ” - cô Phạm Thị Bích Phương, giáo viên trường THCS xã Dang, kể.

Khoảnh đất nhỏ còn thừa của khu tái định cư Alua trở thành nơi tá túc của 4 cô giáo vùng cao. Căn lều trở nên nhỏ bé, rộng chỉ chừng 4m2 dựng bằng tre, mái bạt, lồ ô, và cả vỏ bao xi măng cũ.

Ru đứa con 13 tháng tuổi, cô Văn Thị Xuân, tâm sự: “Nhà cửa chằng chống tạm bợ thế này nhiều khi cũng thấy sợ lắm. Những lúc mưa to gió lớn nước có thể cuốn cả nhà theo luôn”.

Hầu hết học sinh ở đây đều ở xa, đi bộ đến trường cũng mất hơn nửa ngày đường rừng nên chỉ cuối tuần các em mới rủ nhau về thăm nhà.

Rồi thì đùm gạo, đùm muối theo làm đồ dự trữ trong tuần. Bríu Táp (lớp 9/1) nói: “Mẹ cho mỗi tháng một trăm ngàn đồng để chi tiêu. Thường, mỗi khi đi học về tụi em lại vô rừng hái rau ăn”. 11 năm cắm bản, gắn bó với học trò vùng cao nơi đây, cô Lê Thị Phương tâm sự: “Các em học sinh ở đây tội lắm. Ăn uống kham khổ, chỗ ở chật chội tạm bợ, vậy nhưng ham học, ham làm. Rảnh ra là lên rừng hái củi, rau rừng làm thức ăn hằng ngày”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG