Chuyện Mường Nhé, Mường Tè - Kỳ cuối: Yên bình Mường Nhé

TP - Mường Nhé vẫn còn đó bộn bề khó khăn nhưng lớp người trẻ nơi đây đang từng ngày trưởng thành và phấn đấu cho những điều tốt đẹp. Mường Nhé yên bình, mong mãi bình yên để phát triển.  
Đường lên Mường Nhé, Mường Tè. Ảnh: Xuân Ba

Đã thấp thoáng phát lộ vẻ chững chạc của Bí thư trẻ. Ấy là khi Pờ Hùng Sang Bí thư Huyện Đoàn Mường Nhé kể tôi nghe kỷ niệm về người cha Pờ Dần Sinh, về người bác Pờ Sì Tài. Cũng là câu chuyện xen những giai thoại khá ấn tượng về sức khỏe và mưu trí ra sao nên đã diệt được gấu, lừa được cả hổ dữ. Pờ Hùng Sang nhắc tôi nên về Leng Su Sìn. Nhưng bây giờ ở đó chẳng còn cái cảnh như huyền thoại. 

Ấy là cái đoạn ở con suối có tên là Suối Voi ngược lên có một cái mỏ muối. Hằng năm cứ vào độ mùa xuân, cơ man nào là các con thú như voi, gấu, hươu, nai, khỉ, hoẵng… lạ thay có cả hổ dữ nữa kéo về đấy quần tụ. Thì ra chúng đến tha thẩn dọc suối để liếm láp chất muối rỉ ra từ mạch nước suối. 

Lạ nữa, các loài ngày thường vốn một mất một còn ấy rất khó chung sống hòa bình nhưng trong mấy ngày liếm láp chất muối theo bản năng ấy, chúng rất hòa đồng, tuyệt nhiên không xảy ra ẩu đả tranh chấp! Ông bác Pờ Sì Tài nhiều lần chứng kiến cảnh tượng chúng sống hòa bình ấy vốn là tay rất sát thú nhưng không hiểu sao không dám động thủ?

Chất giọng Pờ Hùng Sang đượm vẻ luyến tiếc. Nhưng chả phải luyến tiếc bầy thú từng nhởn nhơ vô sự, mà luyến tiếc cái thời chưa lâu lắm mới vài chục năm trước thôi. Rừng già Mường Nhé còn ken dầy các loại tứ thiết quý giá. Và ngày đó môi sinh Mường Nhé, hệ sinh thái đất rừng quê hương hẵng còn phong phú xôm tụ những tố chất yên lành. 

Xứ đất lành ấy còn dung chứa rủ rê bao thứ muông thú về quây tụ sinh sống mà bây giờ đã nghèo kiệt, trống hoác  tan hoang. Vào đầu những năm 1980, rừng Mường Nhé giữ kỷ lục trên cả nước, với diện tích được khoanh nuôi bảo vệ hơn 310.000ha. Cán bộ bảo tồn từng ước tính những đàn voi đủng đỉnh dọc ngang  khắp Mường Nhé khoảng 250 con; đàn bò tót khoảng 300 cá thể; nai, hoẵng, sơn dương, cầy cáo thì không đếm xuể.

Thế nhưng, đến nay, kho báu thiên nhiên ở khu bảo tồn Mường Nhé và vùng lân cận đã và đang bị tàn sát đến khó tin.

Đến năm 2009, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn có 45.000ha. Trừ một số diện tích bị cắt sang Mường Tè (do quá trình tách huyện) thì mấy trăm nghìn hécta rừng đã bị phá, nói đúng hơn, vì khu bảo tồn hơn ba trăm nghìn hécta kia bị rỗng ruột từ rất lâu, nay đang tiếp tục bị lâm tặc xẻ thịt...

Với chất giọng luyến tiếc xót xa ấy, Pờ Hùng Sang từng kể câu chuyện đẹp như huyền thoại về suối Voi ấy cho nhiều, rất nhiều người trẻ Mường Nhé nghe để động viên họ cùng mình bắt tay vào công cuộc gây dựng lại môi sinh cùng hệ sinh thái do con người tàn phá chỉ mới mấy chục năm trước…

Lần trước để đến được Sín Thầu, tôi theo đường trường 500 km từ Hà Nội lên thành phố Ðiện Biên Phủ, rồi tiếp tục chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260 km nữa mới vào huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Lần này, tiện và nhanh hơn là theo đường Nội Bài - Lào Cai vuột lên Điện Biên ngược lên Phong Thổ tuột về Mường Nhé. 

Từ đó lần về A Pa Chải của Sín Thầu có địa danh gắn liền với cột mốc số 0 (không số). Cột mốc là ngã ba biên giới của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.

Trao quà Tết ở Chà Cang.

Lần này lên Sín Thầu chân yếu nên không vui chân ngược dốc đến cột mốc số 0 như mấy bạn trẻ khác, tôi ghé đồn biên phòng A Pa Chải rồi theo mấy chiến sĩ ra cột mốc số 3 gần đó. Cột mốc mà trong câu chuyện với Bí thư huyện Đoàn Mường Nhé Pờ Hùng Sang có kể thường xuyên dân quân Sín Thầu phối hợp với đồn Biên phòng A Pa Chải làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ. Quấn quýt theo chân hai chiến sĩ biên phòng không phải thứ cảnh khuyển hùng dũng dữ dằn nào cả mà là một chú chó nhỏ màu trắng lũn cũn trông rất đáng yêu có tên là Vịt. Phải cái dáng thấp bé lại là chó cảnh nên có cái tên ấy?


 Bên cột mốc số 3 là chợ đường biên với Long Phú của huyện Giang Thành Vân Nam. Bữa nay không nhằm đúng phiên chợ nên các sạp hàng người thưa thớt. Bất đồ bên trong một sạp hàng của người Trung Quốc một chú chó đen trũi  phóng ào ra quấn lấy con Vịt. Tôi hoảng hồn đợi chờ một cuộc ẩu đả không cân sức và một kết cục ai oán. 

Nhưng kìa, lạ chưa, con to đen con trắng nhỏ nhắn thoắt quấn quýt rồi cùng vô tư lon ton bên nhau.  Trung úy Thắng cười cho tôi biết, Vịt lâu nay theo chiến sĩ ta ra chợ đường biên chơi rồi dần dà quen hơi với với chú khuyển xù đen của chủ là người Trung Quốc bề ngoài trông dữ tợn kia!

Những dãy ki-ốt nếu đúng vào các ngày 3, 13 và 23 dương lịch, cũng là những ngày mở lối cửa khẩu như anh Thắng cho biết là chợ đường biên khá tấp nập.  Hàng Trung Quốc chủ yếu là đồ điện gia dụng và sản vật rau củ quả. Sạp hàng bên ta bánh kẹo, thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, chè Thái Nguyên… Các loại gạo, gà vịt, thảo quả, dao cuốc của người Hà Nhì Sín Thầu làm ra cũng được người Trung Quốc rất chuộng.

Xoài người bên khoảng cỏ may của chợ kề ngay bên cột mốc số 3 màu trắng xám có chiều cao 1,2m, dày 3cm được xây hơn mười năm nay, cả nhóm công tác thay nhau lựa đủ hai mặt của cột mốc để chụp hình. Trời chiều mây trắng sà xuống. Mây quan ải. Màu mây biên tái nhưng không nhuốm vẻ bi ai của chia ly tiễn biệt và cảnh vật bên cột mốc quá đỗi thanh bình. 

Người buôn bán niềm nở trao đổi. Còn kia, hai chú chó đang quấn quýt. Đường lên cột mốc của hai bên đã bớt diệu vợi. Mong sao dài mãi, trường tồn mãi cảnh thanh bình để chợ đường biên này thành  một trung tâm thương mại sầm uất A Pa Chải Sín Thầu- Long Phú Giang Thành người khang vật thịnh.  

Những con số khiêm nhường mà ấn tượng

Năm 2016 huyện Đoàn triển khai Chương trình hành động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị số: 42 - CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2030”. 

Trong năm 2016, huyện Mường Nhé đã thành lập mới được 16 chi đoàn (Mường Toong, Mường Nhé, Leng Su Sìn, Sen Thượng,  Huổi Lếch…) nâng tổng số chi đoàn lên con số 226. Cũng trong năm này thành lập 16 chi hội nâng tổng số chi hội hiện tại trong toàn huyện lên 107 với 2.589 hội viên. Huyện Đoàn phối hợp với Ban An toàn giao thông triển khai các hoạt động tuyên truyền đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2015 - 2017 với 31 lượt, thu hút hơn 3.056 ĐVTN tham gia trong toàn huyện.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “ĐVTN phấn đấu trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp bộ Đoàn trong việc chủ động chăm lo, bồi dưỡng đào tạo nguồn phát triển Đảng viên cho Đảng và tạo phong trào thi đua lao động, học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên. 

Các cơ sở  Đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên ưu tú, phát triển đảng viên trẻ gắn với giao nhiệm vụ để rèn luyện. Huyện Đoàn cũng đã đứng ra tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa cấp ủy Đảng với đoàn viên để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và định hướng tư tưởng, động cơ phấn đấu đúng đắn cho ĐVTN. Năm 2016, có 236 đoàn viên ưu tú được giới thiệu đi học lớp tìm hiểu về Đảng, 114 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng...

Theo nhận xét của những người làm công tác Đoàn ở đây, thì lớp trẻ còn bộc lộ nhiều hạn chế, như: Số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn còn ít, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số. 

Họ phải lo mưu sinh, miếng cơm manh áo thường trực nên rất ít quan tâm việc tham gia các phong trào và sinh hoạt Đoàn tại cơ sở. Một số tổ, đội thanh niên xung kích hoạt động hiệu quả thấp, do chưa đầu tư sâu vào đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, kinh phí hoạt động không đủ để tổ chức các hoạt động thường xuyên.