“Hằng 12” cùng các đồng nghiệp ở Đoàn Tiếp viên trong ngày cưới (26/1/2007) |
“Đoạn kết của câu chuyện cổ tích” là tên một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Mỹ Jack London.
Chuyện kể về một viên bác sĩ giỏi nhất vùng băng giá Alaska, thời kỳ người Mỹ đổ xô đến đây đào vàng. Người vợ đã bỏ anh, đi theo người tình và số phận đưa đẩy đến lúc chị ta lại phải cầu xin anh chữa bệnh cho người yêu đang ở tình trạng thập tử nhất sinh vì đã đánh nhau với một con báo, hòng thỏa mãn thú chơi ngổ ngáo của anh ta.
Điều kiện của viên bác sĩ là, nếu chữa khỏi, người vợ sẽ phải từ bỏ người tình và quay về với anh.
Trong một năm trời ròng rã, viên bác sĩ đã không kể ngày đêm, huy động tất cả tâm lực giúp tình địch chiến thắng thần chết, dạy anh ta cách tập luyện, để phục hồi thành một thanh niên khỏe mạnh...…
Không hiểu vì sao tôi đã lập tức nghĩ tới câu chuyện này khi nhận được thiếp mời đám cưới “Hằng 12” diễn ra vào một ngày cuối tháng 1 năm 2007.
Cách đây hơn 6 năm, một tai nạn giao thông khủng khiếp đã xảy ra với các nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines. Hoàng Thị Thu Hằng – “Hằng 12” bị nặng nhất, mặt nát nhừ, sụp xương lồng ngực, vỡ xương chậu, gẫy tay trái và chân trái... hôn mê sâu, không ai dám nghĩ là cô sẽ thoát chết.
Thế rồi sức trẻ, nghị lực sống phi thường và tình thương yêu của gia đình, bè bạn đã giúp Hằng chiến thắng tử thần, bệnh điên và di chứng liệt nửa người.
Nhưng Hằng không biết một điều còn kinh khủng hơn tai nạn đang chờ cô hồi tỉnh: 6 tháng chung sống (tính từ lúc đám cưới đến khi tai nạn xảy ra) đã không đủ sức níu giữ người chồng nhẫn tâm ở lại, chia sẻ hoạn nạn với vợ. Anh ta đã gần như bỏ đi ngay khi biết Hằng bị nặng và khó lòng qua khỏi.
Tháng 8/2006, tôi viết bài báo “Hằng 12” – Chuyện một nữ tiếp viên hàng không trở về từ cõi chết” với sự khâm phục và lòng cảm thông sâu sắc một cô gái trẻ đầy nghị lực đã phải chịu nhiều khổ đau, mất mát.
Và khi được hỏi về ước muốn lớn nhất của Hằng, cô gái 34 tuổi đã trả lời : “Sức khỏe và một gia đình riêng ấm cúng”. Nghe mà không khỏi cảm thấy ái ngại cho cô, vì chúng tôi nghĩ rằng ước mơ chẳng lấy gì làm cao sang ấy với một người bình thường, nhưng với Hằng thì…
Chúng tôi gặp lại Hằng cùng người bạn đời tương lai trước hôm cưới ít ngày. Anh tên là Nguyễn Kim Tiến, một cán bộ quân đội. Ấn tượng ban đầu, anh là người từng trải, nghiêm túc, vững vàng, thẳng thắn.
- Chúng tôi đến với nhau thuần túy vì tình cảm và hoàn toàn bình đẳng. Tôi không muốn “được” coi là người hùng. Hằng cũng không phải là cô gái Lọ lem cần có chàng hoàng tử đến đón như trong chuyện cổ tích…
Nguyễn Kim Tiến kể lại, khi đọc bài viết về “Hằng 12” trên báo Tiền phong, anh đã ngờ ngợ đây chính là người bạn gái mà anh thầm yêu trộm nhớ từ nhiều năm trước.
- Cách đây gần 10 năm, chúng tôi học cùng lớp ĐH Ngoại ngữ ở TP HCM. Ngày ấy Hằng xinh lắm, tôi chỉ là anh bộ đội đi học, người lại gầy nhỏ, yêu mà không dám nói ra, tình cảm đành giấu kín trong lòng…
Chúng tôi hỏi vui: “Thế hồi ấy Hằng có biết anh Tiến thích mình không?”, cô e ấp cười: “Dạ, không ạ…”. Hỏi Tiến: “Lính cựu hay lính mới mà dát thế?” “Ngày ấy mà hỏi thì cô ấy cho tôi… ăn khói ngay!”.
- Đến khi nhìn thấy Hằng trên chương trình Người xây tổ ấm, tôi giật bắn người. Cứ tưởng bấy nhiêu năm xa, Hằng đang yên hưởng hạnh phúc, nào ngờ… Tôi và cả nhà vừa xem TV vừa khóc. Sáng hôm sau tôi gọi điện thoại đến Đoàn Tiếp viên.
- Em nhận ra anh ấy ngay dù nhiều năm không gặp, vì anh ấy có cái tên như con gái: “Kim Tiến”. Có một cái gì đó giống như sự an bài của số phận. Trong số rất nhiều điện thoại gọi đến để động viên, chia sẻ, hình như em chỉ chờ nhất điện thoại của anh ấy.
“Và nói như cách của thanh niên bây giờ: Khi nào tình yêu đến?”.
Tiến:
- Ngay từ khi nhìn thấy Hằng trên TV, tình yêu đã đến với tôi rồi. Tôi tự nhủ: Nếu Hằng không chê, mình sẽ dành cả cuộc đời để bù đắp đau thương và mất mát của cô ấy.
Là một người lính thời bình, không được trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng tôi được chứng kiến các đồng đội lớn tuổi là thương binh, bị vết thương hành hạ mỗi khi trái gió trở trời.
Và luôn có những người mẹ, những người vợ chăm sóc cho họ. Với tôi, Hằng cũng là một thương binh, và tôi nguyện sẽ ở bên Hằng để chăm sóc những khi cô ấy đau đớn. Hằng có thể không yêu tôi, có thể lấy người khác, nhưng liệu người ấy có được quyết tâm như của tôi không?
Hằng:
- Khi biết anh Tiến có tình cảm với mình, em vừa vui mừng, vừa lo lắng. Chẳng cần nói nhiều mọi người cũng biết hoàn cảnh hiện tại của em. Em nghĩ mình không được phép nhận tình yêu của anh ấy, và tự an ủi: Chắc là anh ấy nói đùa thôi! Nhưng càng ngày, em càng nhận ra anh ấy rất chân thành. Em cũng đã đưa ra nhiều thử thách, và lần nào anh ấy cũng vượt qua… một cách xuất sắc.
“Ý kiến của hai gia đình và bè bạn thế nào?”
- Chúng em thật may mắn vì được cả hai bên gia đình ủng hộ. Bố em gọi anh Tiến là “một người hùng”. Mọi người ở Đoàn Tiếp viên coi anh ấy như người đã quen từ lâu.
Các bạn em ở khắp nơi đều hẹn sẽ bay ra Hà Nội dự đám cưới. Chúng em chỉ định báo hỉ thôi, nhưng mọi người bảo không được. Công đoàn Đoàn Tiếp viên sẽ đứng ra tổ chức đám cưới. Ai cũng bảo em là người may mắn. Em cũng thấy thế...
Tiến cướp lời: “Anh mới là người may mắn!”.
Kế hoạch tuần trăng mật của hai người cũng giản đơn như đám cưới. “Mọi người thường thích đi du lịch, nhưng vợ chồng em sẽ về quê. Chúng em vốn là người cùng quê, có chung một tuổi thơ, một vùng đất nên sẽ còn rất nhiều điều để chia sẻ với nhau”.
“Nếu sinh con đầu lòng, các bạn thích trai hay gái?”
Tiến cười hiền: “Tôi thì con nào cũng quý. Tùy Hằng”. Hằng đấm lưng Tiến: “Em cũng thế”.
“Hai người sẽ ở đâu?”.
- Tôi được quân đội phân cho một căn hộ chung cư ở khu Mai Dịch. Việc đầu tiên bây giờ là chuẩn bị cho Hằng một phòng tập thể thao tốt nhất.
Hằng nhìn Tiến bằng ánh mắt biết ơn: “Từ khi yêu nhau, em cũng hơi lười tập luyện. Anh ấy vẫn phê bình và nhắc em luôn đấy…”.
Đám cưới của Hằng và Tiến diễn ra trong ngôi nhà chật, nhưng ấm cúng của gia đình cô trên đường Văn Cao. Bà Lê Hoàng Hoa, Đoàn phó Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines, người luôn ở bên Hằng 12 những lúc khó khăn nhất, dẫn đầu một đoàn tiếp viên xinh đẹp đến dự.
Cô dâu hạnh phúc |
Tiếng hát, đọc thơ và tiếng cười vang lên rộn ràng ngõ nhỏ. Hằng mặc áo dài mầu hoa đào, mắt sáng ngời hạnh phúc. Ba chữ “chuyện cổ tích” được nhiều lần nhắc đến.
Đã lâu lắm chúng tôi mới được dự một đám cưới giản dị và đầy ắp tình người như thế. Bố của Hằng nhắc đi nhắc lại: Đã 7 năm, hôm nay tôi mới có một ngày vui thật sự!
Ai đó đùa: Phải phong anh Tiến là anh hùng của các nữ tiếp viên! Bà Hoa nói vui: “Chưa được. Trước mắt chấp nhận Tiến là người nhà của Đoàn Tiếp viên đã. Việc phong anh hùng còn phải chờ xem chú rể phấn đấu thế nào”.
Tuy chỉ là câu nói vui, nhưng nghe thật thấm thía. Tiến cảm động hứa: “Xin các cô, các chú và các bạn ở Đoàn Tiếp viên yên tâm. Hôm trước tôi đã nói với một anh phóng viên, nếu viết báo, xin chỉ viết về Hằng. Viết về tôi, xin hẹn 50 năm nữa! Tôi sẽ chứng minh tình yêu dành cho Hằng bằng cả cuộc đời mình”.
Ngày bạn trai của vợ hoàn toàn bình phục, viên bác sĩ đứng trên thuyền chìa tay ra. Người vợ toan nắm lấy để trèo lên con thuyền, đi theo chồng đúng như cam kết ban đầu. Nhưng viên bác sĩ bỗng rụt bàn tay lại và nói đại ý:
Tôi đã cứu anh ta khỏi tay thần chết, thì cũng sẽ không để vòng tay anh ấy phải trống trải vì mất vợ. Và ông đẩy mạnh cây xào cho con thuyền trôi ra giữa dòng sông...
Hai câu chuyện xảy ra ở hai không gian và thời gian khác nhau, dường như chẳng có gì ăn nhập, nhưng người đọc cùng được trải nghiệm cảm giác về khổ đau, tuyệt vọng, sự phản bội, hèn nhát và nghị lực sống phi thường…
Nhưng trên hết vẫn là một tình yêu cao thượng có thể làm thay đổi số phận, xoa dịu nỗi đau của một kiếp người. Đó mới là đoạn kết có hậu của câu chuyện cổ tích mà những người đang yêu sẽ còn tiếp tục kể cho nhau nghe.
Hà Nội, 26/1/2007