Bắt tay với “ông lớn”, tạo giá trị gia tăng
Xuất phát từ câu chuyện thực tế của một du học sinh ở Anh bất ngờ nhận được lời mời từ một trường danh tiếng và quyết định chuyển trường. Khó khăn đặt ra là phải làm lại visa, hồ sơ nhập học... nên rất cần nhiều giấy tờ từ Việt Nam gửi sang trong khi ngày khai giảng cận kề. Nếu qua công ty chuyển phát quốc tế, thời gian vận chuyển từ TPHCM đến London ít nhất phải mất 3-4 ngày (không bao gồm ngày lễ, nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và tình huống bất khả kháng). Để kịp nhập học, người nhà của du học sinh phải nhờ người trực tiếp cầm bộ hồ sơ theo chuyến bay sang London.
Cậu du học sinh trên chính là bạn của Bùi Hải Nam, CEO Datamart. Từ trải nghiệm khó khăn trong vấn đề chuyển phát, họ đã nảy ý tưởng tối ưu con đường vận chuyển phát nhanh nhất. Bùi Hải Nam, CEO Datamart sau đó phát triển thành công ty startup công nghệ SWIFT247 với mục tiêu vận chuyển hàng hóa “siêu hỏa tốc” giữa các thành phố ở khu vực Đông Nam Á. SWIFT247 bắt tay với Grab và Vietjet để thực hiện dự án của mình.
“Bắt tay với người khổng lồ, chúng ta không chỉ hợp tác trong công việc mà có thể sử dụng cả ứng dụng triệu đô của họ, có thị trường rộng, nguồn lực mạnh để tạo ra giá trị gia tăng, dễ dàng vươn xa ra thế giới”, Bùi Hải Nam nói và cho rằng để tham gia vào hệ sinh thái mở, rất cần startup có tư tưởng mới, sẵn sàng hợp tác và chia sẻ.
Siêu ứng dụng (super-app) là một hệ sinh thái khép kín bao gồm nhiều ứng dụng con kết nối với nhau và phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dùng. Sự phát triển của các siêu ứng dụng được xem là cơ hội cho các startup tham gia vào cuộc chơi, nhằm giải quyết từng bài toán nhu cầu của người dân.
Tại Việt Nam, nhiều siêu ứng dụng đang rộng cửa đón startup Việt như Tiki, Vingroup… Cụ thể, Tiki mới đây đã công bố mua lại 100% vốn Ticketbox - nền tảng phân phối vé và quản lý sự kiện trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam. Hiện Ticketbox vẫn hoạt động độc lập, Tiki hỗ trợ về con người và nguồn vốn. Hay FastGo - một ứng dụng của người Việt cũng vừa có hợp tác quan trọng với Tập đoàn Vingroup, nhằm đưa các xe VinFast Fadil và VinFast Lux vào dịch vụ gọi xe.
Nắm tay nhau cùng đi xa
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác của Grab Việt Nam cho rằng, supper app thực tế đều xuất phát từ những nhu cầu rất nhỏ, hàng ngày của người dân. “Một siêu ứng dụng được đánh giá là thành công chỉ khi nó giải quyết được nhu cầu đó của người dùng” - ông Huy nhìn nhận.
Thay vì tự mình phải giải quyết nhiều bài toán “khó nhằn” từ nhân lực, công nghệ, vận chuyển... startup chọn cách bắt tay cùng những thương hiệu hàng đầu, tận dụng nền tảng đã vận hành chuyên nghiệp của các đối tác. Nhờ vậy startup có đủ thời gian và nhân lực tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi. Khi đã thành công ở thị trường trong nước, startup hoàn toàn có cơ hội nhân rộng mô hình kinh doanh của mình ra các nước khác dựa trên nền tảng sẵn có.
Bà Mai Lan Vân, Giám đốc Marketing VinID cho biết, VinID là một trong những mảnh ghép trong bức tranh trở thành tập đoàn công nghệ của Vingroup. Đối với các startup có chức năng phù hợp và thuộc các lĩnh vực bán lẻ, đời sống, vận chuyển và giáo dục..., doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay. Có nhiều cách thức để kết nối doanh nghiệp và các startup bao gồm thành đối tác, thương vụ M&A hoặc quyết liệt hơn là mua lại startup. Các hướng đều là cơ hội giúp startup chạm hơn 10 triệu khách hàng thân thiết thuộc hệ sinh thái Vingroup.
Theo các chuyên gia, những lĩnh vực được cho là “mảnh đất màu mỡ” để các doanh nghiệp khai thác dựa trên công nghệ đột phá, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), logistics, công nghệ tài chính (fintech), công nghệ tiếp thị (adtech) và các ứng dụng cung cấp nền tảng giao dịch, kết nối giữa người mua và người bán trong hầu khắp các lĩnh vực bán lẻ.
Trong những năm gần đây, tại những cuộc thi startup đều có hơn 50% doanh nghiệp chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, cung cấp nền tảng giao dịch, kết nối người cần sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ. Như nền tảng bán hoa tươi trực tuyến, nền tảng kết nối người tìm việc và bên tuyển dụng, nền tảng kết nối người có nhu cầu làm đẹp và các cơ sở chăm sóc sức khỏe...
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Giám đốc Chương trình Swiss EP cho rằng các startup cần hiểu rõ bản chất của các hệ sinh thái mở là chuỗi giá trị theo dạng mạng lưới, do đó luôn thay đổi và dịch chuyển. Theo bà Quỳnh Anh, kể cả các startup “kỳ lân” cũng phải đương đầu với việc duy trì tệp khách hàng hiện tại, nguồn lực để phát triển các sản phẩm mới phần nào bị san sẻ, hoặc có những thị trường ngạch mà các doanh nghiệp triệu đô sẽ bỏ sót. “Những nền tảng mở - open platform mở ra khoảng trống để các startup điền vào”, bà Quỳnh Anh
nhấn mạnh.
Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ông Trần Vinh Dự, thành viên ban điều hành cấp cao của Ernst & Young (EY) lưu ý startup cần cẩn trọng trong các giao dịch đầu tư và hợp tác. “Startup thường đánh mất động lực sáng tạo, tìm tòi cái mới sau khi nhận được các món tiền từ thương vụ hợp tác hoặc đầu tư. Tôi từng chứng kiến nhiều nhà sáng lập startup mang tiền được đầu tư để mua nhà, mua xe… dẫn đến công ty phá sản”, ông Dự cảnh báo.