Đó là một hình ảnh bắt mắt - một chiếc Boeing 787 Dreamliner đậu trên băng Nam Cực, các tiếp viên hàng không đứng tạo dáng đằng trước nó. Bức ảnh này đánh dấu lần hạ cánh đầu tiên của một trong những chiếc máy bay lớn nhất thế giới trên đường băng băng tuyết vào cuối năm ngoái.
Du lịch ở Nam Cực đang ngày càng phát triển |
May mắn thay, chuyến bay chỉ đang cung cấp nhân sự và vật tư cho nghiên cứu, thay vì du khách, nhưng dù sao việc du hành đến lục địa cực nam của Trái đất cũng đã đạt được một cột mốc mới.
Ước tính từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, số lượng du khách đến thăm Nam Cực sẽ đạt 100.000 người, lần đầu tiên đạt mốc này, tăng 40% so với kỷ lục trước đó. Con số này đặt câu hỏi về giới hạn ngành du lịch được phép đầu tư trên lục địa băng giá.
Hơn 100.000 du khách sẽ đến thăm Nam Cực trong mùa này |
Bà Claire Christian, giám đốc điều hành của Liên minh Nam Cực và Nam Đại Dương, một liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ đã ủng hộ việc bảo tồn Nam Cực trong hơn 40 năm, cho biết: “Con số đó thực sự đã khơi dậy một cuộc tranh luận. Chúng tôi nhận thấy sự cấp bách về nhu cầu quản lý ngành công nghiệp này một cách hợp lý và tác động của nó đối với một môi trường mong manh và đang thay đổi nhanh chóng”.
Hiệp hội Quốc tế Quản lý Du lịch Nam Cực (IAATO) hiện liệt kê 95 tàu trong danh mục của mình, bao gồm 21 du thuyền, chở những khách du lịch bị thu hút bởi sự hấp dẫn của “biên giới cuối cùng”. Một số tàu chở tới 400 khách du lịch mỗi chuyến, hầu hết khởi hành từ mũi Nam Mỹ đến Bán đảo Nam Cực, nơi nhô ra từ khối băng Tây Nam Cực.
Sự cạnh tranh ngày càng tăng kéo theo một loạt các hoạt động du lịch mới ngoài các chuyến du ngoạn trên bờ thông thường, ví dụ như thăm các đàn chim cánh cụt và hải cẩu cũng như các chuyến tham quan trên thuyền bơm hơi để có thể chiêm ngưỡng cận cảnh các tảng băng trôi, cá lưng gù và cá kình.
“Ngành công nghiệp này đang mở rộng và có sự đa dạng hóa lớn trong các hoạt động bao gồm chèo thuyền, tàu lặn và máy bay trực thăng. Đến một lúc nào đó, nó sẽ trở nên quá phát triển - nhưng chúng tôi không biết giới hạn nằm ở đâu”, bà Elizabeth Leane, giáo sư nghiên cứu Nam Cực tại Đại học Tasmania (Úc), giải thích.
Một số tàu chở tới 400 khách du lịch mỗi chuyến, hầu hết khởi hành từ mũi Nam Mỹ |
Bà Hayley Peacock-Gower, giám đốc tiếp thị của Công ty du lịch Aurora Expeditions, cho biết “Chúng tôi tin rằng các cuộc thám hiểm bằng tàu nhỏ là hướng đi đúng, với số lượng hành khách hạn chế, được dẫn dắt bởi các chuyên gia và các hoạt động tôn trọng môi trường một cách tối đa”.
Ngoài việc giới thiệu các tàu mới tạo ra ít khí thải CO2 hơn, nhiều công ty du lịch còn phân tích mọi khía cạnh các chương trình của họ, kể cả những hoạt động nhỏ như đi giày tuyết. “Chúng tôi đảm bảo rằng nhóm thám hiểm của chúng tôi sẽ xóa mọi dấu vết giày để chim cánh cụt không bị mắc kẹt”, ông Damian Perry, giám đốc điều hành của Hurtigruten nhánh châu Á - Thái Bình Dương cho biết.
Trên thực tế, các thành viên IAATO tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt được thiết kế để bảo vệ môi trường, bao gồm loại bỏ tất cả chất thải khỏi lục địa và tuân thủ các quy trình khử trùng để tránh vô tình đưa các loài ngoại lai vào. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu về an toàn sinh học (trong đó bao gồm hút bụi túi, tất, giày và máy ảnh của khách du lịch) vẫn tìm thấy một số lượng lớn các loài không phải bản địa.
“Chúng tôi không ngạc nhiên trước những phát hiện này - đó là những gì chúng tôi đã dự đoán”, nhà sinh thái học Nam Cực Dana Bergstrom, người đã giúp thực hiện nghiên cứu, cho biết. Và những rủi ro này có thật. Một loài cỏ xâm lấn đã xuất hiện trên một trong những Quần đảo Nam Shetland của Nam Cực, trong khi gần đây cúm gia cầm đã lan đến Quần đảo cận Nam Cực, nơi nó có thể gây ảnh hưởng tới quần thể hải cẩu.
Một nghiên cứu đo lường rằng mỗi khách du lịch từ năm 2016 đến năm 2020 đã làm tan khoảng 83 tấn tuyết, phần lớn là do khí thải từ các tàu du lịch.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên Bán đảo Nam Cực, nơi có các địa điểm hạ cánh nổi tiếng như đảo Cuverville trên cảng Neko, tuyết có nồng độ carbon đen cao hơn do khí thải, khiến tuyết hấp thụ nhiều nhiệt và tan chảy nhanh hơn.
Nam Cực dễ bị tổn thương không chỉ vì sự mong manh của môi trường, mà còn sự thiếu thốn một cơ quan quản lý duy nhất. Hiệp ước Nam Cực, được thành lập vào năm 1961 để cung cấp sự quản lý cho lục địa, hoạt động trên cơ sở tham vấn, có nghĩa là tất cả 56 bên phải đồng ý trước khi bất cứ thay đổi nào có thể được thực hiện.
“Quyết định quan trọng gần đây nhất về du lịch là các tàu du lịch chở hơn 500 hành khách bị cấm cập bến từ năm 2009”, bà Christian nói. Quy định đó vẫn chưa được thực hiện chính thức vì không phải quốc gia ký kết nào cũng phê chuẩn nó trong nước.
Các nhà nghiên cứu khuyên rằng bất cứ ai nghĩ đến việc đến thăm Nam Cực nên xem xét kỹ lưỡng mục đích và tác động của lựa chọn này và cân nhắc các hậu quả. “Là một nhà nghiên cứu, mỗi lần tôi ghé thăm Nam Cực là một lần xem xét liệu những gì tôi đang làm có đáng để lại tác động hay không. Nếu động lực của bạn chỉ đơn giản là bởi vì bạn đã đặt chân đến sáu lục địa rồi, và giờ bạn muốn tới lục địa thứ bảy - thì cá nhân tôi nghĩ đó là một lý do khá phù phiếm”, bà Leane nói.