Nhóm FAS Angel |
Trong số những thành viên tham gia trực ở phố Trần Vỹ, Nguyễn Thị Hồng Ngọc (SN 2003, Thường Tín, Hà Nội) gây chú ý bởi là thành viên nữ trẻ nhất của đội. Biết và cảm phục hoạt động của nhóm FAS Angel qua mạng xã hội, Ngọc đăng ký tham gia được khoảng 2 tháng nay.
Nguyễn Thị Hồng Ngọc |
Là sinh viên Cao đẳng Y Hà Nội chuyên ngành Điều dưỡng, Ngọc đăng ký tham gia đội với mong muốn mang kiến thức, kỹ năng mình học được giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông, tham gia ứng cứu những nạn nhân trong những sự cố cháy nổ. Mới nhất, Ngọc vừa cùng các thành viên trong đội tham gia hỗ trợ các nạn nhân trong vụ cháy ở phố Trung Kính (ngày 24/5/2024).
Ngọc kể, thường khoảng 0h, các thành viên sẽ rời khu vực trực để về nhà, nhưng nếu có sự cố, các thành viên sẽ lại tập hợp. Khoảng 0h40 phút ngày 24/5, nhận được thông tin vụ cháy ở phố Trung Kính, các thành viên của đội lại tức tốc có mặt. “Lúc ấy mình đã về nhà. Thấy thông báo có vụ cháy, mình chuẩn bị đồ và di chuyển nhanh nhất có thể. Lúc đến, lực lượng chức năng đã khống chế được đám cháy và chuẩn bị vào hiện trường để cứu người”, Ngọc kể.
Theo Ngọc, dù học ngành y, đã từng tiếp xúc với nhiều ca bệnh, nhưng cô cũng “sốc” khi chứng kiến những thiệt hại từ vụ cháy. Vừa làm nhiệm vụ bảo quản vật tư của đội, Ngọc vừa giúp đỡ, hỗ trợ các thành viên trong đội và lực lượng chức năng cứu trợ nạn nhân mắc kẹt; di chuyển những thi thể nạn nhân vụ cháy ra ngoài.
Ở tuổi đôi mươi, Ngọc rắn rỏi, trưởng thành hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa. “Mình vốn tự lập từ bé”, Ngọc nói. Khi tham gia cứu hộ vụ cháy xong, Ngọc mới nhắn về cho gia đình đỡ lo lắng. “Là con gái, khi tham gia những công việc như thế này sẽ dễ bị ám ảnh tâm lý, nhưng sau khi tham gia cứu hộ một số vụ việc, mình bạo dạn hơn nhiều”, Ngọc nói.
Những thành viên đội FAS Angel tham gia cứu hộ nạn nhân trong sự cố cháy nổ ở Hà Nội. Ảnh: PV. |
Là thành viên FAS Angel đã vài năm nay, anh Nguyễn Đình Hùng (SN 1985, quê Thanh Hoá) từng tham gia cứu hộ nhiều vụ cháy, tai nạn, sự cố ở Hà Nội. Trong vụ cháy ở phố Trung Kính, anh Hùng trực tiếp vào hiện trường hỗ trợ lực lượng chức năng đưa các nạn nhân ra ngoài.
“Lúc ấy, hiện trường nhìn ám ảnh lắm. Khi vận chuyển nạn nhân ra ngoài, mình chỉ mong nhiều người được cứu sống”, anh Hùng nói. Thường anh Hùng sẽ trực ở phố Trần Vỹ các ngày 3 - 5 - 7 trong tuần. Hôm gặp phóng viên vào thứ 6, anh nói xin đổi ca trực với thành viên trong đội để lo việc cá nhân vào hôm sau. “Ban ngày mình làm trong lĩnh vực xây dựng, đến tối mình tham gia cùng đội để hỗ trợ mọi người. Mình trọ ở ngay Hồ Tùng Mậu, nếu đêm khuya mà có người cần giúp đỡ ở khu vực này thì mình sẽ ra. Còn ở khu vực khác sẽ có các bạn khác, người nào gần, nhanh hơn thì ra”, anh Hùng tâm sự, đồng thời cho biết, khi tham gia đội, anh cũng được đào tạo về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn để khi đến hiện trường biết phải làm gì.
“Đây là công việc bào mòn sức khỏe và thời gian dành cho gia đình nhưng mang lại sự yên vui cho nhiều người khác. Từ sự yên vui của nhiều người đó, tôi cũng thấy mình sống ý nghĩa hơn”.
Anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng FAS Angel
Từ chối nói cụ thể về nhân thân, gia đình, anh Hùng khẳng định, biết anh tham gia FAS Angel, thường trực đối diện những hiểm nguy, nhưng vợ, con anh đều ủng hộ. “Mình nhận thấy đây là công việc ý nghĩa. Chúng mình chỉ là người bình thường, không phải người hùng hay gì đâu”, anh Hùng nêu quan điểm.
Không bỏ rơi ai
Thành lập tháng 9/2019, đến nay, FAS Angel có 150 thành viên với 12 trưởng vùng, nhiều chuyên viên trong các phòng ban trực khắp địa bàn Thủ đô. Với tôn chỉ “Không bỏ rơi ai”, FAS Angel luôn coi những người gặp sự cố, tai nạn như người thân của mình để hết lòng cứu giúp. Màu áo cam đồng phục của FAS Angel tham gia cứu hộ, cứu nạn các sự cố trên địa bàn Thủ đô đã quen thuộc với nhiều người.
“Mọi chuyện nhen nhóm vào năm 2016 khi mình bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người khiến mình bất tỉnh. Khi tỉnh lại, toàn thân mình như bị tê liệt, chỉ có đầu óc là tỉnh táo”, anh Phạm Quốc Việt (SN 1987, quê ở Xuân Trường, Nam Định) - đội trưởng FAS Angel kể lại.
Theo anh Việt, thời điểm đó, anh nằm ở hiện trường khoảng 15 phút, có rất nhiều người đi qua nhưng không ai dừng lại để giúp đỡ. “Lúc đó, tôi mới hiểu trải nghiệm của một nạn nhân”, anh Việt kể. Sau hai lần ngất đi, may mắn có một cô gái dừng lại hỗ trợ anh Việt, nhưng do quá sợ hãi, cô gái không biết phải làm gì. Để tự cứu chính mình, anh Việt lại là người hướng dẫn cho cô gái các bước sơ cứu cơ bản rồi gọi xe cấp cứu.
Anh Phạm Quốc Việt - Đội trưởng FAS Angel. Ảnh: PV. |
Vụ tai nạn khiến anh Việt bị chấn thương sọ não. Ra viện, anh suy giảm sức khoẻ nghiêm trọng, không thể tiếp tục công việc, phải về quê dưỡng bệnh. Năm 2017, khi sức khỏe đã khá hơn, anh rời quê lên Hà Nội, bắt đầu một cuộc sống mới với công việc chạy xe công nghệ và một mình hỗ trợ cứu người. Dần dần, anh em đồng nghiệp cảm phục nghĩa cử của anh Việt và tự nguyện tham gia vào nhóm. Từng bị bỏ rơi sau khi gặp tai nạn, anh Việt thấu hiểu cảm giác sợ hãi của những nạn nhân gặp sự cố, tai nạn khi không có ai giúp đỡ.
Anh Phạm Quốc Việt sau một cuộc cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội |
“Ngoài nỗi sợ hãi bị đổ oan, còn phải mất rất nhiều thời gian để tường trình, thanh minh rằng mình không liên quan đến vụ việc đó. Sợ hãi lớn nhất là mình không có kĩ năng để giúp đỡ người bị tai nạn”, anh Việt nói, đồng thời cho rằng, trong xã hội này có rất nhiều người thực lòng muốn giúp đỡ các nạn nhân nhưng lại không có đủ kinh nghiệm để làm việc đó.
Đến nay, sau 4 năm kiên trì hoạt động với sứ mệnh thiêng liêng, FAS Angel đã tham gia cứu hộ, cứu nạn rất nhiều sự cố lớn, nhỏ ở Hà Nội, hỗ trợ, giúp đỡ hàng nghìn người. Từ Thủ đô, mô hình FAS Angel đã mở rộng hoạt động ở các tỉnh Nghệ An, Hoà Bình, Sơn La… Ròng rã nhiều năm qua, dù nắng hay mưa, không có ngày nào anh Việt không tham gia ứng trực trên đường. Gia đình anh, từ cấm cản cũng dần ủng hộ cho công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này. Vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả, lo toan cho cuộc sống gia đình, sau 20h30 mỗi ngày, anh Việt dành thời gian cho công việc của FAS Angel. “Đây là công việc bào mòn sức khỏe và thời gian dành cho gia đình nhưng mang lại sự yên vui cho nhiều người khác. Từ sự yên vui của nhiều người đó, tôi cũng thấy mình sống ý nghĩa hơn”, anh Việt nói.
Càng về khuya, đường phố Hà Nội dần thưa vắng xe cộ, anh Việt và nhóm FAS Angel vẫn chốt trực trên phố. “Vui nhất là cái đèn đỏ này không phát sáng trong đêm, và buồn nhất là khi nó được bật tắt quá nhiều lần trong ngày”, anh Việt nói, tay chỉ vào chiếc xe cứu thương đỗ ven đường. Rất may, có thêm một buổi tối chiếc xe cứu thương của nhóm anh Việt không phải lăn bánh và bật đèn ưu tiên.