Cô gái đuổi cái đói, cái nghèo cho bà con

Chị Rơ Lan H’BLơn là công nhân khai thác mủ cao su Đội 9, Công ty 74, Binh đoàn 15 Ảnh: N.S
Chị Rơ Lan H’BLơn là công nhân khai thác mủ cao su Đội 9, Công ty 74, Binh đoàn 15 Ảnh: N.S
TP - Từ phong trào TĐQT toàn quân giai đoạn 2015-2020, nhiều công nhân làm việc tại các đơn vị kinh tế quốc phòng đã có cuộc sống ấm no. Một trong số những công nhân ấy còn nỗ lực vươn lên trở thành điển hình tiêu biểu. 

Chị Rơ Lan H’BLơn (người tộc Ja Rai, công nhân khai thác mủ cao su Đội 9, Công ty 74, Binh đoàn 15) chia sẻ: “Lúc tôi còn nhỏ nghe mẹ kể trước đây, khi chưa có bộ đội Binh đoàn 15, làng mình buồn như cây lúa không mưa. Đất đai có nhiều mà dân làng chưa biết trồng cây rau để ăn, chủ yếu là ăn cái lá, cái củ hái ở rừng, đi bẫy con heo về ăn. Làng không có điện, trường học tạm bợ, lúc đau ốm chỉ biết cúng trâu, bò cho Giàng, cho ma mà không khỏi bệnh. Thanh niên trong làng không có việc làm, con gái 13, 14 tuổi như tôi đã đi bắt chồng. Cái nghèo cái đói cứ như con ma trong nhà vậy”.

Trước thực trạng của bà con người dân tộc thiểu số ở xã IaDơk, huyện Đức Cơ (Gia Lai), Công ty 74 đã tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho bà con để có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế hộ gia đình. Năm 2008, chị H’BLơn được Công ty 74 tuyển dụng vào làm công nhân khai thác mủ cao su. Nhờ chăm chỉ làm lụng và đặc biệt là ham học hỏi kiến thức mới, giờ đây không chỉ giỏi việc công ty, vợ chồng chị H’BLơn còn đầu tư, chăm sóc 200 cây điều, 500 cây cà phê, 500 cây cao su của gia đình.

Lương bình quân của công nhân được 6,5 triệu/tháng, mỗi năm gia đình chị H’BLơn thu nhập thêm từ nương rẫy hơn 150 triệu đồng. Năm 2016, chị vinh dự được kết nạp Đảng, được chị em bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ. Khi đã là thợ giỏi, chị cùng các thợ cạo lành nghề thường xuyên hướng dẫn bà con cạo mủ cao su. Nhờ chăm chỉ, có tay nghề giỏi và am hiểu tiếng dân tộc, hằng năm chị được làm trợ giáo để đào tạo mới và đào tạo lại cho công nhân, nhất là lao động người dân tộc thiểu số địa phương. Do vậy, sản lượng mủ cao su hằng năm đều vượt kế hoạch giao từ 10-20%, có năm vượt 34%.

Không những vận động chị em trong Hội phụ nữ mà chị còn tự nguyện cùng bộ đội đi vận động dân làng theo Binh đoàn làm công nhân, không nghe kẻ xấu xúi giục. Cũng nhờ tình cảm gắn bó ấy mà nhiều hộ dân trong làng kết nghĩa với hộ người Kinh là công nhân của Binh đoàn.

“Bà con được học cái hay, cái đúng, cái mới, tích cực làm theo bộ đội. Từ cuộc sống cơ cực, nhiều người đã xây được nhà to, sắm xe máy, có tiền để cho con cái đi học đầy đủ, không nghèo như trước nữa”, chị H’BLơn chia sẻ.

Với sự nỗ lực cá nhân, chị Rơ Lan H’BLơn nhiều lần là Chiến sỹ thi đua cơ sở và là Chiến sỹ thi đua toàn quân. Năm 2018, chị là đại biểu dự Đại hội Công đoàn toàn quân nhiệm kỳ 2018-2023 và được báo cáo thành tích với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".