Chuyên gia Trung Quốc nói gì về 'Chiến lược không quân chung' của NATO

Chuyên gia Trung Quốc nói gì về 'Chiến lược không quân chung' của NATO
TPO - “Chiến lược không quân chung” NATO công bố lần đầu hồi cuối tháng 6 sẽ thay đổi cách thức hoạt động của không quân liên minh quân sự này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Mu XiaoMing nhận định.

Chiến lược mới này nhấn mạnh vai trò của không quân trong thực hiện các nhiệm vụ của NATO như phòng thủ chung, kiểm soát các mối đe dọa và hợp tác an ninh. Đồng thời đánh giá rằng thời kỳ ưu thế trên không của NATO đã kết thúc, tên lửa hành trình, tên lửa diệt hạm, hệ thống phòng thủ hiện đại, tác chiến mạng và tác chiến điện tử của đối thủ tiềm năng sẽ trở thành những thách thức đối với không quân NATO và có ảnh hưởng lâu dài tới ổn định, an ninh Châu Âu và khu vực Đại Tây Dương.

Mu XiaoMing cho rằng, chiến lược này rõ ràng là nhằm vào Nga. Kể từ năm 2016, NATO đã triển khai các lực lượng liên quân ở các nước Baltic, Ba Lan và Rumani, xây dựng thế gọng kìm từ Biển Baltic đến Biển Đen. Đồng thời tăng cường triển khai lực lượng trên biển ở Đại Tây Dương, đổi mới bộ máy chỉ huy NATO. Theo bản ghi nhớ Hội nghị bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên NATO, sẽ tái thành lập Bộ tư lệnh Đại Tây Dương của NATO và Hạm đội 2 của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện ở khu vực này.

Tuy nhiên, những đổi mới đó không thể thay đổi thực tế là các nước NATO không đủ quân để triển khai. Tính đến nay, NATO chỉ có khoảng 32.000 binh lính và 130 xe tăng ở Đông Âu. Trong khi đó, Nga đã triển khai khoảng 78.000 binh lính và 750 xe tăng.

Ưu thế của NATO là có thể nhanh chóng tập kết 5000 máy bay chiến đấu hiện đại chi viện cho Đông Âu và khu vực biển Baltic, gấp gần 4 lần số chiến đấu cơ của Nga ở khu vực này. Tuy nhiên, khoảng 350 tổ hợp phòng không tầm trung và tầm xa của Nga được triển khai ở khu vực này sẽ thu hẹp đáng kể hành lang an ninh trên không của không quân NATO.

“Chiến lược không quân chung” là một chiến lược không quân đầu tiên được xây dựng kể từ khi NATO thành lập đến nay, nó chỉ ra rằng lực lượng trên không phát huy được hiệu quả phụ thuộc lớn vào sức mạnh của hệ thống chỉ huy và kiểm soát mạng. Lực lượng không quân của NATO bao hàm hành động chung của các lực lượng trên không, trên biển, mặt đất, mạng và vũ trụ, do đó chiến lược này không chỉ đòi hỏi lực lượng trên không phải có mặt ở mọi khu vực mà còn đòi hỏi có sự hỗ trợ của các lực lượng đặc nhiệm, trên biển, mạng.

Tuy nhiên vấn đề nội tại của NATO là mâu thuẫn giữa sự phân bố lực lượng và mục tiêu toàn cầu hóa. NATO không đủ ngân sách quốc phòng để thực hiện “chiến lược không quân chung”, trong khi đó tăng ngân sách quốc phòng của các thành viên lên 2% GDP không phải chuyện một sớm một chiều.

Có thể thấy, không quân NATO phát triển thế nào trong tương lai không chỉ phụ thuộc vào chiến lược toàn cầu và thực lực quân sự, chính trị của Mỹ và Châu Âu, mà còn được quyết định bởi quan hệ chiến lược giữa NATO và Nga, cũng như những ảnh hưởng của các nhân tố quốc tế khác.

Theo Global Times
MỚI - NÓNG