Chuyện của những tổng phụ trách Đội: Thắp lửa yêu thương

Thầy Nguyễn Hữu Trí hướng dẫn đội viên đeo khăn quàng đỏ. Ảnh: NVCC
Thầy Nguyễn Hữu Trí hướng dẫn đội viên đeo khăn quàng đỏ. Ảnh: NVCC
TP - Nhờ có những người thầy tổng phụ trách Đội tận tụy, với tình yêu thương vô điều kiện mà những học sinh cá biệt, lầm lỡ đã tìm được con đường sáng, trở thành những người tử tế, có ích cho xã hội.

Cảm hóa học sinh cá biệt

Nguyễn Thị Ngọc là một học sinh nữ cá biệt của trường. Ngọc sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố chuyên cho vay nặng lãi. Mẹ ruột Ngọc lấy chồng khác và đi định cư ở nước ngoài khi em đang học cấp 1. Ngọc sống cùng vợ hai của bố. Lên cấp 2, đi học, Ngọc trở lên ngỗ ngược luôn thể hiện “đàn chị” ngay cả với đám con trai.Ngọc thường xuyên gây rối, đánh học sinh trong trường, học tập chểnh mảng. Ngọc cũng thường xuyên bị nhà trường bêu tên nhưng vẫn tính nào tật nấy.

Thầy Nguyễn Hữu Trí, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với vai trò của một giáo viên tổng phụ trách Đội, thầy tìm cách tiếp cận Ngọc để tìm hiểu về cuộc sống của em. Tiếp xúc với Ngọc thầy mới biết trong gia đình không ai quan tâm, hiểu em, mặc dù thường xuyên được gia đình cho tiền tiêu.Sau một thời gian, thầy Trí đã thuyết phục được Ngọc, được em tin tưởng xem như một người bạn thân. Thầy Trí còn được Ngọc cho số điện thoại “bí mật” mà ngay cả bố Ngọc cũng không biết.

Một lần, bị bố và mẹ kế chửi đánh, Ngọc uất ức bỏ nhà ra đi. Bố Ngọc đi tìm nhiều ngày, nhờ cậy tất cả các mối quan hệ vẫn không thấy Ngọc đâu, đã tìm đến thầy Trí nhờ giúp đỡ. Liên hệ được với Ngọc qua số điện thoại “bí mật”, thầy Trí biết được em đang ở Củ Chi(TPHCM). Thầy thuyết phục gặp nhưng Ngọc nhất quyết không chịu vì sợ bố đi theo nhờ “đàn em” bắt về. 

“Sau khi tôi giải thích cho em thấy được cuộc sống bên ngoài rất phức tạp lại không có gia đình, người thân; con gái chưa đến tuổi trưởng thành, không có tiền... rất nguy hiểm, Ngọc mới đồng ý cho riêng tôi gặp mặt nói chuyện”, thầy Trí kể lại. Một mặt thuyết phục Ngọc, mặt khác thầy Trí làm công tác tư tưởng đối với gia đình em để họ hiểu hơn về tính cách, tâm tư của con, cách ứng xử làm sao cho Ngọc không bị tổn thương. 

Sự nỗ lực của thầy Trí đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Ngọc trở về với gia đình và học tập tốt hơn. “Sau khi ra trường, em không gọi tôi bằng thầy nữa mà gọi tôi là ba nuôi. Ngọc hiện là sinh viên năm thứ ba, trường đại học Quốc tế miền Đông”, thầy Trí cho biết.

Từ câu chuyện của Ngọc, thầy Nguyễn Hữu Trí luôn trăn trở trước tình trạng bạo lực học đường, nhiều khi chỉ vì một câu nói nảy sinh mâu thuẫn, đánh nhau. Thầy Trí đã xây dựng mô hình “Kỹ năng giải quyết xung đột” tại liên đội THCS Nguyễn Thị Minh Khai, cung cấp các kỹ năng kiểm soát cơn giận và kỹ năng thương lượng vì sự bình an của đôi bên. Với mô hình này, thầy Trí phối hợp với nhà trường, cha mẹ học sinh, công an phường kịp thời răn đe, giáo dục, định hướng những học sinh có biểu hiện thiếu chuẩn mực. Nhờ đó, những năm qua, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những điểm sáng về trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Chuyện của những tổng phụ trách Đội: Thắp lửa yêu thương ảnh 1 Thầy Trần Kiêm Ngẫu hướng dẫn các em đội viên thực hiện nghi thức đội. Ảnh: NVCC

Lan tỏa ngọn lửa thiện lương

Thầy giáo Trần Kiêm Ngẫu, trường Tiểu học Hương Vân (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) có dáng người gầy nhỏ, khắc khổ. 24 năm làm giáo viên tổng phụ trách Đội ăm ắp những kỷ niệm vui buồn nhưng với thầy Ngẫu, cậu học trò Trần Đình Lộc là một dấu ấn của đời giáo viên.

Lộc sinh ra trong một gia đình nghèo, lên 8 tuổi mới vào học lớp 1. Năm lên lớp 5, mẹ Lộc qua đời, gia đình em càng rơi vào cảnh bĩ cực. Không giống như bạn bè đồng trang lứa, ngoài buổi học trên lớp, ngày nghỉ học, Lộc phải theo bố ra biển đánh cá thuê. Nhiều lần Lộc có ý định bỏ học, thầy Ngẫu là người luôn sát cánh động viên, hỗ trợ em không dang dở con đường học hành. Lộc học lên cấp II, thầy Ngẫu vẫn dõi theo, hỗ trợ em. Đầu năm học lớp 8, bố của Lộc bị tai nạn, phải nằm viện dài ngày. Kinh tế gia đình kiệt quệ, Lộc quyết định bỏ học hẳn.

Bẵng đi thời gian, bỗng một ngày thầy Ngẫu nhận được tin về cậu học trò cũ: Lộc bị kết án 1,5 năm đi trại cải tạo chỉ vì xích mích, đánh nhau với thanh niên trong làng. “Tôi còn nhớ rất rõ, đêm hôm ấy trời khá khuya, tôi đang soạn giáo án thì hai cha con Lộc xuất hiện trước cửa phòng. Sau lời chào, bố Lộc nói đến chào thầy để Lộc trốn đi Nam”, thầy Ngẫu kể lại.

Cả đêm hôm ấy thầy Ngẫu thuyết phục hai bố con để Lộc đi trại cải tạo. Nghe lời thầy, Lộc đồng ý vào trại cải tạo. Hơn một năm sau, Lộc ra trại và người đầu tiên em tìm gặp là thầy giáo Trần Kiêm Ngẫu. “Lúc đó, Lộc vẫn còn khoác trên vai chiếc ba lô xẹp, lao vào ôm chầm lấy tôi. Hai thầy trò ôm nhau khóc như con trẻ”, thầy Ngẫu nhớ lại và cho biết Lộc hiện làm cho doanh nghiệp tư nhân, thu nhập khá và thường xuyên đến thăm thầy. 

Năm nay, thầy Ngẫu đã 49 tuổi nhưng vẫn dành trọn đam mê, nhiệt huyết với nghề.“Không ai khác, chính Lộc và các em đội viên đã giúp tôi thấy được chiếc khăn quàng trên vai người phụ trách Đội có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Đến bây giờ tuy tuổi không còn thích hợp với vai trò của một tổng phụ trách Đội, nhưng tôi vẫn yêu chiếc khăn quàng đỏ”, thầy Ngẫu chia sẻ.

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư:

Truyền cảm hứng sống nhiệt huyết, cống hiến

Cánh én hồng là giải thưởng cao quý của Hội đồng Đội T.Ư nhằm tôn vinh đội ngũ giáo viên tổng phụ trách Đội có nhiều đóng góp, cống hiến cho công tác Đội, phong trào thanh thiếu nhi, giai đoạn 2013 - 2018. Đây cũng là những điển hình có sáng kiến, mô hình hoạt động Đội sáng tạo, đã áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục.

“Họ là những người cống hiến hết mình cho công việc, luôn sẵn sàng đi sớm, về muộn, hy sinh cả ngày nghỉ, ngày lễ. Các anh chị là người thiết kế, tổ chức hầu hết các hoạt động của thiếu nhi trong nhà trường, giúp các em học sinh có nền tảng tri thức, kỹ năng để phát triển toàn diện. Dù mỗi người ở một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau nhưng giáo viên tổng phụ trách Đội cùng chung niềm đam mê vô điều kiện với nghề, đã truyền cảm hứng sống nhiệt huyết, cống hiến vì các em học sinh, vì thế hệ tương lai của đất nước”, anh Nguyễn Ngọc Lương nói.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.