Có hai 'lão gàn' rất trẻ

Có hai 'lão gàn' rất trẻ
TP - Quan sát chuỗi hoạt động sôi nổi của hai “lão” trong tất cả các Hội trại Đoàn - Hội, ít ai biết cả hai đã bền bỉ cống hiến sức lực cho Đoàn như vậy đã 29 năm qua.
Có hai 'lão gàn' rất trẻ ảnh 1
Anh Trần Như Nguyện (trái) và anh Trần Thế Vinh

“Lão gàn” là cách gọi thân mật của giới cán bộ Đoàn lâu năm đối với đôi bạn tri kỷ rất giỏi việc, say nghề. Anh Trần Thế Vinh sinh năm 1958 còn anh Trần Như Nguyện sinh năm 1960.

Anh Vinh là Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh niên thuộc T.Ư Hội LHTN Việt Nam, anh Nguyện ăn lương Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Khánh Hoà. 

Tuy công việc mỗi người một nơi nhưng tính “gàn”, hay “cãi”, hay “cầm đèn chạy trước ô tô” thì Vinh - Nguyện giống nhau như đúc.

Hồi Trần Thế Vinh làm Bí thư Đoàn trường ĐH Văn hóa TPHCM khóa 1986-1990, anh đã “dám” cùng báo Tuổi trẻ đấu tranh quyết liệt với Ban Giám hiệu để đòi quyền được học và lấy bằng cử nhân cho một sinh viên khuyết tật.

Thời công tác ở Hội LHTN tỉnh Đắk Lắk, Vinh tự biên soạn chương trình huấn luyện kỹ năng cho cán bộ Đoàn - Hội, bị tỉnh “tuýt còi” bác bỏ, may sau đó được T.Ư Đoàn - Hội chú ý, hoan nghênh và cho triển khai chương trình rộng khắp trên cả nước.

Năm 1992, thấy đồng bào các dân tộc và thanh thiếu nhi Đắk Lắk quá khao khát món ăn tinh thần, Vinh xin được công tác ra Hà Nội một chuyến để tìm nguồn phim của hãng phim Thanh Niên về chiếu miễn phí, lưu động các huyện thị.

Nhấn đầy băng đĩa vào ba lô, trên đường về qua đèo Mang Yang không may xe đò lật, Vinh bị thương nặng với một cẳng chân gãy rời ba khúc, nằm viện liền tám tháng.

Vậy mà vừa tạm bình phục, anh đã hăng hái lê cái chân khoèo tiếp tục hoạt động phong trào khắp vùng xa vùng sâu.

Trong 26 năm tuổi Đảng, anh Trần Như Nguyện luôn đầy “tình thương mến thương”, chia sẻ nhường nhịn, hết lòng vì sự nghiệp chung nhưng cũng rất thẳng thắn, cương trực.

Cán bộ Hội LHTN Khánh Hoà kháo nhau: Anh Nguyện cương trực thẳng thắn chả biết sợ ai nhưng nếu bị cấm hoạt động phong trào, ảnh chết liền cho coi!  

Công tác mỗi người một nơi nhưng anh Vinh là Phó Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện T.Ư Hội, anh Nguyện là Ủy viên Hội đồng, phối hợp rất ưng ý nên hai anh vẫn dắt díu nhau đi khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam, không cần chờ hỗ trợ từ ngân sách vẫn mở được hàng chục đợt trại Huấn luyện kỹ năng mang tên Nguyễn Chí Thanh, công nhận đạt trình độ huấn luyện viên cấp I quốc gia cho hàng nghìn cán bộ Đoàn - Hội - Đội.

Năm trước Cà Mau, năm sau Điện Biên Phủ, năm nữa Lào Cai..., nơi nào xuất hiện bộ đôi Vinh - Nguyện là nơi đó phong trào lại bừng bừng khí thế.

Cả dàn chuyên gia lão luyện, tên tuổi của Hội đồng như các anh Nguyễn Thanh Hùng, Đào Kim Trang, Huỳnh Toàn, Nguyễn Thái Điền, Nguyễn Đăng Phúc ở TPHCM ; Nguyễn Hữu Đính ở Huế ; Hồ Văn Đắc, Đoàn Phước Đức, Trần Phiêu, Trương Ngọc Dũng ở Đà Nẵng, Nguyễn Hồng Trà ở Bình Phước... đều công nhận sức chiến đấu của bộ đôi Vinh - Nguyện thật đáng nể.

Tấm ảnh hai “lão gàn” này, tôi chụp ở Trại huấn luyện cán bộ Đoàn - Hội - Đội khu vực miền Trung Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Nông. Mấy thanh niên mê nhảy hip hop cứ lò dò theo năn nỉ Nguyện “để lại, giá nào cũng được” chiếc quần jeans trang trí nhiều mẫu dây nhợ độc đáo.

Chàng gạt phắt: “Đồ mẫu của tui đó các cha. Muốn  thì dự trại để học rồi tự làm lấy mà nhảy!”.   

MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.