Cô thủ lĩnh có khả năng “truyền lửa”

Cô thủ lĩnh có khả năng “truyền lửa”
Chuẩn bị tốt nghiệp, Đoàn Phương Thảo (trường ĐH Ngoại thương) đã tự thưởng cho mình một chuyến đi đáng nhớ: Tham gia chương trình “Sáng kiến lãnh đạo trẻ Hitachi 2013″, diễn ra vào đầu tháng Bảy vừa qua, tại Thái Lan.

> Nữ sinh Cảnh sát điều tra với 'cú đúp' thủ khoa

Cô thủ lĩnh có khả năng “truyền lửa” ảnh 1

Tầm nhìn của thủ lĩnh

Những bạn trẻ yêu tiếng Anh hẳn không xa lạ với cuộc thi MC tiếng Anh và Hùng biện tiếng Anh do CLB Tiếng Anh của trường ĐH Ngoại thương, nơi Thảo làm Chủ tịch, tổ chức. Thảo còn được biết đến trong vai trò Ủy viên BCH Đoàn trường, thường xuyên vận động mọi người tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa như: Viết thư và đan len tặng các chiến sĩ Trường Sa, quyên góp quần áo cho trẻ em khó khăn trên miền núi…

Điều hành câu lạc bộ, Thảo rèn luyện được rất nhiều tố chất cần có của một lãnh đạo. Bạn chia sẻ: “Mình phải luôn có tầm nhìn, biết đích đến của tổ chức “xa” đến đâu thì khả thi. Sau đó, mình phải thuyết phục, tạo cảm hứng cho các thành viên để họ có niềm tin là sẽ đạt được đích đó. Niềm tin và cảm hứng ấy như một chất keo kết dính các thành viên lại với nhau, nhờ đó, mọi người cùng cố gắng cống hiến hết mình để thành công”.

Thảo còn nhớ rõ áp lực khi câu lạc bộ tổ chức cuộc thi Hùng biện tiếng Anh. Lúc đó, chỉ còn hai tháng để tổ chức, câu lạc bộ gặp phải khó khăn từ nhân sự, đến nội dung và các nhà tài trợ. Các bạn trong nhóm bận thi cử, chương trình thay đổi so với trước theo hướng cấu trúc hùng biện quốc tế để nâng tầm cuộc thi.

Cấu trúc quốc tế khá phức tạp nên Thảo không thể áp dụng hoàn toàn vào cuộc thi. Thảo chịu rất nhiều áp lực nhưng cũng nhận ra, mình cần phải thật cố gắng để còn “truyền lửa” cho các thành viên. Bạn viết thư động viên mọi người, rồi tổ chức các buổi họp mặt, hội ý… Ngay sau đó, ai cũng dốc sức làm việc và rất hiệu quả.

Thảo nói thêm: “Mình là lãnh đạo, phải đứng ở vị trí vừa đủ xa để nhìn được cả bộ máy đang vận hành ra sao, chỗ nào đang gặp khó khăn mà điều phối. Chẳng hạn, nếu gặp khó khăn về tài chính thì mình xắn tay cùng các bạn đi thuyết phục các nhà tài trợ. Năm ấy, cuộc thi được các chuyên gia kinh tế và thầy cô trong trường đánh giá rất cao nên mình cảm thấy thật vui và hãnh diện”.

Sẵn sàng phản biện

Thảo cho biết, bạn đã sớm biết cách rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện vì nó rất quan trọng công việc cũng như trong đời sống: “Người có tư duy phản biện thường nhìn nhận một vấn đề dưới nhiều góc độ khác nhau. Họ không dễ dàng chấp nhận mà phải đặt ra các câu hỏi mang tính hoài nghi: Tại sao, có đúng không, có cách nào làm tốt hơn không…”.

Thảo thường xuyên tổ chức cho các bạn trong khối và câu lạc bộ chơi trò “Sáu chiếc mũ tư duy” để mọi người không bị cảm xúc ban đầu của mình chi phối. Khi làm việc nhóm, nếu tất cả mọi người cùng nhìn một cách thì không tìm được thiếu sót nhưng khi có nhiều ý kiến trái chiều sẽ dễ tìm ra giải pháp tối ưu.

Thảo chia sẻ: “Với cá nhân, mình thấy tư duy phản biện giúp bản thân luôn nhìn nhận thấu đáo, đúng đắn mọi việc, tránh được những sai lầm. Đây cũng là phương pháp mang lại hiệu quả cao khi chúng ta làm việc nhóm”.

Không sợ thất bại

Là một người thích đương đầu và chinh phục các thử thách, Thảo luôn cố gắng đi tiếp, cho dù gặp phải thất bại. Câu châm ngôn bạn ưa thích là: “Dù thành công hay thất bại, mọi việc đều chưa kết thúc” (Roger Babson). Khi thất bại, bạn cố gắng tìm ra sai sót để sửa chữa và thử lại. Nhiều lúc, đạt được một thành công nào đó, Thảo cố giữ cho mình không cảm thấy “thỏa mãn”, luôn tự nhủ rằng, vẫn còn cánh cửa mới lại tiếp tục mở ra và mình phải cố gắng hơn nữa để tiến về phía trước.

Thảo từng đăng ký tham dự chương trình “Sáng kiến lãnh đạo trẻ Hitachi” (HYLI) lần thứ 11 (năm 2012) và rớt ở vòng phỏng vấn cuối cùng. Thảo nói: “Khi đó, mình đã tìm ra khuyết điểm chính là vốn kiến thức về kinh tế, xã hội, chính trị còn chưa vững nên đã cố gắng bồi đắp để chứng minh với Hội đồng Tuyển chọn của chương trình rằng, mình xứng đáng có một vị trí vào mùa HYLI thứ 12 năm nay”.

Đây là một chương trình biểu dương tư duy lãnh đạo, trách nhiệm đối với xã hội của các thủ lĩnh trẻ, đến từ các trường đại học hàng đầu Đông Nam Á. Thảo đã đưa ra những ý tưởng về thách thức và giải pháp cho sự thiếu hụt năng lượng cộng đồng chung ASEAN, cùng với 6 thành viên đến từ các nước bạn.

Bạn chia sẻ: “Chuyến đi mang lại cho mình góc nhìn mới hơn về văn hóa và con người các nước ASEAN. Đây cũng là cơ hội để mình tìm hiểu các vấn đề nóng bỏng của khu vực, đồng thời, giao lưu và chia sẻ quan điểm từ góc nhìn của giới trẻ về những vấn đề đó với các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực”.

Đoàn Phương Thảo:

- Sinh ngày: 7/11/1991.

- Chủ tịch CLB Tiếng Anh, trường ĐH Ngoại thương (2011 – 2012).

- Khối trưởng khối Chất lượng cao Tài chính – Ngân hàng, trường ĐH Ngoại thương.

- Ủy viên BCH Đoàn trường ĐH Ngoại thương.

Thành tích nổi bật:

- Học bổng thành tích học tập xuất sắc của trường ĐH Ngoại thương (7 kỳ liên tiếp).

- Học bổng Odon Vallet 2011, học bổng toàn phần CPA Australia 2012.

- Học bổng sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng xuất sắc của GP Bank, VIB Bank…

- Chung kết toàn quốc cuộc thi P&G Asean Business Challenge 2013.

- Giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp toàn quốc năm 2012, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

- Giải Ba cuộc thi Tìm kiếm tài năng châu Á – Asian Job Express 2012.

- Giải thưởng Cống hiến cho hoạt động Đoàn năm 2012 của Thành Đoàn Hà Nội.

Theo Hoàng Dung
Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG