Chuyện nhà hàng xóm

TP - Bản Dõn của huyện Sơn Dương đất Tuyên hiện còn sờ sờ vị trí cái nền cũ của hai cơ quan đóng liền nhau trong kháng Pháp là báo Tiền Phong và Nhà xuất bản Thanh Niên. Cả hai cũng chẵn một hoa giáp thành lập, năm ngoái là báo và năm nay là NXB. 

Mà cũng lạ, về tiếp quản Hà thành, ban đầu có xê xích nhưng về sau lại cũng cận, gần. NXB ở 62 lưng chừng phố Bà Triệu. Báo ở 15 Hồ Xuân Hương cuốc bộ sang nhau chỉ ít bước. 


Nguyễn Du vốn là tài năng trong cái giống đa tình có lẽ là người đầu tiên phát kiến ra hương gây mùi nhớ… (trong câu Kiều hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình)! Vâng cái mùi mông mốc âm ẩm ngai ngái rất chi là đặc thù phả ra từ những trang giấy Việt Trì hay Trung Quốc, Liên Xô nhuốm thời gian ngả xuồm xuộm vàng của những trang Sống như Anh, Bất khuất, Thép đã tôi thế đấy, Ruồi trâu… ấn hành từ những năm sáu, bảy mươi thế kỷ trước của NXB Thanh Niên thấy như vừa chợt bừng hiện ra một quá vãng? Là những cảnh những người. Là trạng huống thời sự thậm chí cả những mưa nắng cùng là heo may những mùa đi của Hà thành, của miền Bắc tất tả, gian nan, nồng hậu tình người…

Như đang hiển hiện nhà ăn Liên Cơ (liên cơ quan) 55 Quang Trung của Trung ương Đoàn. Người của Tiền Phong và của NXB Thanh Niên, Kim Đồng, Tạp chí Thanh Niên… hằng ngày tầm 6 giờ rưỡi hay bốn rưỡi chiều vẫn đụng nhau. Cái dáng thong thả đĩnh đạc lặng lẽ cấm thấy tất bật bao giờ của nhà thơ kiêm biên tập viên NXB Thanh Niên Phan Xuân Hạt người Nghệ, thường chỗ ăn bên cạnh nhà thơ Phan Cung Việt của báoi Suất cơm tập thể nhà bà Thơm chủ nhiệm nhà ăn, lưng lưng chứ không được lùm lùm một đĩa sắt tráng men cơm ghế mì sợi. Ba thanh đậu phụ kho bằng ba ngón tay hoặc thi thoảng có ba lát thịt mỏng tang, khi thay bằng nhúm cá đồng tiền kho mặn chát và bát nước rau đen sì như là cái cớ để hai ông Nghệ này ngồi rỉ rả luận bàn những chi chả biết? Nhiều năm khi cái nhà ăn Liên Cơ này không còn tồn tại lại chợt bừng nhớ thêm một biên tập viên Phan Xuân Hạt từng được đích thân Tổng thống Pháp Jacque Chirac gửi thư khen cùng cảm ơn việc ông đã có mấy bài thơ bằng tiếng Pháp trên tờ La Courier du Vietnam của TTXVN khá hay. Phan Xuân Hạt hoặc có lẽ yêu nghề biên tập viên lắm lắm hoặc phải là… thế nào đó thì mới suốt đời tòng sự nhõn một chỗ làm? Ông như một thứ biên niên của cái NXB, bởi làm biên tập viên suốt từ năm 1957 đến tận lúc hưu. 

Ngồi bàn cuối và lúc nào cũng ăn muộn là biên tập viên Đắc Trung người thành Nam. Thâm niên ông ở NXB cũng dài. Vài ba chục năm trôi vèo thuở thấy từ khi mái tóc ông còn rì rì xanh đến lúc hoi hói. Có lắm bữa đương ăn, có tác giả nhiệt thành tìm đến sà ngay cạnh luyên thuyên chuyện trò, bất biết Đắc Trung có nghe hay ừ hữ gì?

Chung cư tập thể 128 Hàng Trống tôi đã viết kha khá trong dịp Tiền Phong tròn một hoa giáp. Nhưng chưa kịp có dòng nào về một vị khai sơn phá thạch NXB Thanh Niên. Đó là ông Vũ Thọ. Về ở một thời gian mới biết ông từng là Giám đốc NXB này từ năm 1955 đến 1956. Nhà ông Vũ Thọ là căn gác bé hin ngay đầu cầu thang. Ông Thọ người đậm, hói và có cái cười rất hóm thường trực. Nếu không có cái cười này cứ ngỡ ông là người khó tính nghiêm lạnh. Trời nực, ông đánh cái quần đùi trắng rộng với cái may ô cũng thùng thình, cái quạt nan phe phẩy thong thả ngồi xuống bên lũ chúng tôi đương bệt trên khoảng sân chung hóng gió. Ông Thọ kiệm lời, ít khi góp chuyện mà chỉ nghe. Ai nói gì ông cũng chăm chú gật đầu. Một việc tôi thấy lạ lắm là tường mỏng ở liền nhau và có lẽ đỡ phiền hàng xóm, mỗi khi phải trao đổi điều gì đó với bà vợ vui tính nhưng hơi bị nhiều lời, ông bà toàn dùng tiếng Pháp.

Gác dưới nhà Hàng Trống có gia đình ông Đỗ Văn Thoan. Tôi về chung cư Hàng Trống thì ông từ báo Tiền Phong chuyển sang chức Giám đốc NXB Thanh Niên đã ít năm. Ông người xứ Thanh, lành và vui chuyện. Không giống với nhiều quan chức NXB, ông Thoan ít khi kéo công việc cơ quan về nhà? Bằng cớ là tôi chưa khi nào bắt gặp ông đọc duyệt bản thảo ở nhà hoặc có biên tập viên đến quấy? Mùa nực thi thoảng tôi lại bệt xuống đám cỏ bên cạnh cái ghế dài nửa nằm nửa ngồi của ông Thoan mà hóng chuyện. Hầu như mùa nóng, chiều muộn nào ông cũng rinh chiếc ghế là lạ ấy ra hóng gió Bờ Hồ. Cái năm ông đã yếu không còn hóng gió hồ được nữa, tôi có ghé Hàng Trống dịp người ta rầm cả lên về cái cuốn Chuyện kể năm 2000 mới xuất bản. Ông cười cái cậu này tớ biết tính khí nó lạ. Tẩm ngẩm tầm ngầm mà gớm phết… Cậu này tức là nhà văn Bùi Ngọc Tấn là quân của anh Thoan bốn năm hồi anh là Trưởng Ban Nông thôn báo Tiền Phong. Còn tẩm ngẩm với gớm như thế nào thì có lẽ để dịp khác sẽ thuật lại.

Về báo lâu lâu, tôi có dịp đi cơ sở một chuyến với anh Hoàng Phong, Trưởng Ban Sinh hoạt Đoàn. Có lần ngồi với ông Nguyễn Thanh Dương, người hàng xóm áp tường ở chung cư Hàng Trống từng làm TBT báo nhiều năm, trong nhiều chuyện về báo, ông Dương có nhắc đến anh Phong những chuyến công tác ở Khu Bốn vào thời kỳ không quân Mỹ đánh phá ác liệt, mà khen là chủ yếu. Ngồi tàu hỏa, tôi nhắc lại… Anh Phong chỉ cười rồi lảng sang chuyện khác. Đến thị xã Thanh Hóa, anh ghé qua nhà quen mượn xe đạp. Hai anh em đèo nhau về Quảng Xương. Chứng kiến cung cách làm việc của anh với cơ sở mà tôi thấy toát mồ hôi hột. Nó chỉn chu mực thước và lớp lang chứ không qua loa đại khái như nhiều bậc đàn anh khác từng bày cho mình. Khi thì bắt gặp một Hoàng Phong cán bộ Đoàn năng nổ. Lúc thì một chuyên gia về nông nghiệp am hiểu nước, phân, cần, giống và cả tâm lý nữa. Khi thì một nhà tuyên giáo nghiêm cẩn. Lại có khi lãng mạn bay bổng… Sau này khi sắp nghỉ, anh Hoàng Phong có tặng tôi một tập thơ trong mấy cuốn anh cho in.

Có lẽ với khí chất cẩn trọng và chút chút lãng mạn ấy, ông Giám đốc Hoàng Phong đã vận hành công việc ở NXB Thanh Niên với cung cách ấy? Đầu sách dưới thời ông Hoàng Phong từ năm 1986 đến năm 1997 thì có nhiều nhưng ấn tượng có lẽ là cuốn Dòng Xoáy của Trần Thị Nhật Tân. Tự truyện của một cô giáo dạy văn cấp 2 trải qua vô số bất hạnh không phải số phận hẩm hiu mà hậu quả những đố kỵ ghen ghét trù dập. Dòng Xoáy không phải là hiện tượng văn chương... Không phải là sự đột phá gì về thi pháp tiểu thuyết và những cách tân này khác. Như cung cách của một người kể chuyện có chút duyên, lúc quyết liệt khi nhẩn nha, thư thả. Dòng Xoáy trội nổi lên tư cách công dân của người viết. Nhất là vấn đề, tính thời sự mà không dễ in dễ ra sách vào thời điểm nhạy cảm mà bây giờ người ta vẫn nói là đêm trước đổi mới.

Người trình bản thảo đầu tiên lên Giám đốc Hoàng Phong là Chu Thành, tức Tú Sót, một biên tập viên xuất sắc mà như anh em nói không có bản thảo nào hay bị bỏ quên, không có tài năng nào bị bỏ sót. Tú Sót (ông tú còn sót lại) cũng là một nhân vật thông thạo Hán văn có nhiều giai thoại ở NXB. Bản thảo lại được sự thẩm định thêm của nhà văn Sơn Tùng. Mặc dù tin tưởng nghiệp vụ chuyên môn của anh em nhưng Giám đốc Hoàng Phong đã phải cân nhắc chán chê trước khi ký duyệt cho in.

Sách ra. Nhiều ngàn bản hết vèo. Đông đảo độc giả tìm đến sách sẻ chia với số phận thương cảm của cô giáo Nhật Tân. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc sách gửi thư cho tác giả. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời Nhật Tân đến gặp vv… Tính thời sự cùng tư cách công dân đã tăng thêm sức sống lâu bền của Dòng Xoáy. Năm 2010, Dòng Xoáy được NXB Thanh Niên tái bản có bổ sung vẫn có đông đảo bạn đọc đón nhận.

Có lẽ cái thời các anh Đỗ Văn Thoan, Hoàng Phong trước nữa là Tạ Bảo không phải tất tả khi bập vào thời kinh tế thị trường. Thời mà đến ông Hoàng Tùng khi chuyển từ phụ trách báo Nhân Dân sang làm giám đốc NXB Sự Thật cũng phải xoay xỏa đột phá bằng cách khoán việc chứ không theo phương thức hành chính cứng nhắc, như ông lúc sinh thời từng bộc bạch là quản cái đầu chứ không phải cái đít. Thứ nữa là phải tìm ra các phương thức để bán sách để tăng thu nhập cho cơ quan.

Dưới trào ông Giám đốc Bùi Văn Ngợi, tôi có một bản thảo đưa sang. Ông đã cất công ngồi với tôi và mấy anh em suốt cả một tuần trước những trang bản thảo vốn đã chữa đỏ lòe đỏ loẹt... Mặc dù chỗ quen thân nhưng tôi đã chấp nhận với Bùi Văn Ngợi là ghìm cuốn ấy lại vì ông giám đốc nói là đương thời điểm nhạy cảm.

Trên bàn làm việc dưới trào ông Giám đốc Mai Thời Chính có bức thư pháp của ông Tú Sót tặng Thư khai chân khả ngữ (tạm hiểu mở sách ra là hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu). Ngậm ngùi cái nỗi, ông Tú Sót nay đã là người thiên cổ. Mạo muội nghĩ, những chữ ấy bây giờ có chuyển dịch, thiên di sang cái bàn làm việc của đương kim Giám đốc Đoàn Minh Tuấn cũng là phải nhẽ.

Bởi để mừng và cũng là để răn. Và khuyến khích vậy?

7/2014

(Viết nhân NXB Thanh Niên tròn 60 năm, 14/7/1954-14/7/2014)

Trước đây mỗi năm, NXB Thanh Niên chỉ xuất bản trên dưới 30 đầu sách. Hiện nay trung bình gần 400 đầu sách/năm với nhiều nội dung loại hình, thể loại khác nhau. NXB vốn quen với công tác biên tập và xuất bản nay phải gồng hết công suất từ giám đốc đến nhân viên để bám sát chiếm lĩnh thị trường. Nhưng không phải kinh doanh bằng mọi giá mà hệ thống quản lý NXB, khi thẳng thừng lúc khôn khéo để từ chối những cuốn này khác.