Việc viết thuê sẽ ngày càng phổ biến?
Trong buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết “Dựa trên một câu chuyện có thật” (tác giả: Delphine de Vigan, dịch giả: Trần Văn Công) do Nhã Nam và Viện Pháp phối hợp tổ chức, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận định: hiện nay có một số tác giả lựa chọn chấp bút (không chính danh) như một công việc. Anh cho rằng xu hướng này sẽ trỗi dậy trong tương lai gần.
Mai Anh Tuấn giải thích: “Theo quan sát của tôi từ khi xuất hiện cuốn “Yêu và sống” (tự truyện của Lê Vân, 2005), trào lưu tự truyện được các nhà văn chấp bút trở nên rất phổ biến. Có thể kể đến: “Đằng sau những nụ cười” (tự truyện của Khánh Ly), “Để gió cuốn đi” (tự truyện của Ái Vân”, “Phút 89” (tự truyện của Công Vinh)... rồi tự truyện của những người đồng tính như: “Bóng” (tác giả: Hoàng Nguyên, Đoan Trang), “Không lạc loài” (tác giả Lê Anh Hoài)... đã mở đường cho công việc viết thuê. Nghĩa là sau giai đoạn đó, cái tên đồng tác giả trên bìa sách sẽ có thể rút gọn chỉ còn tên người kể. Nhà văn – người chấp bút chấp nhận lui vào bóng tối, bán quyền tác giả cho nhân vật chính khiến cho câu chuyện càng có vẻ “thật” hơn.
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn và nhà văn Hiền Trang trong buổi tọa đàm |
Bằng chứng là sau mỗi sự ra đời của một cuốn tự truyện, người đọc lại dấy lên tranh luận: bao nhiêu phần trăm những thứ được kể là sự thật? Và liệu sự thật đấy có phải để thỏa mãn cái tôi cá nhân người kể, là liệu pháp tinh thần xoa dịu vết thương quá khứ, là một lời tự thú của chính họ, hay đôi khi chỉ là một chiêu trò để câu khách, để làm cho thị trường trở nên hấp dẫn hơn?
Nhà văn Hiền Trang chia sẻ bản thân chị cũng đang viết thuê cho một doanh nhân, lấy tên của vị doanh nhân ấy. Hiền Trang cho rằng, việc này khá công bằng. “Mình viết và được trả tiền. Thu nhập cao hơn mình tự viết cho mình”. Nhưng cô cũng khẳng định: “Cái mà mình viết cho người khác không bao giờ là con người tốt nhất của mình. Mình sẽ không trút tâm hồn mình vào đó, không đánh đổi cái gì cả. Đơn giản là kỹ năng thôi”.
Khái niệm ghostwriter được khởi phát từ đạo diễn lừng danh Roman Polansky. Đây chính là tên một bộ phim nổi tiếng của ông kể về một nhà báo được thuê để viết hồi ký cho cựu thủ tướng Anh. Bộ phim được đề cử 7 giải César và đã chiến thắng 5 giải: phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nam diễn viên xuất sắc nhất và kịch bản chuyển thể hay nhất.
Cũng là Roman Polansky đã chuyển thể “Dựa trên một câu chuyện có thật" lên màn ảnh rộng. Phim có tên “Tiểu thuyết gia cuồng loạn” (tựa gốc: “Based on a true story”) xoay quanh quá trình khủng hoảng sáng tạo của nhà văn Delphine Dayrieux sau khi cô xuất bản quyển sách best-seller. Kể từ đó cô thường xuyên bị người hâm mộ quấy rầy và không thể viết gì ra hồn trước áp lực của dư luận. Bộ phim sau đó cũng tham dự LHP Cannes 2017, được đánh giá là “bộ phim tâm lý cuồng loạn và cực đoan xuất sắc”.
Bếp núc của chuyện viết
Trong tiểu thuyết “Dựa trên một câu chuyện có thật” (cuốn sách đã đạt giải thưởng văn học Pháp Renaudot năm 2015), nữ nhà văn Delphine de Vigan đã hóa thân vào câu chuyện và tái hiện chính mình trong một cuộc chiến dai dẳng chống lại nỗi sợ viết lách. Toàn bộ bếp núc của quá trình sáng tác văn chương được phơi bày. Hóa ra khi một nhà văn đối diện với chữ, cũng có nghĩa là họ đang dấn thân vào cuộc hành trình soi thấu, thậm chí “lật mặt” nội tâm của chính mình. Hành trình ấy đương nhiên “không trải đầy hoa hồng”, chỉ có “thấm đau vì những mũi gai”, đầy rẫy những bẫy rập, cám dỗ và tràn ngập cô đơn.
Theo như chính Delphine từng chia sẻ, "Dựa trên một câu chuyện có thật" có thể đọc theo nhiều cấp độ. Từ mặt tâm lý kinh dị đến từ tình tiết truyện là cấp độ đầu tiên cho đến cấp độ thứ hai, có phần khó hiểu hơn, về mối liên hệ chặt chẽ và lằn ranh mong manh giữa hiện thực và hư cấu, cũng như vị trí của hiện thực trong văn học và điện ảnh ngày nay. Cuối cùng, ở cấp độ thứ ba, Delphine de Vigan hy vọng giúp người đọc thấy được những gì ở phía sau cánh gà của công việc sáng tạo, nơi các nhà văn đấu tranh với lo âu và cả những con quỷ trong tâm trí mình.
Song song với buổi tọa đàm, nhờ sự khơi mào của cuốn sách, một số nhóm viết và đọc cũng đồng thời nổ ra tranh luận: thế cuối cùng thì viết cần cho ai, người đọc hay người viết?
“Bằng cách viết, chúng ta cũng thoát khỏi những ước vọng bất khả. Có lẽ không ai bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Nếu chúng ta không khao khát một cuộc sống khác, thì ít ra, chúng ta cũng mong muốn một cuộc sống phong phú hơn, rực rỡ hơn, mãnh liệt hơn và nồng nàn hơn. Nhưng xã hội chì chiết chúng ta, luân lý ràng buộc chúng ta và những kẻ khác giới hạn chúng ta. Chỉ bằng cách viết, chúng ta mới có thể sống cuộc sống chúng ta đến độ tràn đầy mơ ước”… Tác giả trẻ Hải Mi dẫn lời của nhà văn, nhà phê bình Nguyễn Hữu Hiệu để khẳng định, viết không chỉ là một công việc để kiếm tiền, nó còn tốt cho tất cả chúng ta.
Câu chuyện về chính tác giả Delphine de Vigan sau đó được lật lại, như một ví dụ của việc ai cũng có cơ hội để trở thành nhà văn. Bà sinh năm 1966, xuất thân là giám đốc nghiên cứu tại một viện khảo sát nhưng thích viết. Trung bình mỗi ngày bà đều dành hai giờ để viết sau khi làm việc. Năm 2001, bà xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Jours sans faim (tạm dịch: Những ngày không đói) dưới bút danh Lou Delvig. Năm 2005, bà dùng tên thật xuất bản một tập truyện ngắn "Les Jolis Garçons" (Những cậu trai đẹp đẽ) cùng tiểu thuyết "Un soir de décembre" (Một tối tháng Mười hai) và bắt đầu chuyên tâm vào viết. Kể từ đó, bà giành được nhiều thành công vang dội, các tiểu thuyết của bà được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, được chuyển thể thành phim.