Chuyện nhà văn, nhà thơ viết báo Tết

TP - Khi mai đào chúm chím báo hiệu xuân sang là lúc nhiều nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp bận rộn. Họ tất bật “cày” để “trả nợ” một số tờ báo đặt bài Tết. Báo Tết đặc biệt ở điểm, có những trang thư giãn, ngẫm ngợi, mà ngày thường với guồng quay tất bật độc giả không có thời gian để thưởng thức. Cho nên, tản văn, bút ký, thơ, truyện ngắn… lên ngôi. Mà, đã đụng đến những thể loại này, nhà báo chuyên nghiệp thường tự nguyện “nhường” cho nhà văn chuyên nghiệp.

Nhuận bút bao nhiêu cũng lắc đầu

Tôi đã vài lần kết nối với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để mời anh cộng tác với số Tết đặc biệt của báo Tiền Phong. Anh ở trong Nam, tôi ở ngoài Bắc, ít cơ hội gặp gỡ song tôi trân quý anh ở tác phẩm và ứng xử tinh tế. Anh cũng dành cho tôi ít nhiều thiện cảm.

Mỗi khi sách mới ra mắt, anh không quên gửi tặng tôi và người thân của tôi. Nhưng đó là chuyện ngoài đời, với công việc lại khác. Ngay từ lần đầu khi tôi mời anh viết bài cho số Tết, tác giả “Mắt biếc” đã thẳng thắn từ chối. Mùa hoa đào năm sau, tôi lại chuyển lời mời, anh nói: “Đã lâu rồi anh không viết báo Tết. Ngay cả Sài Gòn Giải phóng, nơi anh công tác trước đây, anh cũng không viết bài nào”. Nhẩm đầu sách của Nguyễn Nhật Ánh những năm gần đây, tôi đoán anh muốn toàn tâm toàn ý cho văn chương.

Chuyện nhà văn, nhà thơ viết báo Tết ảnh 1

Nhà văn Bảo Ninh

Nhà văn dễ mở lòng với những ai yêu quý tác phẩm của họ. Mùa xuân năm đó, tôi muốn có một bài Tết về người Việt xa xứ cho ấn phẩm Tiền Phong Chủ Nhật. Tôi nhớ đến nhà thơ Du Tử Lê ở Mỹ, bèn gửi email, bắt đầu bằng câu thơ của ông: “Góc phố còn treo đôi mắt bão/Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?”. Và tôi đã được Du Tử Lê hồi âm, ông kể về những mùa Tết xa xứ của ông trong quá khứ và hiện tại. Du Tử Lê còn gửi một bài thơ tặng độc giả Tiền Phong nhân dịp Tết chỉ lưu ý khi đăng phải giữ nguyên chấm, phết (tức phảy), cả những chữ viết thường đầy chủ ý của ông. Hai câu cuối trong bài thơ ấy: “đời không thật! Duy nỗi buồn có thật!!!/Một tên người: lát cắt mấy trăm năm”.

Làng văn không chỉ có Nguyễn Nhật Ánh không nhận lời mời viết báo Tết. Tết vừa rồi, tôi kết nối với Phan Thị Vàng Anh, cây bút được nhiều độc giả yêu thích, trong đó có tôi.

Tôi thích Phan Thị Vàng Anh từ xưa, khi đọc tập truyện ngắn “Khi người ta trẻ” của chị. Sau này, tôi càng mê chị qua “Nhân trường hợp chị Thỏ Bông”, với bút danh Thảo Hảo, đăng trên báo Thể thao Văn hóa (sau tập hợp in thành sách). Tôi gọi điện cho chị, bày tỏ niềm ngưỡng mộ đối với văn chương của chị, sau đó mời chị cộng tác với Tiền Phong đặc biệt Tết Quý Mão 2023.

Câu trả lời của Phan Thị Vàng Anh khiến tôi ngơ ngẩn tiếc: “Năm nay chị bận quá, không thu xếp được”.

Chuyện nhà văn, nhà thơ viết báo Tết ảnh 2

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Điểm danh những nhà văn “lười” viết báo, không thể không nhắc Bảo Ninh. Trong văn chương, sau Nỗi buồn chiến tranh dường như Bảo Ninh không có gì mới hơn. Có người phân tích, ông lo không vượt qua nổi “đứa con tinh thần” đã quá vang danh.

Còn Bảo Ninh, trong một lần chia sẻ với phóng viên Tiền Phong đã tự nhận, thời của ông qua rồi, bây giờ là thời của các cây viết trẻ. Nhưng một tản văn, một tuỳ bút… cho báo Tết, với một nhà văn tầm cỡ như Bảo Ninh, đâu khó khăn?

Ông chỉ nhắm mắt ghi lại xúc cảm của mình trước mùa xuân cũng đã đủ hay. Bảo Ninh nói đùa: “Tiền Phong trả anh bao nhiêu nhuận bút?”. Tôi liều đáp: “Anh muốn bao nhiêu thì các sếp sẽ duyệt bấy nhiêu”. Bảo Ninh cười cười, hứa hẹn: “Để xem thế nào”.

Vài lần gọi lại cho tác giả Nỗi buồn chiến tranh vẫn thấy ông còn đang nghĩ ngợi, chưa đụng bút. Thế là tôi biết mình lại thất bại trong việc thuyết phục Bảo Ninh mở lòng với độc giả Tiền Phong.

Chuyện nhà văn, nhà thơ viết báo Tết ảnh 3

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

Những nhà văn bận rộn với “đơn hàng”

Dù bị từ chối không ít lần nhưng tôi vẫn lạc quan. Hội Nhà văn Việt Nam với hơn ngàn hội viên, vẫn còn nhiều tên tuổi rực rỡ. Tôi quyết định gõ cửa một cây bút đình đám hiện nay. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vẫn viết báo Tết nhưng “đơn hàng” chị nhận được mùa Tết 2023 lại bị… quá tải.

Chị không muốn nhận thêm “đơn” khi chưa giải quyết xong tồn đọng. Nhưng trước sự tha thiết cùng kiên nhẫn của tôi, hết gọi điện lại nhắn tin, chuyển lời của lãnh đạo Báo: “Phó tổng biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Lê Minh Toản rất mong nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện trên số Tết đặc biệt”.

Cuối cùng, nữ nhà văn cũng mềm lòng. Nhưng đến gần hẹn trả bài, chị nhắn tin: “Khỏi chờ mình nha. Mấy rày nghĩ mãi chưa ra ý tưởng gì hay ho (chắc do nhận đơn từ tháng 10 tới giờ hết hơi). Mà mình không muốn viết kiểu vô thưởng vô phạt. Hẹn năm sau vậy. (Tháng Giêng là mình ngồi viết, để dành, vậy mới chắc ăn)”.

Tôi như rơi xuống đất, đã hẹn hoạ sĩ Thành Chương minh hoạ cho bài của chị, mà giờ này lại “đổ”. Đành dùng tiếp “chiêu” năn nỉ. Nguyễn Ngọc Tư hồi âm: “Để thử thoát khỏi cảm giác nợ nần coi có khả quan không”.

Thế rồi chiều hôm sau chị gửi bài, kèm bài viết là lời nhắn: “Mình không nghĩ ra được gì tươi tắn dễ thương. Nên bên mình không dùng cứ báo mình ha, không phải ngại. Tại mình bị báo Tết trả hoài, cũng quen”.

Tôi không có quyền duyệt bài nhưng thừa hiểu: Chỉ cần trả lại, báo khác sẽ dùng ngay. Nên lập tức tôi hồi âm: “Nguyễn Ngọc Tư viết gì cũng quý. Xin được gửi nhuận bút cho nhà văn khi báo Tết phát hành”.

Chuyện nhà văn, nhà thơ viết báo Tết ảnh 4

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

Ở phía Bắc, cũng có những nhà văn chăm chỉ “cày” báo Tết. Vì nhuận bút báo Tết cao hơn nhuận bút các số báo thường cũng chỉ là một lý do. Nhiều nhà văn coi việc xuất hiện trên báo Tết như niềm vui. Với họ, Tết không chỉ cần hoa đào, hoa mận… mà trong nhà còn nhất định phải có vài tờ báo Tết có bài của mình.

Tác giả Ngõ lỗ thủng khi sức khoẻ còn tốt đã từng khoe, mỗi mùa Tết ông gặt được vài chục triệu đồng từ việc viết báo. Chuyện này không có gì ngạc nhiên, khi ông là một tên tuổi của làng văn, lại chăm viết. Trung Trung Đỉnh rất cẩn thận, chỉn chu với câu chữ. Ông đã chuyển bài nhưng chưa phải kết thúc.

Nửa ngày sau, thậm chí vài tiếng sau, lại có thư mới của tác giả Ngõ lổ thủng với chú thích: “Anh sửa vài chữ. Bản này là bản cuối”. Song phải thêm vài lần nhận thư mới nữa mới đến bản cuối thực sự của Trung Trung Đỉnh. Bù lại, ông tỏ ra khá thoải mái: “Tuỳ biên tập của Tiền Phong cắt gọt thế nào cũng được”.

Chuyện nhà văn, nhà thơ viết báo Tết ảnh 5

Nhà văn Trung Trung Đỉnh.

Nhà văn Phan Thị Thanh Nhàn cũng nhiệt tình viết báo Tết. Tác giả Hương thầm hay nói vui: “Con đề nghị Tổng Biên tập chấm nhuận bút cho bà già cao chút nhé”.

Cứ nói thế cho có vẻ quan trọng tiền bạc song lần nào đưa nhuận bút cho bà, bà cũng vui vẻ cầm, không cần mở phong bì đã ca ngợi: “Tiền Phong hào phóng quá”.

Phan Thị Thanh Nhàn thích chơi Facebook nên hay sốt ruột sau khi chuyển bài đi. Bà thường nhắn tin hỏi: “Báo Tết ra chưa con? Báo ra báo U nhé” (bà thường xưng “U” với các nữ nhà báo). Đến khi báo ra, bà giục nhanh nhanh chụp ảnh bài của bà để bà còn khoe với “500 anh em” Facebook. Phan Thị Thanh Nhàn thường tếu rằng, nhà thơ Trần Đăng Khoa là “bồ” của bà.

Trần Đăng Khoa cũng viết cho số Tết đặc biệt 2023 của báo Tiền Phong. Giống như Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa dặn tôi: “Nhớ nhắc ta vì ta hay quên hạn nộp bài”.

Nhưng khác với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, tác giả Thơ tình người lính biển chuyển bài xong là “lặn một hơi”, không hỏi han gì về tình hình “đứa con tinh thần” của mình. Tác giả Hương thầm gửi bài xong còn nhắc nhở: “Con nịnh hoạ sĩ minh hoạ cho bài U thật đẹp nhé!”.