Việt Nam từng phải hứng chịu nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh nên giờ đây đất nước này tăng cường vai trò chính sách đối ngoại đối với hợp tác hòa bình, ổn định và độc lập.
Tầm quan trọng của Việt Nam trong vấn đề an ninh quốc tế tăng mạnh kể từ Thượng đỉnh APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương) ở Đà Nẵng năm 2017, khi Việt Nam tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều nhà lãnh đạo khác trong khu vực. Dù cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ở Hà Nội năm 2019 không đạt được thỏa thuận, nhưng đã đưa Việt Nam vào tâm điểm vai trò kiến tạo hòa bình.
Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận về quỹ đạo tự do hóa thị trường, đạt được thành tựu kinh tế-xã hội ấn tượng với tăng trưởng GDP cao, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Dù nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của LHQ, luôn nỗ lực vì mục tiêu cao quý của LHQ là xây dựng một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển.
Năm 2007, Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 với số phiếu cao 183/190. “Trong nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam được Mỹ đánh giá cao về những đóng góp tích cực và sự bỏ phiếu sát sao với các vấn đề trọng yếu như không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố”, Giáo sư Carlyle Thayer (Đại học New South Wales, Úc) khẳng định.
Với tư cách thành viên không thường trực Hội động Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam được chờ đợi thể hiện tiếng nói ngày càng trọng lượng ở ASEAN cũng như của khối này. Việt Nam sẽ đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thể hiện các kỹ năng ngoại giao mềm.