Chuyện người 15 năm đóng vai Bác Hồ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 20 năm theo nghiệp diễn nhưng từ 15 năm nay, nghệ sĩ Minh Hải được nhắc đến nhiều hơn khi hóa thân ấn tượng các vai diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tưởng sẽ bị “đóng khung” với hình tượng Bác Hồ, nhưng ít ai biết nghệ sĩ sinh năm 1979 còn giành được nhiều huy chương từ các hội diễn sân khấu với những vai đa dạng khác.

15 năm vào vai Bác Hồ

Thật khó để bắt Minh Hải nhớ chính xác đã bao nhiêu lần anh vào vai lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Tính sơ cũng phải hơn 50 tác phẩm từ sân khấu, phim điện ảnh, truyền hình cho đến các chương trình nghệ thuật…

Ở thể loại kịch, anh tham gia đóng các tác phẩm, như: “Bác Hồ ra trận”, “Nước mắt giữa rừng Pác Bó”, “Bác không phải là vua”, “Ông Cụ ở quê ra”, “Đêm Giao thừa”, “Bác Hồ chúc Tết gia đình chị Tín”... Ở thể loại phim truyện nhựa, anh hóa thân vào vai Nguyễn Ái Quốc trong phim “Vượt qua bến Thượng Hải”. Ở thể loại phim truyện truyền hình, Minh Hải tham gia “Ý chí độc lập” do Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện.

Chuyện người 15 năm đóng vai Bác Hồ ảnh 1

Nghệ sĩ Minh Hải hóa thân thành hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu

Cơ duyên đặc biệt này đến với anh từ năm 2009, khi anh tham gia ê-kíp sản xuất chương trình sân khấu của VTV. Quá trình dựng vở “Bác Hồ ra trận”, mãi không tìm được diễn viên vào vai Bác. Cuối cùng một người trong đoàn tiến cử luôn... Minh Hải vì thấy ngoại hình anh hao hao.

Sau khi được hóa trang, Hải càng giống Bác khiến đạo diễn gật gù. Khi vào tập trước máy, Hải thoại sang sảng đúng giọng xứ Nghệ khiến đạo diễn thở phào nhẹ nhõm.

Có lợi thế ngoại hình, sau khi hóa trang, Minh Hải được nhận xét khá giống hình tượng Bác Hồ. Riêng về cử chỉ, điệu bộ của Bác, nhờ kinh nghiệm hơn 20 năm diễn xuất nên không phải là thử thách quá lớn với anh. Là người Nghệ An nên việc thể hiện âm sắc của giọng nói miền Trung với Minh Hải cũng không quá khó.

“Cái khó lớn nhất là ở nhiều giai đoạn lịch sử, tư liệu về Bác rất ít để tham khảo. Bởi vậy, tôi phải nghiền ngẫm rất kỹ những tư liệu có được từ ánh mắt, bước đi, đến cốt cách vĩ đại nhưng vẫn giản dị đời thường của Người”, Minh Hải cho biết.

Giai đoạn tham gia phim nhựa “Vượt qua bến Thượng Hải”, anh cũng gặp khá nhiều thử thách. Đoàn làm phim sang Trung Quốc đúng thời điểm lạnh nhất, nhiệt độ có ngày xuống tới -6oC trong khi nhân vật chỉ mặc áo mỏng nên nỗi lo sợ bị vỡ giọng trong khi phim lại thu thanh trực tiếp luôn ám ảnh anh.

Một khó khăn nữa là trong phim có nhiều cảnh Bác trò chuyện bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp. Có đoạn thoại tiếng Trung Quốc dài tới 3 trang rưỡi. Vừa phải nhớ lời thoại, vừa tập diễn xuất, khiến nam diễn viên căng thẳng mất 10 ngày đêm gần như không ngủ.

Sau khi phim hoàn thành, ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó giám đốc phụ trách Hãng phim Hội Nhà văn lúc bấy giờ chia sẻ với báo chí: “Chúng tôi đã không chọn nhầm người khi giao vai cho Minh Hải”.

Còn NSƯT Mỹ Duyên, người cùng đóng với anh trong phim nhận xét: “Minh Hải biết truyền đạt cảm xúc qua đôi mắt, bằng nội tâm, biết cách phối hợp cảm xúc từ bạn diễn. Có thể nói, Minh Hải diễn không chỉ bằng ngoại hình mà bằng cả sự yên mến, tìm tòi sáng tạo và say mê nhân vật mà mình thể hiện”.

Minh Hải bộc bạch: Niềm hạnh phúc nhất khi vào vai Bác Hồ là mỗi khi vở diễn kết thúc, có rất đông khán giả nán lại để chờ đến lượt “chụp ảnh cùng Bác”. Nhiều khi anh đứng đến chùn chân, mỏi gối nhưng trong lòng rất hạnh phúc.

“Có những đêm diễn xong khán giả không về, cứ đứng vỗ tay và gọi “Bác ơi” làm tôi cũng cảm thấy xúc động và nhen nhóm niềm tự hào khó tả. Tôi không dám nhận là thể hiện được giống hay thể hiện thành công hình tượng về Người nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng có cơ hội được hoá thân thành Bác, đó là niềm tự hào rất lớn trong sự nghiệp của tôi”.

Có lần, vừa thấy Bác Hồ xuất hiện, diễn viên đóng bộ đội xúc động khóc đến mức quên mình là diễn viên và thậm chí còn quên cả lời thoại. Chính Minh Hải cũng xúc động đến bật khóc khi diễn nhiều phân đoạn về Người.

Là người thận trọng nên mỗi khi được giao thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Minh Hải sẵn sàng cạo đi mái tóc để bộ phận hóa trang dễ tạo hình hơn, đến nỗi nhiều khi về nhà, mọi người chỉ cần nhìn thấy tóc mới là biết anh sắp được vào vai Bác Hồ.

“Nhà tôi ở khá xa trụ sở Nhà hát. Thường, tôi sẽ tự chạy xe máy đi làm nhưng khi dựng vở về Bác, tôi sẽ đi lại bằng taxi để tránh những va chạm không đáng có, ảnh hưởng tới hình tượng vị lãnh tụ trên sân khấu. Thù lao một đêm diễn có khi chỉ đủ để trả cho chi phí đi lại nhưng tôi đặt sự thành công và an toàn của vai diễn lên hàng đầu”, nam diễn viên thổ lộ.

Nhiều người trong giới kể rằng, nghệ sĩ ham vui, có bù khú rượu chè là lẽ thường tình nhưng Minh Hải thì gần như “đoạn tuyệt” với những thú vui đó. “Khi mình diễn vai Bác, khán giả sẽ biết đến mình, nếu một lúc nào đó họ thấy mình cư xử không hay, nhậu nhẹt bê tha thì mình có xứng đáng với sự lựa chọn được vinh dự thể hiện vai Bác Hồ nữa không”, anh cười phân trần.

Bộ sưu tập huy chương

Gặp vội Minh Hải vào một buổi chiều. Khác với phong thái gọn gàng, chỉn chu thường thấy, nay anh xuất hiện với râu tóc xồm xoàm, hơi... “lôi thôi”. Hóa ra là đang nuôi ngoại hình cho vai diễn mới cho bộ phim truyền hình vừa bấm máy, dự kiến phát sóng trên giờ vàng VTV3 thời gian tới.

Lần này, Minh Hải vào vai một ông bố người Dao cổ hủ, gia trưởng, thậm chí suốt ngày rượu chè,... Nghe anh kể, cũng thấy anh rất tâm huyết với hình ảnh mới mẻ lần này.

Có một sự thật, dù diễn xuất hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất duyên, rất “ngọt” và nhận được nhiều giải thưởng danh giá, tưởng như bị “đóng khung”, nhưng ít ai biết nghệ sĩ Minh Hải cũng giành được rất nhiều huy chương từ các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp với những vai khác rất đa dạng.

Tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, anh gây ấn tượng khi đảm nhận 2 vai diễn trong cả 2 vở kịch của đoàn Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong vở “Điều còn lại”, anh vào vai một ông lão bị què chân, tập tễnh nhưng si tình.

Ở “Thiên mệnh”, anh lại biến hóa thành một vị tướng nổi loạn. Kết thúc hội diễn, 2 vở kịch đều giành Huy chương Vàng toàn đoàn, riêng Minh Hải nhận thêm Huy chương Vàng cá nhân cho vai diễn xuất thần trong “Thiên mệnh”.

Trước đó, năm 2016, anh cũng nhận được Huy chương Bạc (Cá nhân) tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 2, với vai người anh cả cực đoan trong vở “Khát vọng”.

Một năm sau đó, anh tiếp tục nhận được Huy chương Bạc cá nhân tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc “Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân” lần thứ 3 dành cho vai diễn giang hồ. Hải kể, để vào vai diễn này, anh đã phải lang thang khắp chợ Hàng Đào để mua các miếng dán hình xăm về dán kín người, đặc biệt “tậu” hẳn hình một con đại bàng rất to để dán trước ngực.

Không chỉ chăm chút, cầu kỳ cho tạo hình các vai diễn, Minh Hải tâm niệm, cái thần của nhân vật nằm ở ánh mắt. Với vai diễn khác nhau tất nhiên ánh mắt phải biến hoá. Âu cũng là cái nghề đặc biệt vậy.

Minh Hải có khả năng đổi giọng rất thú vị. Cả buổi trò chuyện, anh gây ngạc nhiên cho người đối diện khi vừa nói giọng miền Bắc, thoát cái đã chuyển sang tiếng miền Trung, lúc sau lại ra giọng miền Nam đặc sệt, hứng lên anh hò luôn cả làn điệu dân ca rất mượt mà.

Có lẽ cũng nhờ biệt tài này đã giúp anh “thoát” cả kênh tiếng lẫn kênh hình mỗi khi hoàn thành các vai diễn.

“Tôi tâm niệm đặc ân của người nghệ sĩ là được sống nhiều cuộc đời nhân vật thông qua các vai diễn. Vì thế, phải luôn nỗ lực diễn xuất cho ra cái chất của nhân vật. Nhưng khi hoàn thành thì phải nhanh chóng xả vai để tiếp tục sống với nhân vật khác, dự án khác.

Là nghệ sĩ tôi sợ nhất bị đóng khung vào một dạng vai cố định”, nam nghệ sĩ bộc bạch.

MỚI - NÓNG