Phi Sơn viết: “Thời gian trôi qua thật nhanh, cái cảm giác thời gian trôi đi thật lặng lẽ, qua nhiều đêm suy nghĩ, Sơn đã đưa ra quyết định của mình. Sơn sinh ra và lớn lên từ một vùng quê trên đất Hà Tĩnh. SLNA là cái nôi, người lái thuyền đã nuôi dạy cho Sơn khôn lớn, nơi mà Sơn gắn bó cả tuổi ấu thơ và cả một phần tuổi trẻ của mình, ở đó nơi nuôi dưỡng ước mơ cho Sơn, nền tảng để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp và hơn thế nữa.
Để có được một Phi Sơn của ngày hôm nay đó là một quá trình rất lớn ngoài rèn luyện về lối đá, kỹ thuật, đạo đức, cách sinh hoạt không ngừng nghỉ thì đó chính là các bạn “Người hâm mộ bóng đá”… Dù ở Sông Lam hay thi đấu ở đội nào, mong các bạn luôn ở bên Sơn, thúc đẩy Sơn tiến về phía trước. Sơn xin lỗi vì không thể đồng hành cùng đội bóng trong mùa giải mới. Xin lỗi vì phải để các bạn buồn và chờ đợi. Sơn hy vọng các bạn sẽ cảm thông cho Sơn...”.
Những lời tâm sự như rút từ gan ruột của Phi Sơn đã nhận được rất nhiều sự đồng cảm của bạn bè, đồng nghiệp và dĩ nhiên không thể không có các CĐV. Tính đến cuối ngày 8/12/2017, thông báo chia tay trên trang cá nhân của Phi Sơn đã nhận được gần 8.000 lượt thích, hơn 500 lượt chia sẻ cùng hàng nghìn lượt bình luận của cộng đồng Facebook.
Theo thống kê, Phi Sơn là cầu thủ thứ 11 và là tuyển thủ quốc gia thứ 9 chia tay SLNA trong vòng 4 năm qua, và vì lý do tài chính eo hẹp đội bóng xứ Nghệ gần như không còn lựa chọn nào ngoài việc phải chấp nhận. Trong nỗ lực để giữ chân Phi Sơn, SLNA đã đề nghị cầu thủ này gia hạn hợp đồng với chi phí 2 tỷ đồng, nhưng hiện ở V-League có hơn 2 đội bóng đang chèo kéo Phi Sơn với mức phí 2.5 tỷ đồng/năm và sẵn sàng thanh toán ngay 5 tỷ đồng tiền mặt cho 2 năm hợp đồng.
Trong khi đó, ở tuổi 25 (sinh năm 1992), Phi Sơn bắt đầu bước vào độ tuổi chín nhất của sự nghiệp và đang chuẩn bị tiến hành mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời là lập gia đình. Vì thế, đứng trước bài toán hoặc tiếp tục cống hiến cho SLNA để trọn vẹn tình nghĩa nhưng lại thua thiệt về tài chính, hoặc dứt áo ra đi tìm kiếm thử thách mới với chế độ đãi ngộ hơn hẳn, Phi Sơn đã lựa chọn vế sau.
Chẳng ai có thể trách cứ Phi Sơn về lựa chọn này, và bằng chứng là gần như tất cả các CĐV SLNA đều dành những lời lẽ tốt đẹp nhất cho anh, bởi họ biết rằng sự nghiệp đỉnh cao của cầu thủ thường không dài và không thể bắt Phi Sơn chấp nhận thiệt thòi khi tiền vệ này đã cống hiến cho SLNA đủ lâu để có thể
ra đi.
Từ khoảng 20 năm nay, SLNA được xem là một trong những lò đào tạo cầu thủ hàng đầu Việt Nam, và cũng bởi vậy họ đã quá quen với tình trạng “chảy máu nhân tài” vì không đủ tiền để giữ chân các cầu thủ trụ cột của mình. Rất khó để tìm được ở SLNA bây giờ một cầu thủ có thể cống hiến toàn bộ sự nghiệp đỉnh cao của mình cho CLB, như trường hợp của trung vệ Huy Hoàng trước đây hay xa hơn nữa là trung vệ Hữu Thắng.
Thật ra đây cũng là chuyện bình thường với bóng đá chuyên nghiệp, bởi nơi nào trên thế giới cũng đều có tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, tức là cầu thủ giỏi sau khi trưởng thành thì thường chia tay đội bóng đã tạo nên tên tuổi của mình để đến với những CLB có tiềm năng tài chính tốt hơn hoặc có cơ hội lớn hơn để đạt được danh hiệu.
SLNA đã mất tuyển thủ QG thứ 9 trong vòng 4 năm qua là Phi Sơn và người ta đang đếm ngược thời gian còn ở lại đội bóng của Quế Ngọc Hải, ngôi sao có giá trị cao nhất trong đội hình SLNA hiện tại, nhưng “con chị nó đi thì con dì nó lớn”, khi ở giải U21 QG 2017 vừa qua, SLNA đã giới thiệu 2 tài năng tấn công rất hứa hẹn là Văn Đức và Đức Thông.
Bộ đôi này được kỳ vọng sẽ góp sức gánh vác hàng công SLNA ở V-League 2018 cùng với các ngoại binh, và có thể chỉ sau một vài mùa bóng được ra sân liên tục, họ sẽ đạt tới trình độ của Phi Sơn bây giờ hay Công Vinh ngày xưa, dù rằng cứ có thêm một cầu thủ trở thành ngôi sao thì SLNA lại bắt đầu đối mặt với nguy cơ “chảy máu tài năng”, theo kiểu “đến hẹn lại lên”.