Vậy, đâu là cơ chế cần có để tạo ra khung chính sách, cơ chế hỗ trợ, đem lại sự yên tâm cho nhà đầu tư và doanh nghiệp thử nghiệm những ý tưởng, sáng kiến về kinh tế tuần hoàn? Những phân tích, lưu ý của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
Trước tiên xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thế Chinh đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Trước tiên xin ông cho biết, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của mô hình KTTH ở Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Đánh giá về sự phát triển mô hình KTTH hiện nay ở Việt Nam có thể khẳng định mới bắt đầu. Vì chủ trương và định hướng phát triển KTTH được khẳng định khuyến khích phát triển từ Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, thể hiện trong chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, được luật hóa trong luật BVMT 2020 có hiệu lực tháng 01/2021.
Như vậy thời điểm hiện tại đã xuất hiện một số mô hình tiếp cận theo mô hình KTTH, nhận thức về KTTH đã được biết đến phần nào từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt nội dung phát triển KTTH đã được đưa vào trong chiến lược phát triển của một số ngành như nông nghiệp, trong quy hoạch của các tỉnh, thành phố và các vùng cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030. Lịch sử phát triển trong nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trước đây cũng đã xuất hiện tiếp cận theo mô hình KTTH như VAC, VRAC, các mô hình này vẫn được duy trì và ngày càng hoàn thiện hơn. Một số khu công nghiệp sinh thái đang có sự chuyển hướng sang mô hình KTTH.
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế bất cập trong phát triển KTTH ở Việt Nam. Vậy ông có thể chỉ ra một vài hạn chế, bất cập nổi bật đang cản trở sự phát triển của mô hình kinh tế mới này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Tôi cho rằng những hạn chế bất cập chính trước hết cần phải hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển KTTH. Hiện nay chúng ta đã có chủ trương đường lối của Đảng về phát triển KTTH, luật BVMT 2020 tại điều 142 cũng đã quy định về phát triển mô hình KTTH, tiếp đến là cụ thể hóa trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quyết định 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” ban hành ngày 07/6/2022..., tuy nhiên, kế hoạch hành động thực hiện KTTH vẫn chưa được ban hành, như vậy về cơ chế chính sách vẫn còn phải tiếp tục hoàn thiện, ngoài ra các cơ chế chính sách cần có sự đồng bộ để phát triển KTTH nhằm hạn chế bất cập mâu thuẫn nhau, nhất là những chính sách ban hành trước khi có triển khai thực hiện KTTH.
Từ chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật đến triển khai thực hiện của các Bộ ngành và địa phương vẫn còn khoảng cách, phải được cụ thể hóa trong chiến lược ngành, quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng, phần lớn các quy hoạch tỉnh và vùng mới được phê duyệt cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung KTTH mới được đưa vào quy hoạch. Vấn đề nhận thức về KTTH và triển khai cụ thể các mô hình KTTH từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và người dân mới bắt đầu. Phát triển mô hình KTTH không chỉ từ thiết kế mà còn gắn với công nghệ, trong bối cảnh phần lớn sản xuất hiện nay công nghệ còn ở dạng “kinh tế tuyến tính”, đây cũng là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp, cần có thời gian và đầu tư mới. Hiện nay chưa có đào tạo về KTTH, do vậy cũng là những cản trở về nhân lực thực hiện.
Hiện nay, nhà nước đã xây dựng nhiều chính sách ưu đãi cho các DN tham gia cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, liệu cơ chế này đã đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp hay chưa?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh: Để đánh giá đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp hay chưa, cần có điều tra, đánh giá, tổng kết từ phía doanh nghiệp. Hiện nay cũng đã có một số điều tra, đánh giá lấy ý kiến của các doanh nghiệp như nghiên cứu của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Chúng tôi cũng đã có những khóa đào tạo về KTTH cho các doanh nghiệp, làm việc cụ thể với một số doanh nghiệp của khu công nghiệp Nam Cầu Kiến – Hải Phòng, qua trao đổi với các doanh nghiệp thấy rằng vấn đề thiết kế mô hình KTTH đối với các doanh nghiệp đã có triển khai thực tế cho thấy kỳ vọng của các doanh nghiệp chưa thể đáp ứng hết, trong triển khai cũng còn những bất cập liên quan đến các quy định pháp lý khác đang tồn tại trước đây như năng lượng, đất đai, tuần hoàn nước..., những vướng mắc về mặt pháp lý này cần được tháo gỡ để đồng bộ với những chủ trương đường lối và chính sách pháp luật của KTTH.
Bên cạnh cơ chế thử nghiệm, thưa ông Chinh, đâu là biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy sự phát triển của KTTH cũng như khuyến khích các DN tham gia ứng dụng, triển khai theo mô hình kinh tế mới này, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh:
- Trước hết, phải tháo gỡ những bất cập về cơ chế chính sách còn cản trở phát triển KTTH như đã nêu ở trên, nhiệm vụ này thuộc về cơ quan hoạch định chính sách;
- Thứ hai, triển khai thực hiện từ các Bộ ngành và địa phương, nhất là các địa phương hiện nay quy hoạch tỉnh/thành phố đã được phê duyệt cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
- Thứ ba, vai trò thực hiện của doanh nghiệp, nhất là chủ doanh nghiệp từ nhận thức đến hành động chuyển đổi và thiết kế mô hình KTTH ở doanh nghiệp mình;
- Thứ tư, vấn đề thông tin đại chúng trong việc cung cấp đến doanh nghiệp và xã hội những mô hình KTTH hiệu quả, những cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển mô hình KTTH, những rào cản đối với doanh nghiệp nếu không thực hiện KTTH đối với tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường quốc tế để DN thấy được lợi ích doanh nghiệp có được khi thực hiện mô hình KTTH.
- Thứ năm, chuyển giao công nghệ, những công nghệ mới, những cách tiếp cận mới của các quốc gia trên thế giới về mô hình KTTH. Sự gắn kết giữa KTTH và chuyển đổi số để tạo ra một dòng luân chuyển đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào cần có của doanh nghiệp khác,
- Thứ sáu, vấn đề thị trường sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện KTTH cần được xác lập để tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mô hình KTTH.
Xin cảm ơn Ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!