Chuyện phi công Nguyễn Đức Soát: Âm thầm sang Liên Xô học lái máy bay

Phi công Nguyễn Đức Soát (thứ 2 từ trái sang) đang trò chuyện cùng đồng nghiệp. Ảnh: TL.
Phi công Nguyễn Đức Soát (thứ 2 từ trái sang) đang trò chuyện cùng đồng nghiệp. Ảnh: TL.
TP - Ít ai ngờ rằng, nếu không có chiến tranh, có lẽ chàng thanh niên lớp 10 của trường cấp 3 Phú Xuyên, Hà Tây năm xưa đã đi du học ở Đức và trở thành kỹ sư luyện kim.

Cuộc lên đường và đào tạo thần tốc

Tướng Soát kể: “Năm 1965, tôi vừa học xong lớp 10 và đủ điểm để sang Đức học. Thời đó, tôi đã được đọc các bài báo về các trận đánh trên không và mê tít nghề lái máy bay. Rồi những câu chuyện của Liên Xô (cũ) như “ Khoảng trời Ban-tích” đã lôi cuốn tôi”.

Thi tốt nghiệp xong, chàng thanh niên Nguyễn Đức Soát khám sức khỏe đi bộ đội như các bạn cùng trang lứa. Trông vóc dáng ông to cao như vậy, nhưng kết quả khám sức khỏe toàn ghi loại B2 (loại bét-NV).

Sau đó, có đoàn giám định sức khỏe để tuyển chọn phi công về trường cấp 3 của ông và chọn được 2 người, trong đó có ông. Ông nhớ lại: “Sau khi được chọn ở trường, tôi được ra Bệnh viện 108 ở Hà Nội khám sức khỏe tiếp trong 2-3 ngày liền. Các bác sỹ thông báo, tôi đã trúng tuyển lái máy bay. Sau đó, tôi nhận giấy báo đi học ở Đức, nên rất phân vân: Đi Đức rồi thì không lái máy bay được nữa. Tôi nấn ná chờ thêm 5 ngày, nếu không có giấy báo trúng tuyển phi công thì sẽ đi học Đức”.

Rất may, đến ngày thứ 3, có một sỹ quan Không quân đến thông báo, hai ngày tới sẽ tập trung đi bộ đội, nhưng đề nghị gia đình giữ kín chuyện. Biết con trai mình nhất quyết đi học phi công, mẹ ông khóc hết nước mắt và ngăn cản không cho ông đi vì bà không muốn mất thêm một cậu con trai nữa. Mấy người bác trong nhà phải nói giúp rằng, học lái máy bay lâu lắm, mất 7-8 năm cơ, lúc đó đã hết chiến tranh rồi. Thế là mẹ mới đồng ý cho ông đi. Thời đó, thanh niên đi tòng quân được tiễn đưa rất náo nhiệt. Riêng ông âm thầm lên đường theo thông báo của tổ chức.

Sau này, ông mới biết, sở dĩ đi khám sức khỏe toàn bị loại là do người anh trai là sỹ quan Phòng không mới hy sinh, nên ông được miễn trừ quân ngũ. Họ ghi thế để người ngoài không ai dị nghị.

Ngày 5/7/1965 ông bắt đầu nhập ngũ tại Hà Nội và chỉ 22 ngày sau đã lên đường đi Liên Xô đào tạo học lái máy bay. Do yêu cầu cấp bách của cuộc chiến, phía Việt Nam đề nghị bạn rút ngắn thời gian đào tạo từ 5 năm xuống còn 3 năm. Ông cùng các bạn học ngày, học đêm, học cả thứ 7, Chủ nhật để có thể nắm vững kiến thức, nhanh về phục vụ đất nước. Năm 1968, ông hoàn thành công việc học tập và trở về nước. Một tháng sau, ông lên máy bay đi chiến đấu. Năm 1969, ông đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên. Từ tháng 5 đến tháng 10/1972, ông bắn rơi thêm 5 chiếc máy bay Mỹ nữa. Ngày 11/1/1973, khi mới 27 tuổi, ông đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.

Chuyện phi công Nguyễn Đức Soát: Âm thầm sang Liên Xô học lái máy bay ảnh 1 Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm lực lượng không quân. Ảnh: TL.

Bất ngờ được trao tặng anh hùng

12 ngày sau chiến thắng lẫy lừng trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Binh chủng tên lửa, Đại đội 3, Trung đoàn 927 và 5 phi công được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao trong một đợt trao tặng anh hùng đặc biệt. Tướng Soát cho biết, hồi đó, việc phong anh hùng rất khác, không phải làm bản báo cáo thành tích, không phải bình bầu xét duyệt, rất bất ngờ.

Ông kể: “Hôm đó tôi đang trực ban chiến đấu ở sân bay Yên Bái, thì thấy máy bay trực thăng đáp xuống và Sở chỉ huy báo có việc gấp phải về Nội Bài (ngày xưa gọi là sân bay Đa Phúc). Khi về đến sân bay Nội Bài, tôi vẫn cùng anh em ra cái giếng đá nhỏ chơi bóng chuyền. Đến tối, từ hầm xuống nhà ăn ở trên đồi, chiếc radio nhỏ của ông phát bản tin thông báo, Đảng và Nhà nước có đợt tuyên dương anh hùng đặc biệt cho  Binh chủng tên lửa, Đại đội 3 và 5 phi công. Lúc đó tôi mới biết, tôi, Đại đội trưởng Đại đội 3, có tên trong danh sách được phong tặng anh hùng cùng với Đại đội phó Nguyễn Đức Sâm và Đại đội trưởng Đại đội 9 Lê Thanh Đạo...Tối hôm đó đang giao ban thì đồng chí chính ủy Trung đoàn đến bảo tôi và anh Sâm đeo quân hàm vào: Chúng mày được lên thượng úy rồi!”.

Tờ mờ sáng hôm sau, các ông phải lên đường, vượt qua cầu phao Bác Cổ để đến Nhà khách Bộ Quốc Phòng, 33 Phạm Ngũ Lão. Khoảng 4 giờ chiều, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh đến và trao tặng huân chương. Buổi lễ trao tặng diễn ra trong khi đất nước đang có chiến tranh nhưng rất trang trọng.

Kể về thành tích của Đại đội 3 lúc bấy giờ, tướng Soát tự hào khoe, Đại đội 3 của ông đã từng được tặng anh hùng trước đó, đây là lần thứ hai. Riêng năm 1972, từ tháng 4 đến tháng 12, đại đội chỉ có 12 phi công nhưng đã bắn rơi 28 máy bay Mỹ, trong khi đó Mỹ chỉ bắn rơi 9 chiếc máy bay của mình và làm 3 phi công của ta hy sinh. Rồi ông nghẹn ngào cho biết, trong chiến dịch 12 ngày đêm Mỹ đánh bom Hà Nội và các tỉnh lân cận, đại đội của ông chỉ hạ được 5 chiếc máy bay nhưng có tới 2 phi công hy sinh.

Khi được hỏi, việc được phong anh hùng quá sớm có khiến ông bị áp lực? Tướng Soát cho biết, năm 28 tuổi, ông đã đảm trách chức Trung đoàn phó, chỉ huy cả ngàn người, sức ép rất lớn. Ông cười vui: “Vinh dự lớn nhưng trách nhiệm nhiều khiến mình luôn cảm thấy như bị đeo vòng kim cô. Đi đứng, nói năng đều phải giữ ý”.

Chuyện phi công Nguyễn Đức Soát: Âm thầm sang Liên Xô học lái máy bay ảnh 2 Tướng Soát (thứ hai từ trái sang) thăm hỏi nạn nhân bị thương nhẹ trong vụ nổ bom ở Văn Phú, Hà Đông. Ảnh: L.A.

Đau đáu vì nạn nhân bom mìn

Tôi có may mắn được theo chân tướng Soát đi tặng quà và khám lắp chân giả cho các nạn nhân bom mìn ở xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; được cùng ông vào Bệnh viện 103 thăm nạn nhân vụ nổ vì cưa bom ở Văn Phú, Hà Đông, rồi về tận quê thăm hỏi, chia buồn và an ủi người thân của nạn nhân tử vong vì vụ cưa bom. Không ngờ người anh hùng lừng lẫy với những chiến công oanh liệt trên bầu trời năm xưa lại rất mẫn cảm với những nỗi đau thời hậu chiến. Tôi còn nhớ hình ảnh ông rơm rớm nước mắt ôm cậu bé 10 tuổi có mẹ và em gái không may thiệt mạng trong vụ cưa bom ở Văn Phú. Còn nhiều nữa chuyến thăm hỏi và tặng quà làm kế sinh nhai cho các nạn nhân bom mìn từ Bắc chí Nam ông đi mà tôi không có dịp đồng hành. Ông luôn hy vọng, không chỉ hỗ trợ mà còn đẩy mạnh việc tuyên truyền về bom mìn chiến tranh để không có thêm những nạn nhân mới.

Tướng Soát chia sẻ: “Chiến tranh kết thúc hơn 40 năm, nhưng hậu quả của nó để lại vẫn còn khá nặng nề. Hàng năm, vẫn có những nạn nhân mới của bom mìn hậu chiến, cướp đi sinh mạng hoặc một phần cơ thể của những người  thường là trụ cột gia đình. Nếu như chúng ta đã có Hội Cựu chiến binh, Hội nạn nhân chất độc da cam... thì nạn nhân bom mìn chiến tranh còn khá nhiều nhưng chưa có tổ chức nào đứng ra chăm lo và hỗ trợ họ”.

Đó cũng chính là lý do ông tham gia Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam. Bằng uy tín và tâm huyết của mình với tư cách Chủ tịch Hội, ông nhận được sự ủng hộ của hàng trăm tướng lĩnh quân đội tham gia trên tinh thần tự nguyện, không lương bổng, cùng một số doanh nghiệp trong nước đồng hành. Những phi công Mỹ tại cuộc gặp gỡ phi công Việt - Mỹ biết được chương trình này, cũng ngỏ ý được ủng hộ Hội. Tuy nhiên, theo điều luật hoạt động của Hội (không được phép nhận tài trợ từ nước ngoài), nên thiện chí này của họ chưa thực hiện được. Họ vẫn tha thiết đề nghị tướng Soát khi nào có thể thì cho họ được đóng góp.

Nguyên mẫu trong bài hát “Hà Tây quê lụa”

Năm 1973, tại Hội nghị tổng kết 8 năm chống Mỹ của tỉnh Hà Tây, ông và ông Hồ Giáo là hai anh hùng, một người anh hùng lực lượng vũ trang, một người anh hùng lao động được mời về tham dự. Tại hội nghị đó, ông và ông Hồ Giáo được mời ngồi ở bàn Chủ tịch và giao lưu với mọi người. Khi được mời phát biểu, ông nói chuyện khá văn chương rằng: “Khi bay trên quê hương mình, trên mảnh đất Hà Tây, tôi thấy cánh đồng lúa xanh đẹp như tấm lụa và cảm thấy trách nhiệm với quê hương rất lớn”. Nhạc sỹ Nhật Lai cũng tham dự hội nghị và lấy cái tứ mà ông mô tả về cánh đồng lúa đưa vào bài hát “Hà Tây quê lụa”, trong đó có lời hát “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc”.

MỚI - NÓNG