Ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có văn bản gửi các sở ban ngành góp ý nhằm đề xuất UBND TPHCM thực hiện một số giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn.
Sở TNMT cho rằng, việc công khai thông tin vi phạm về vệ sinh nơi công cộng là cần thiết và đã kiến nghị lãnh đạo thành phố có quy định xử phạt về hành vi đổ, bỏ chất thải rắn như xà bần, bùn nạo vét, đất, gạch, vữa, bê tông… không đúng nơi quy định.
Liên quan đến thông tin trên, trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Cty luật Minh Bạch) cho biết, theo Nghị định 155, người có hành vi tiểu bậy, xả rác trên vỉa hè hay hệ thống thoát nước đô thị nếu bị cơ quan chức năng xác định là hành vi gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận thì ngoài việc bị phạt tiền còn bị công bố thông tin cá nhân kèm theo vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, Nghị định 155 quy định rõ, nội dung thông tin cần công khai (với những trường hợp vi phạm bị công khai thông tin vi phạm) bao gồm: “Cá nhân vi phạm”, “hành vi vi phạm”, “quá trình vi phạm”. Như vậy có thể hiểu, cơ quan có thẩm quyền xử lý được quyền công bố công khai tên tuổi người tiểu bậy, hình ảnh họ tiểu bậy hoặc đang tiểu bậy.
“Những trường hợp tiểu tiện không đúng nơi quy định tại nơi công cộng mà không bị coi là gây hậu quả nghiêm trọng, không gây ảnh hưởng xấu dư luận sẽ không bị công bố thông tin cá nhân trên báo chí. Cơ quan báo chí muốn đăng tải hình ảnh người vi phạm cần phải được sự đồng ý của họ”, luật sư Tuấn Anh cho hay.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, trong xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 155 chưa có hướng dẫn để cơ quan chức năng làm căn cứ xác định, hành vi như thế nào thì bị coi là “gây hậu quả nghiệm trọng” và “gây ảnh hưởng xấu tới dư luận”. Tuy nhiên, có thể nói trong thời điểm hiện nay việc công khai danh tính người tiểu bậy, xả rác bừa bãi… là phù hợp nhằm thiết lập lại văn minh đô thị.
Trước một số ý kiến cho rằng việc quy định, các hành vi này bị xử phạt với mức cao nhất 400.000 đồng sẽ khó thực hiện do người nộp phạt chây ì, luật sư Tuấn Anh cho rằng, về nguyên tắc pháp luật thì mọi người đều có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử lý hành chính do cơ quan quản lý hành chính ban hành, trong đó có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Do vậy, trong trường hợp người vi phạm không chấp hành việc nộp phạt thì có thể bị xem là không thực hiện quyết định hành chính sẽ phải chịu lãi suất đối với phần vi phạm theo quy định của pháp luật.
“Quan trọng hơn, người không chấp hành quyết định xử phạt thì sẽ không được áp dụng thời hiệu để được xem xét không có vi phạm hành chính, hay nói cách khác sẽ mang "tiền sự" suốt đời. Nếu lần sau vi phạm tiếp thì sẽ bị tính là tái phạm và là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm hành chính.” – luật sư Tuấn Anh nói.
Trước đó, ngày 13/2, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, các trinh sát hóa trang đã ghi lại hành vi vi phạm của 3 trường hợp có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định sau đó báo cho lực lượng công khai và công an phường.
Các trường hợp trên là lái xe taxi N.P.L (SN 1990, ở Thanh Hóa hiện trú tại Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội), P.V.D (SN 1988, ở Nam Định hiện trú tại Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và P.V.X (SN 1980, ở Thường Tín, Hà Nội).
Những người vi phạm bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng/người theo điểm b, khoản 1, điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ – CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về việc xử lý các vi phạm quy định về vệ sinh nơi công công.