Quan niệm dân gian về vòng dâu tằm
Trong dân gian, người ta vẫn thường kể những câu chuyện dùng roi mây, roi dâu để bắt ma. Theo quan niệm đó, đeo vòng dâu tằm có thể xuy đuổi hồn vía người, những khí không tốt từ xác động, thực vật đã chết, tương tự như dùng tỏi để xua tà ma khi ra đường. Dân gian cũng quan niệm rằng con số 13 đoạn dâu tằm cho 1 vòng là con số tốt nhất, là khắc tinh của điều xấu, ác.
Theo Đông y, cây dâu tằm có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Lá và vỏ rễ dâu giúp điều trị chứng ho có đờm, khắc phục mụn nhọt không liền miệng, chữa chứng mồ hôi trộm, phong thấp, bí tiểu, mất ngủ, tóc bạc sớm …
Vòng dâu tằm thường được đeo mỗi tay 1 vòng, hoặc mỗi vòng ở 1 tay và 1 chân hoặc đeo cổ, để đầu giường từ khi bé mới sinh.
Cách làm vòng dâu tằm
Vòng dâu tằm gồm những đoạn cây dâu ngắn được kết lại thành vòng đeo tay.
Những cành cây dâu được bóc vỏ, phơi khô, cắt khúc.
Những đoạn cây được mài nhẵn, vót nhọn 2 đầu, đánh bóng cẩn thận sau đó dùng chỉ đỏ may mắn xâu thành vòng. Ruột cành dâu xốp nên các bạn có thể dễ dàng đục lỗ để xâu dây.
Cành dâu dùng để làm vòng là loại không quá non hoặc không quá già để khi cắt hạt sẽ không bị vỡ hoặc quá mềm mà vẫn đảm bảo độ chắc chắn cho vòng.
Do vòng được làm thủ công từ gỗ tự nhiên nên tuổi thọ không cao, sau 3 tháng cần vứt bỏ và sử dụng cái mới. Bạn có thể đeo vòng cho bé cho đến năm 3 tuổi.
Các mẹ cũng có thể tự tay mình làm cho con một chiếc vòng nhân ngày con chào đời hay làm món quà cho dịp đầy tháng, sinh nhật, tặng cho bà bầu để cầu chúc sự bình an, khỏe mạnh.
Tuy bạn có thể mua vòng dâu tằm dễ dàng nhưng theo quan niệm và phong tục của miền Bắc, người mẹ phải trực tiếp mài, xâu vòng và đeo cho con thì mới có tác dụng.