Quyết định do ông Nguyễn Duy Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Đa Phúc ký, trong đó kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với cô P, sinh năm 1981, viên chức giáo viên môn Giáo dục công dân vì vi phạm đạo đức nhà giáo.
Tháng 9/2023, cô giáo này để xảy ra sự việc đáng tiếc, gây bức xúc dư luận đó là để học sinh quỳ khóc trước cửa lớp và cô túm cổ áo học sinh kéo đi.
Chi bộ nhà trường cũng đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban kiểm tra huyện ủy, thi hành kỷ luật Đảng với cô P..
Trường THPT Đa Phúc trước đó cũng đã có báo cáo Sở GD&ĐT Hà Nội về việc xác minh vi phạm đối với cô giáo Nguyễn Thị P., người liên quan đến việc mâu thuẫn với nữ sinh lớp 12 khiến em này quỳ khóc ở cửa lớp.
Trường THPT Đa Phúc ký, trong đó kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với cô P. vì để xảy ra sự việc. |
Cụ thể, sau khi sự việc diễn ra, đầu tháng 12/2023, Hội đồng sư phạm nhà trường đã tổ chức kiểm điểm giáo viên và đi đến kết luận: cô P. đã vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng.
"Sau ngày 29/9/2023, bản thân cô P. nhận lỗi chậm, bao biện cho bản thân. Đặc biệt, cô giáo này còn liên hệ với học sinh và cha mẹ học sinh gây tâm lý bất an, đề nghị Trưởng ban cha mẹ học sinh của lớp lập lại nhóm kiến nghị Hiệu trưởng được trở lại dạy và chủ nhiệm lớp 12D4", nội dung báo cáo nêu.
Ngoài ra, kết quả xác minh còn cho thấy, cô P. còn thu tiền học thêm và học tiếng Anh bổ trợ từ đầu năm học 2022-2023, đến cuối năm học thừa 26,5 triệu không thông báo cho cha mẹ học sinh và học sinh.
Ngày 18/11/2023 Tổ công tác đến xác minh thông báo trả lại cho mỗi học sinh khoảng 600. 000 đồng. Nhà trường không có chủ trương tổ chức học sinh đi thực tế nhưng cô P. đã tự đặt ra thu 715. 000 đồng/ học sinh để đi thực tế. Nhà trường thông báo báo trả lại số tiền đã thu của học sinh.
96% giáo viên đồng ý kỷ luật
Với những vi phạm kể trên, ngày 4/12, Hội đồng sư phạm nhà trường họp và lấy phiếu kín xem xét kỷ luật đối với cô P.
Kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến kỷ luật giáo viên cho thấy, số phiếu đồng ý kỷ luật là 81/83 (chiếm 96%); Số phiếu không đồng ý kỷ luật là 2/83 (chiếm 4%). Trong đó, 5% ý kiến đồng ý với hình thức kỷ luật khiển trách; 77% đồng ý hình thức kỷ luật cảnh cáo; và 18% đồng ý với hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Sự việc cô giáo Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) túm cổ áo nữ sinh kéo đi vì không mua bánh sinh nhật đúng ý của mình gây bức xúc trong dư luận. Trước khi sự việc xảy ra, cô giáo làm công việc tư vấn tâm lý học đường và dạy bộ môn Giáo dục công dân.
Em N.T.K.C là Bí thư của lớp. Trước khi sự việc xảy ra, nữ sinh này được cô giáo giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật song em không làm theo sự thống nhất với cô dẫn đến mâu thuẫn. Cô P. yêu cầu học sinh ra đứng ở cửa lớp. Hai học sinh khác mang bánh sinh nhật về nhưng cô giáo không cho vào lớp để bạn C. giải quyết chiếc bánh mình đặt. Sau khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật tháng 9, giáo viên chủ nhiệm đi ra ngoài cửa thấy nữ sinh quỳ ở cửa.
Cô P. bảo học sinh đứng lên, học sinh không đứng. Do sức khỏe không tốt học sinh C. đã nằm ra cửa lớp. Ngay sau đó, cô giáo này dùng tay kéo áo học sinh lôi đi.
Cô P. sau đó xác nhận xử lý nóng vội. Thời điểm đó, nhà trường đã họp kiểm điểm giáo viên, xem xét sự việc và thống nhất quyết định dừng công tác tư vấn học đường của trường học đối với cô P. Chuyển giáo viên khác dạy bộ môn Giáo dục công dân và chủ nhiệm lớp 12D4.