Cô bé 14 tuổi mò cua bắt ốc nuôi mẹ

Cô bé 14 tuổi mò cua bắt ốc nuôi mẹ
Chăn trâu thuê, mò cua bắt ốc, bắt cóc thịt để bán…, bất kể công việc gì Trần Thị Mừng (14 tuổi, Thanh Hóa) đều làm để duy trì việc học và chăm sóc người mẹ bệnh tật.

> Ngọc của biển cả

4 năm nay, Mừng đi mò cua, bắt ốc nuôi người mẹ bị bệnh tật khắp người. Ảnh: Hoàng Phương.
4 năm nay, Mừng đi mò cua, bắt ốc nuôi người mẹ bị bệnh tật khắp người. Ảnh: Hoàng Phương..

Bước trên tấm ván dài bắc qua con mương cạn nước mới đến cổng nhà Mừng. Những rặng dứa dại to lớn bao quanh biến căn nhà của hai mẹ con thành một “ốc đảo” nằm cuối thôn 6, xã Hà Giang (Hà Trung, Thanh Hóa).

Gian nhà nhỏ tỏa mùi nồng của thuốc, chị Đinh Thị Duyên bị bệnh u ngoài da, loét giác mạc mắt đã nhiều năm nay. Chồng mất sớm, chị lại bị bệnh tật hành hạ, mọi công việc nhà cùng gánh nặng mưu sinh đặt lên đôi vai con gái nhỏ 14 tuổi. Sắp lên lớp 9, Mừng đen nhẻm, còi cọc nhưng cách nói chuyện thì chững chạc.

Nhà có một sào ruộng, đến mùa gặt, chị Duyên phải nhờ người làm. Trừ tiền giống, phân bón thì thóc đổ vào chỉ phân nửa thùng gỗ. Để kiếm tiền nuôi hai mẹ con, cô bé Mừng làm đủ thứ việc, từ chăn trâu thuê, đến mò cua bắt ốc... Mỗi tháng Mừng kiếm được 100 đến 200 nghìn đồng.

Mừng nhận chăn trâu cho nhà bác và một người trong làng. Buổi sáng đi học, buổi chiều cô bé thả trâu ra đồng. Để trâu ăn cỏ, Mừng tranh thủ xuống mương, đi móc con cua, con ốc bán kiếm thêm tiền. Công chăn trâu mỗi tháng được 200 nghìn, Mừng để tiền mua sách vở và đong gạo ăn.

Chị Duyên tự trách phận mình hẩm hiu “Thân làm mẹ mà trở thành gánh nặng cho con nhỏ”. Và chị kể, năm 2000, tự dưng thấy nhức nhối khắp người, nhất là vùng da thường xuyên đau, ngứa. Từ đầu đến chân mọc lên hàng nghìn mụn thịt, chúng cứ to dần khiến da chị xù xì giống như da cóc. Bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh u ngoài da.

Từ khi mắc bệnh, chị Duyên không dám đi ra ngoài đường. Đôi mắt bị loét giác mạc, mờ dần, suốt ngày đau nhức. Bệnh tật cùng hoàn cảnh bí bách khiến người phụ nữ ấy nghĩ quẩn, uống thuốc trừ sâu để tự giải thoát. Được họ hàng phát hiện kịp thời và đưa đi cứu chữa, chị thoát chết nhưng đôi mắt gần như lòa hẳn, không nhìn thấy ánh sáng.

Bé Mừng khi ấy mới 11 tuổi bám gấu áo mẹ, khóc lóc “Mẹ có thương con thì mẹ phải sống với con chứ”. Ôm lấy con, chị Duyên hứa không bao giờ làm liều nữa.

Mấy hôm nay mệt không đi được, cô bé vặt hết vườn cà, bán lấy tiền đi chợ mua thức ăn. Ảnh: Hoàng Phương
Mấy hôm nay mệt không đi được, cô bé vặt hết vườn cà, bán lấy tiền đi chợ mua thức ăn. Ảnh: Hoàng Phương.

Gia đình người chị chồng phải bán con trâu đang chửa để có tiền đưa chị Duyên đi viện rửa ruột và thuốc thang chữa bệnh u ngoài da. Trâu bán rồi, Mừng chuyển sang “công việc” mới là đi mò cua, bắt ốc. Sáng tinh mơ, người làng đã thấy Mừng lội dọc bờ ruộng, bờ mương. Đôi tay thoăn thoắt móc từng hang đất, lôi ra những con cua đồng.

Mừng bảo sợ nhất là thò tay gặp phải hang rắn. Khi đó cô bé chỉ còn biết bỏ chạy. Xong rồi quay lại dùng rơm, cỏ đánh dấu những “mả” đó lại. Hôm nay bắt ở đồng này, vài hôm sau mới quay lại. Không có bao tay, chuyện bị cua cắp là bình thương. Bàn tay Mừng chi chít vết rách da do bị cua kẹp. Mỗi bữa đi về, em kiếm được 10 đến 15 nghìn đồng.

Mùa lúa trổ đòng, ruộng ngập nước cũng là mùa cua đồng sinh sản, Mừng có thể kiếm gấp đôi hàng ngày. Trẻ con trong làng thường rủ nhau đi từng tốp cho vui, riêng Mừng toàn đi một mình. Em phân trần: “Đồng gần đông người làng đi bắt, muốn kiếm được nhiều phải chịu khó đi đồng xa”. Thế nên cô bé đi xa, có khi sang tận xã bên, đi đến lúc mặt trời đứng bóng mới chịu về.

Hôm vừa rồi trời nắng to, hai bác cháu rủ nhau dầm dưới mương nước cả buổi trưa để mò hến, bắt ốc. Mừng bị cảm nắng, phải đưa ra trạm xá truyền nước. “Lần đó em truyền nước hết gần 100 nghìn, nhưng bán cả hến lẫn ốc chỉ được hơn 30 nghìn, bị lỗ nặng”, cô bé cười, khoe chiếc răng khểnh. Mệt trong người, không đi làm được, Mừng đành vặt hết vườn cà, bán được gần chục nghìn lấy tiền mua thức ăn.

Giữa tháng 6, khắp cánh đồng, người dân cày bừa chuẩn bị cho vụ cấy mới, cô bé tạm nghỉ ngơi, chờ lúa tốt lại tiếp tục công việc. Mừng khoe biết xuống đồng cấy từ hồi học lớp 6. “Mùa này em sẽ xin mẹ cho đi cấy thuê, lấy tiền mua vở cho năm học mới. Sách thì mượn được của thư viện trường rồi. Nhưng sức khỏe yếu, em sợ mẹ không cho đi”, Mừng nói, vẻ mặt lo lắng.

Năm nay bước vào cuối cấp hai, nhưng Mừng không học hè mà dành thời gian đi bắt cóc bán cho những người chuyên buôn cóc làm thịt trong xóm. Ăn cơm xong, cô bé tay cầm túi, tay bọc nylon cùng chiếc đèn pin soi khắp các ngả đường trong xóm tìm cóc. Đi hơn một giờ đồng hồ thì về, số cóc chỉ non đáy túi, bán được hơn chục nghìn.

Nhiều hôm đi bán cua, bán ốc ở gần trường, gặp thầy cô và bạn học, Mừng thẹn. Nhưng thầy cô thấy còn giúp mua cua, ốc giá cao cho học trò. Biết hoàn cảnh gia đình em, Tết và hè, thầy cô thường đến thăm, cho quà, ủng hộ tiền để mẹ em mua thuốc.

Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai rất thương Mừng, bảo cứ đi học hè, cô sẽ miễn tiền học thêm, phải tập trung vì năm nay cuối cấp. “Em cũng lo không được đi học cấp 3, nhưng phải có tiền đong gạo, mua thuốc chữa bệnh cho mẹ trước đã”, cô bé buồn rầu nói.

Mừng cho hay, trước học tiểu học, em học khá. Nhưng mấy năm nay sức học giảm sút, chỉ còn trụ hạng trung bình. Cô bé dự định nếu nghỉ học sẽ đi giúp việc cho quán ăn của chị họ ở ngoài Bỉm Sơn, lấy tiền trang trải thuốc men cho mẹ.

Ông Nguyễn Văn Vinh, trưởng thôn 6, cho biết hoàn cảnh gia đình chị Duyên rất khó khăn, thôn, xã đều biết và tạo điều kiện giúp đỡ. Năm 2010, xã ủng hộ 6 triệu, đồng thời cho vay thêm 7 triệu đồng giúp gia đình dựng gian nhà nhỏ để hai mẹ con an tâm cư trú. Chị Duyên được hỗ trợ đơn thân nuôi con 180 nghìn đồng/tháng.

Theo Hoàng Phương
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG