Philani và Kesley thực sự là những ngoại binh có chất lượng. |
“Đụng” vào họ là rước họa vào thân ngay, với những vấn đề liên quan đến người nước ngoài là điều đầu tiên phải nghĩ đến. Phần đông người nước ngoài, đặc biệt là mấy ông Tây… đen, đều đã trở thành dân tị nạn, sau khi giấc mộng đổi đời bằng nghề đá bóng ở VN tan thành mây khói.
“Tây” làm gì khi vỡ mộng cầu thủ chuyên nghiệp?
Họ làm đủ thứ nghề để sống qua ngày. Người có chút chuyên môn thì đi đá phủi cho mấy đội bóng phong trào ở khu đô thị vùng ven. Mỗi trận như thế, họ được trả 100.000đ và chai nước. Một nhóm khác làm cửu vạn theo kiểu thời vụ, kiêm luôn “tài xế” cho mấy bà chủ sồn sồn. Số nữa có đầu óc kinh doanh thì buôn bán quần jean từ Phi châu qua Việt Nam. Và cũng không ít người vẫn phải sống bám bạn bè là cầu thủ vốn đưa họ qua đây… Tây ở Việt Nam cũng có người làm nghề sửa ống nước hay rút hầm cầu.
Cứ đảo qua một vòng khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, sẽ thấy nhan nhản những người da màu vô gia cư. Họ thuê được chiếc xe máy (loại rẻ tiền) và “cảo” đến mấy hộp đêm, lân la ở đó, trước khi “bắt” được tín hiệu. Đội ngũ những người thất nghiệp, để rồi trở thành dân tị nạn như nhóm người này thực sự là gánh nặng của xã hội.
Thật ra bóng đá là môn thể thao khó chơi hơn nhiều người lầm tưởng. Và rõ ràng là không phải ai cũng được như Philani (Nam Phi) hay Samson Kayode (Nigeria).
Sa chân vào tệ nạn xã hội
Chất lượng cầu thủ ngoại ở VN cứ gọi là “muôn hình muôn vẻ”. Hàng cao cấp trong siêu thị có, đương kim tuyển thủ QG cũng có, nhưng phần lớn là hàng “sale-off”, những cầu thủ vô danh hoặc đã kết thúc sự nghiệp chơi bóng nghiệp dư của mình tại xứ sở, trước khi tìm đến dải đất hình chữ S tìm kiếm cơ hội việc làm. Không khó để phân loại, nhưng cái chính là mất thời gian và tốn tiền. Đó là chưa kể những phản ứng phụ kèm theo, mà cái chết của Molina (cựu cầu thủ B.BD) vì chích ma túy quá liều là minh chứng.
Chúng tôi lại phải nhắc lại phát biểu của Tshamala, tiền đạo ĐT.LA, trên TT&VH cách đây không lâu (sau cái chết của Molina), rằng ở VN có nhiều ngoại binh dùng ma túy. “Tôi cảm thấy rất hụt hẫng và buồn, nhưng tôi không bất ngờ trước cái chết của Molina. Nhiều ngoại binh trước khi đến VN đã là con nghiện, hoặc bị lôi kéo để rồi nghiện. Không ít người đã chuyển qua chích. Cũng có người đã chết vì HIV rồi”, Tshamala nói. Đúng là đã cầu thủ chết vì ma túy và căn bệnh thế kỷ (Musisi, cựu tuyển thủ QG Uganda và CLB SHB.ĐN-PV).
Cũng theo tiền đạo người Congo, bóng đá lục địa đen cũng có những giai tầng như nền kinh tế - xã hội ở châu lục này. Theo đó, Congo của Tshamala thuộc hạng trung bình, còn nhóm đầu là Nigeria, Cameroon, Ghana hay Bờ Biển Ngà. Nam Phi, nước chủ nhà VCK World Cup 2010, thậm chí còn xếp sau cả Congo và chỉ ngang bằng với Uganda hay Zimbabwe?! Nam Phi có tỷ lệ tội phạm rất cao và cầu thủ ở đây cũng không ít người bập vào ma túy.
Bóng đá đem lại quá nhiều tiền cho cầu thủ và họ đã không giữ được mình. Những cầu thủ chỉ có xuất phát điểm thấp (cả về mặt bằng nhận thức, văn hóa, đến yếu tố bóng đá) thường là không giữ được mình. Không có một công việc ổn định và cũng không có đủ tiền để hồi hương. “Khi mới qua đây, họ nghĩ VN là thiên đàng. Nhưng rõ ràng bạn phải lao động cật lực. Những kẻ lười biếng rất dễ nhiễm những thói hư”, Tshamala tiếp tục những câu chuyện không hồi kết về Phi châu và về bóng đá.
Theo Thể thao văn hóa