Cô bánh rán

Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
TP - Chị ngồi đó đã trên 10 năm, từ lúc tôi chuyển lên ở trên vùng này.

> Hạt mùa Xuân
> Chém ruồi

Tôi không biết tên chị dù quen nhau nhẵn mặt, có thể mua chịu cả chảo bánh rán mà chị không lo mất. Chị bán bánh rán, suốt năm này sang năm khác, từ một cô gái thanh thoát xinh xắn, hôm nay đã gần thành một bà già.

Ban đầu là bánh rán, rồi thêm dần bánh trôi và rượu nếp cái, cả nếp hoa vàng lẫn nếp cẩm. Mỗi túi nếp cái tương đương một bát, giá năm ngàn, giờ thì lên mười ngàn. Còn bánh rán thì từ ngàn 5 chiếc to bằng trứng gà con so rồi lên giá dần, ngàn bốn cái rồi ngàn ba rồi giờ thì ngàn hai cái.

Nhìn rổ bánh rán của chị có thể hiểu kinh tế phát triển kiểu gì chứ chả cần học trường kinh tế quốc dân.

Khối thứ không cần học mà chỉ ra chợ là thuộc bài mau hơn đến lớp. Nghe tôi bảo thế, con tôi gân cổ cãi lại, bảo bố chỉ được cái nói hoắng. Tôi bèn nhường cho con đi chợ vài tháng. Giờ thì nó bảo bố đúng.

Hôm nay ra chợ không thấy chị.

Tôi hỏi, bà bán hàng liền kề bảo: Cô ấy đi ăn cỗ. Ôi giời, 10 năm mới thấy một lần cô ấy bỏ chỗ. Không khác gì cô em họ tôi trong chợ Ninh Hiệp, hẹn đi chơi, đến giờ đi thấy có khách mua vải thì bấm di động viện cớ nhức đầu bảo hoãn. Nửa giờ sau bán hàng xong lại nháy máy: “Khỏi rồi, đi thôi bác”. Kiếm tiền giờ khó thế, bảo rời chỗ chỉ khi ế chỏng, chứ còn một khách lai vãng hé tí hi vọng thì cấm có chịu đi!

Có lần tôi đùa, những ông chồng hay ghen mà vớ được cô thì yên tâm quá. Quanh năm suốt tháng thế này thì lo gì chuyện trai gái. Chị bánh rán lườm tôi cười khục khục: “Cái bác này, chỉ được cái mồm dẻo quẹo” chả ra khen cũng chẳng ra chê.

Hôm nay chị đi ăn cỗ nên bà bán hàng khoai sắn bên cạnh mới rộng mồm buôn chuyện. Bà bảo: cô ấy hiền chết đi được. Ông chồng thì chán lắm. Hồi đầu anh ta tỏ ra tài giỏi khoe xuất dương đi buôn chuyến, nói như thần, lãi to lãi nhỏ bàn tán khắp chợ. Mấy thằng bán vé chợ quen khinh người bán hàng vặt như mẻ mà giờ thấy chị bánh rán chúng cũng phải nể vài phân.

Còn trong chợ, có nhà tưởng chị giàu có rồi, sắp lên đời bà nhớn, nên đã dạm mua lại chỗ chị ngồi để lấy lộc. Thế mà chả thấy chị vui, mặt cứ rầu rầu ừ hữ. Chị vẫn dính chặt vào hai mét vuông ở đúng góc chợ như bị đính keo con voi.

Hôm nay thì rõ cả, ông chồng hóa ra là thằng nói phét thành thần chứ tài ba gì. Kinh doanh của lão ấy là vùi đầu vào cờ bạc đề đóm. Nhà từ ba gian teo dần một gian rồi giờ còn lại giống như cái tổ tò vò gá vào mép con sông Cái.

Nước mà đánh sóng lên chưa biết vữa nát lúc nào. Khốn nạn, lần nào cô ấy can là không ăn đấm thì ăn tát dúi dụi. Có lần lão còn mang cả chảo rán bánh của cô ấy đi cầm cố thì bác biết đấy. Giờ thì xơ xác rạc dài rồi.

Ấy vậy mà vẫn nằm thõng ăn cơm vợ và tiếp tục nói phét. Mà sao cô ấy nhẫn nhục thế chứ lị. Bao nhiêu người trong xóm ngoài làng bảo giải tán đi cho lành. Thế nhưng cô ấy bảo vẫn thương. Dù sao cũng có với nhau mụn con rồi… Đúng là suy nghĩ tròn như cái bánh rán!

Bà bán xôi xế bên thì bảo: Chồng nó tuổi Mùi, nó tuổi Trâu. Gớm hai cái tuổi ấy hợp nhau lắm, cuốn dịt lấy nhau, có mà bỏ được khối ra đấy!Bà bán bún nói chõ “Cái đồ cố thây ấy nó có tí sĩ diện nào đâu, giờ nó cứ nằm vạ thì cô ấy là sao mà đuổi được. Không có cơm cô ấy kiếm về thì có mà nhác họng lâu rồi. Cứ hốc cho no rồi đi phét lác. Chẳng qua với bên ngoài cô ấy chuyện thế cho xuôi thôi”.

Đang chuyện xôn xao thì bà bán khoai tinh mắt nhìn về cuối chợ nói nhanh: Đấy đấy, lão ấy đấy, lại đang nói chuyện dự án gì đấy… có mà dự án ăn mày.

Xung quanh vụt trở lại im lặng, bà bán xôi gói xôi, bà bán khoai sắp xếp lại mẹt khoai, cô bán bún trở về với rổ bún…

Đài báo, gió mùa lại đang về. Rét.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG