Có nên xài mỹ phẩm hàng hiệu?
Từ đó, thói quen dùng mỹ phẩm đã có những bước ngoặt đáng kể, phái đẹp bắt đầu tìm đến những công thức mỹ phẩm tự chế để chăm sóc nhan sắc.
Tẩy chay hàng “xa xỉ phẩm”
Bất cứ sản phẩm nào được gắn mác hàng hiệu cũng có cái giá “trên trời”, ai cũng biết quy luật bất thành văn này. “Đốt tiền” vào mỹ phẩm hàng hiệu cũng trở thành thói quen xa xỉ của người giàu. Tuy nhiên, mỹ phẩm hàng hiệu có thực sự hiệu quả hay không thì chưa ai dám khẳng định.
Chị Phan Thu Huyền (27 tuổi) cho biết: Nhiều người quan niệm sử dụng hàng hiệu mới là khẳng định đẳng cấp, họ đua nhau vung tiền cho những sản phẩm được gắn mác “quý tộc” để không thua chị kém em. Thật ra, hàng hiệu không thể giúp con người “cải lão hoàn đồng”, đấy là chưa kể đến những tác dụng phụ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường do mỹ phẩm sử dụng chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi… Mình nghĩ, sử dụng mỹ phẩm hàng hiệu chỉ là sự “chạy đua” phù phiếm của những người nhiều tiền.
Bất cứ sản phẩm nào được gắn mác hàng hiệu cũng có cái giá “trên trời”, ai cũng biết quy luật bất thành văn này.
Mỹ phẩm hàng hiệu – Con dao hai lưỡi?
Những tranh luận của phái đẹp xung quanh vấn đề “Tác dụng thực sự của mỹ phẩm hàng hiệu” đã tạo nên những cơn sóng nhỏ trong ngành công nghiệp làm đẹp. Tuy nhiên, người ta vẫn không thể phủ nhận sức hút mãnh liệt của hàng hiệu cho đến khi xuất hiện những cảnh báo về nguy cơ “ủ bệnh” trong những sản phẩm được gắn mác nổi tiếng. Lúc này, những cơn sóng nhỏ đã thực sự tạo thành một làn sóng lớn, tác động mạnh mẽ và làm rung chuyển uy tín của những hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới.
Dù luôn khẳng định sản phẩm của mình sử dụng thành phần thiên nhiên, nhưng không có hãng mỹ phẩm nào dám “phủ định” sự phản hồi của khách hàng, mà chủ yếu là những thắc mắc: “Mỹ phẩm hàng hiệu có sử dụng chất bảo quản không”; hay “Mỹ phẩm hàng hiệu có thực sự vô hại?”
Tìm hiểu về những thành phần tạo nên chất bảo quản trong mỹ phẩm khiến nhiều người phải “rùng mình” vì tác hại của nó. Các sản phẩm có chứa paraben (là biến thể của dầu hỏa), người ta dùng nó như một chất bảo quản trong mỹ phẩm. Tác hại của paraben có thể gây ra những biến chứng như: dị ứng da; propyparaben giảm khả năng sinh sản ở nam, thúc đẩy quá trình lão hóa dưới ánh nắng mặt trời (thành phần này rất nguy hiểm vì có nhiều trong sản phẩm dưỡng da ban ngày). Thậm chí paraben có thể gây ung thư.
Ngoài ra, trong mỹ phẩm còn có các biến thể của khoáng dầu dưới tên paraffinum liquidum, cera microcristallina hoặc petroleatum, các chất này ngăn chặn nhịp thở của làn da. Tổ chức Y tế Thế giới đã chứng minh rằng một khi xâm nhập được vào cơ thể, khoáng dầu có thể làm tổn thương gan hoặc làm viêm van tim.
Nhiều phương pháp tự chế mỹ phẩm được phái đẹp chia sẻ trên các diễn đàn đã tạo nên trào lưu mới về làm đẹp.
Formaldehyte có nhiều trong sơn móng tay, keo dán mi, keo dán móng, gel tóc và rất nhiều trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác, nó có thể gây dị ứng, viêm da, ung thư (đặc biệt là vòm họng và phổi), ung thư bạch cầu.
Biện pháp làm đẹp thông minh
Giờ đây, nhiều chị em đã tự chế những loại kem dưỡng ẩm, kem chống lão hóa từ những nguyên liệu thiên nhiên rất gần gũi như: lô hội, mật ong, bột ngũ cốc, dâu tây, bơ, táo, nho… Vì không sử dụng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng của những loại mặt nạ dưỡng da tự chế không được bao lâu. Nhưng điều đó cũng không phải là vấn đề bất cập, chị em có thể bảo quản mỹ phẩm tự chế trong tủ lạnh và sử dụng chúng một cách thoải mái.
Nhiều phương pháp tự chế mỹ phẩm được phái đẹp chia sẻ trên các diễn đàn đã tạo nên trào lưu mới về làm đẹp. Công thức tự chế mỹ phẩm không quá cầu kỳ, không mất nhiều thời gian và không tốn nhiều tiền như khi sử dụng mỹ phẩm hàng hiệu. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có lời khuyên cho chị em khi sử dụng mỹ phẩm tự chế từ các sản phẩm tự nhiên: cần dùng thử trước ở những vùng da nhạy cảm trước khi bôi lên mặt và cẩn thận trong khâu bảo quản bởi mỹ phẩm tự chế dễ bị nhiễm khuẩn gây tác hại không mong muốn.
Sức khỏe và Đời sống