> Rời lao lý đến với áo xanh - cuộc 'lột xác' đáng ngưỡng mộ
Thượng sĩ Nguyễn Quang Thuấn tại trụ sở làm việc. Ảnh: Tuấn Nguyễn. |
Tỉnh dậy thấy mình nằm trong phòng cấp cứu
Ở phòng Cảnh sát PC&CC Bắc Thăng Long có tấm gương điển hình là Thượng sĩ Nguyễn Quang Thuấn (SN 1990, trú tại Tiên Tảo, Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội).
Công việc chính của Thuấn là phụ trách thông tin. Tuy nhiên, một khi tham gia chữa cháy, Thuấn l sẵn sàng hỗ trợ anh em ở các bộ phận để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Rạng sáng 23 tháng Chạp tết 2010 (tức 27-1-2011). Khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, bất chợt còi báo động hú vang:có vụ cháy xảy ra ở chùa Linh Sơn Tự (chùa Tảo Sách, địa chỉ 386 Lạc Long Quân, phường Nhật Tân, Tây Hồ).
Xe cứu hỏa cấp tốc đến hiện trường. Khi tới nơi, toàn bộ tòa Tam Bảo của chùa đang bốc cháy dữ dội. Gió thổi mạnh càng khiến cho lửa lan nhanh.
Trong chùa chủ yếu là sách, đã bị lửa thiêu rụi. Do vậy công việc chính của lực lượng là phải chống cháy lan, chữa cháy ở chính diện ngôi chùa. “Sau khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn, tôi cùng hai chiến sĩ Đỗ Mạnh Đức (SN 1987) và Nguyễn Tuấn Anh (SN 1990) được lệnh đi vào dập than, gạn tàn tro. Sau khi cào hết than ra, chỉ huy lệnh rút lui. Vừa quay ra bất ngờ một trụ bê tông đổ xuống khiến cả ba bất tỉnh” - Thuấn nhớ lại.
“Lúc tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên giường bệnh. Lúc đó tôi vẫn chưa thể nhớ chuyện gì đã xảy ra. Do vết thương nặng nên tôi được chuyển sang BV Việt Đức điều trị khoảng 10 ngày, sau chuyển sang viện 19-8 điều trị khoảng 2 tháng” – Thuấn kể tiếp.
Nghề chữa cháy luôn đối mặt với những hiểm nguy khó lường. Ảnh: T.N. |
Cột bê tông quái ác đã khiến Thuấn bị vỡ xương chậu, đứt ruột và vỡ bàng quang. Đến cả gia đình, người thân và lãnh đạo, anh em trong đơn vị đều nghĩ Thuấn khó thể qua khỏi. “Bác sĩ trực tiếp mổ đã thông báo với gia đình rằng nếu mổ từng bộ phận một thì sẽ rất lâu. Do vậy phải mổ cùng lúc, nhưng tỷ lệ an toàn rất thấp. Ca mổ diễn ra 21h hôm đó cho tới 8h hôm sau ca mổ mới kết thúc. May mắn làm sao tôi đã qua cơn nguy kịch” – Thuấn xúc động nhớ lại.
Ngày 4-5-2012, Thượng sĩ Thuấn đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hiện Thuấn đang đi học tại chức Trung cấp CS PC&CC để nâng cao nghiệp vụ, phục vụ lâu dài, trở thành cán bộ chủ chốt sau này.
Chỉ huy chữa cháy đấu trí với “biển lửa”
Hai mươi năm công tác trong ngành, Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC Hoàng Mai, Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội luôn đảm đương tốt công việc ở từng bộ phận khác nhau. Từ việc trực tiếp cầm vòi lăng chữa cháy, làm công tác chính trị, đoàn thể cho tới khi lên làm chỉ huy. Nhiều năm liền, anh được tuyên dương, đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của ngành PC&CC Hà Nội.
“Một người lính chữa cháy trước đám cháy phải biết nhìn nhận tình hình, xác định được khả năng sụp đổ của khấu kiện, sức chịu lực của tầng nhà như thế nào, nung nóng bao nhiêu tiếng, có nên cho cán bộ chiến sỹ vào không, một số chất cháy chứa hóa chất thì có được phun nước vào không…?” – Thiếu tá Thắng chia sẻ.
Khi đã bắt tay vào cuộc, lực lượng chữa cháy phải dốc toàn tâm, toàn trí, toàn lực vào việc cứu người, dập tắt đám cháy nhanh nhất, hiệu quả nhất. Hiệu quả cao nhất ở đây là phải cứu được người bị nạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước.
Nhớ lại trận cháy lịch sử tại chợ Đồng Xuân tháng 7-1994, Nguyễn Văn Thắng khi ấy mới vào nghề được 2 năm coi đó là kỉ niệm không thể nào quên trong sự nghiệp.
Vụ nổ gas, sập nhà khiến hai cháu bé tử vong ở phố Tạ Quang Bửu vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Ảnh: T.N. |
Ấy là vào khoảng 22h35’ ngày 14-7-1994, ngọn lửa bắt đầu bùng lên tại một ki-ốt bán quần áo và tạp hoá ở cửa số 7 chợ Đồng Xuân. Khi anh Thắng cùng đồng đội tới nơi, cả chợ Đồng Xuân đã biến thành biển lửa, không khác nào một “lò bát quái” khổng lồ.
“Sức nóng của đám cháy mạnh đến mức rát người dù đứng cách xa hàng chục mét. Anh em trong đội vừa chữa cháy vừa phải dùng nước dội vào người thường xuyên để làm mát. Càng vào trong, mình mới cảm nhận được sự vất vả bởi khí nóng, khói mù mịt, anh em phải lần nhau bằng đường vòi để đi vào, đi ra” – anh Thắng nhớ lại.
Ngoài phương tiện trang thiết bị còn thô sơ, hạn chế, một khó khăn đối với lực lượng chữa cháy lúc đó là thiếu nước. Lực lượng cứu hoả đã phải ra tận hồ Gươm để hút nước mang về phục vụ cuộc chiến chống lại ‘bà hỏa’ đang hoành hành dữ dội
“Ba ngày ròng rã chữa cháy, anh em trong đội có lúc phải ăn xôi, bánh mì và nước lọc. Những lúc quá mệt mỏi, mọi người phải thay nhau, tranh thủ trèo lên xe chữa cháy để ngủ, mỗi giấc ngắn ngủi chỉ 10-15 phút nhưng rất ngon lành và quý giá. Cảm giác đó đến bây giờ vẫn không thể quên” – Thiếu tá Thắng nhớ lại.
Thiệt hại, mất mát do vụ cháy gây ra quá lớn, ước tính hơn 300 tỉ đồng. Hàng loạt tiểu thương khóc mếu vì hàng hoá, vàng bạc của họ đã bị thiêu rụi, tan chảy trong biển lửa. Nhiều gia đình đã trở thành trắng tay sau vụ hỏa hoạn. Những giọt nước mắt của họ đã trở thành nỗi ám ảnh và là điều khiến người lính cứu hỏa Nguyễn Văn Thắng đến giờ vẫn còn day dứt.
Những tưởng sẽ không còn vụ nào đau thương như thế, sau 20 mươi năm, vụ nổ khí gas trên phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng) khiến 2 cháu bé tử vong lại khiến các anh quặn lòng.
Do ngôi nhà bị nổ, sập nằm sâu trong ngõ, mặt trước lại bị bể nước án ngữ nên xe cứu hộ và cần cẩu không thể tiếp cận được hiện trường. Thiếu tá Thắng xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Sở, chỉ huy anh em cắt phá bê tông, dò tìm hai cháu bé đang bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Sau gần hai tiếng tìm kiếm, cắt được 2/3 trần bê tông, lực lượng chức năng mới tìm thấy bé trai đang bị đè dưới lớp chăn màn, quần áo, tủ bàn, bê tông lẫn lộn…Mồ hôi rơi lả tả trên gương mặt người chỉ huy cũng như toàn thể lực lượng cứu hộ.
Cháu bé ngay lập tức được chuyển tới bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do bị ngạt quá lâu nên cháu đã tử vong.
Lực lượng cứu hộ lại phải dồn sức cứu cháu thứ hai. Tuy nhiên, cháu gái lại nằm trong góc, bị thang và bê tông đè lên nên buộc lực lượng phải đưa máy cắt vào nên lâu hơn.
“Xác định tinh thần là đưa cháu bé là một cách nhanh nhất nhưng không dám nói là tình trạng nào. Bản thân vẫn luôn đặt hy vọng và cố gắng hết sức, nếu như cứu sống được cháu thì thực sự là một niềm hạnh phúc của lực lượng. Nhưng khi đưa hai cháu ra đã tử vong, lực lượng rất đau lòng vì không còn cách nào khác, đó là điều không ai mong muốn” – Thiếu tá Thắng buồn thương nhớ lại.
Sau sự việc hôm ấy, anh lại trăn trở, suy nghĩ. “Giá như trang thiết bị tốt hơn, có camera dò tìm thì việc xác định vị trí cháu bé sẽ sớm hơn, công tác cứu hộ sẽ được triển khai nhanh hơn” – Người chỉ huy tiếc nuối.
“Người dân đôi khi có quan niệm là lực lượng PCCC rất nhàn nhưng thực ra không phải như vậy. Muốn không có cháy nổ xảy ra thì phải thường xuyên làm tốt công tác phòng cháy, thường xuyên phải hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền về công tác PC&CC. Đặc biệt là kiến thức về điện, khí hóa lỏng, đốt vàng mã…” – Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng bộc bạch.