Chuyện chiếc vương miện và giải thưởng của Hoa hậu

Chuyện chiếc vương miện và giải thưởng của Hoa hậu
TP - Năm 1988, Bùi Bích Phương đăng quang Hoa hậu Hội báo Tiền Phong, được trao vương miện mua ở Hàng Đào- và giải thưởng là chiếc xe đạp Mifa trị giá 4 chỉ vàng. Từ đó đến nay, giải thưởng và vương miện của hoa hậu là câu chuyện dài...

Từ vương miện mua ở Hàng Đào và xe đạp Mifa

Năm 1988, Hoa hậu Hội báo Tiền Phong - cuộc thi hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức, nó mới lạ đến nỗi Ban tổ chức không biết tìm đâu ra chiếc vương miện để trao cho người đẹp sẽ đăng quang trong đêm chung kết.

Ngoài thị trường không hề sản xuất hay bán vương miện. Cựu Tổng biên tập Dương Xuân Nam - ngày đó là Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi, nhớ lại:

“Năm ấy có cuộc thi Hoa hậu Thế giới, người đăng quang là Hoa hậu Thái Lan. Tôi phải sang Fafilm, mượn cuốn băng đêm chung kết để nghiên cứu kỹ vương miện. Muốn mượn cuốn băng ấy phải có chữ ký và đóng dấu đỏ của người có trách nhiệm.

Nhìn thấy vương miện trên màn ảnh rồi, nhưng không biết đặt đâu làm, vì thời điểm đó không sẵn các tiệm chế tác trang sức. Tôi lo quá, chẳng lẽ hoa hậu đăng quang mà không có vương miện? Ban tổ chức chia người đi lùng mua vương miện khắp Hà Nội.

Cuối cùng thì cũng tìm được một chiếc ở phố Hàng Đào. Chiếc vương miện ấy của một người đi Pháp mang về làm kỷ niệm. Nó cũng khá giống vương miện của Hoa hậu Thế giới người Thái Lan.

Đêm chung kết Hoa hậu Hội báo Tiền Phong năm 1988, chiếc vương miện mua được ở phố Hàng Đào được trao cho Bùi Bích Phương. Lần đầu trao vương miện, ông Dương Xuân Nam hồi hộp quá đã làm rơi, may mà chỉ rơi lên áo của Bùi Bích Phương, không ai nhìn thấy.

Giải thưởng cho tân hoa hậu lúc bấy giờ là chiếc xe đạp Mifa trị giá 4 chỉ vàng do một hãng nước ngoài tài trợ. Phương mang chiếc xe về, quý lắm, không dám đi, cứ treo ở tầng hai, khách đến mỗi người… sờ một tí.

Nhưng rồi chiếc xe bị trộm nẫng mất, Phương tiếc ngẩn ngơ. Cô ấy từng nói, bây giờ nếu mất nhiều tiền để chuộc lại chiếc xe đạp ấy, cô cũng sẵn sàng.

Giải thưởng của á hậu năm 1988 cũng do nước ngoài tài trợ. Lúc đó, có đến 20 nhà báo túc trực theo dõi cuộc thi Hoa hậu của báo Tiền Phong, như một dấu hiệu đổi mới của xã hội Việt Nam. Nhưng báo chí trong nước ít đưa tin, một số tờ báo viết bài đánh.

Đến năm 1989 bắt đầu loạn thi hoa hậu. Khắp nơi thi nên vương miện bán đầy thị trường, thường từ TP Hồ Chí Minh đưa ra. Những cuộc thi sau, BTC thường đặt làm ở Hồng Kông và Thái Lan.

Giá trị giải thưởng ngày càng cao. Giải năm 1992 là mấy chục triệu đồng, rất lớn vào thời điểm ấy. Đến mức báo chí lúc đó làm ầm lên rằng giải thưởng dành cho khoa học công nghệ thì bèo bọt mà giải thưởng cho người đẹp lại to quá”.

Tới vương miện bằng vàng và giải thưởng 500 triệu đồng

Đến năm 2008, vương miện Hoa hậu Việt Nam thực sự “lên đời”. Công ty vàng bạc SJC tài trợ chiếc vương miện do họ chế tác bằng vàng và đá quý trị giá hàng trăm triệu đồng.

Riêng vàng gắn trên đó đã hơn 6 lượng, do nghệ nhân Nguyễn Sinh Thành- Giám đốc xưởng sản xuất nữ trang SJC thiết kế và chế tác theo phong cách vừa hiện đại vừa truyền thống.

Hiện đại ở góc độ giống vương miện của các cuộc thi Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Quốc tế; nhiều đá quý, vững chắc, khít khao với vòng đầu của người đẹp.

Tính truyền thống thể hiện ở cánh sen - loài hoa tượng trưng cho sự thanh cao trong trắng của người đẹp - trên đầu vương miện. Dưới chân là dòng chữ Hoa hậu Việt Nam - Báo Tiền phong tổ chức.

Ngoài bản gốc còn có một phiên bản bằng bạc, nhưng để cạnh nhau thì rất khó phân biệt. Chỉ khác là bản gốc nặng hơn vì được làm bằng vàng.

Chiếc vương miện được bảo vệ cẩn mật trong két sắt của ngân hàng BIDV, khi đưa đến đêm chung kết cuộc thi hoa hậu phải có xe công an hộ tống. Vương miện được trao cho tân Hoa hậu Thùy Dung.

Ông Dương Xuân Nam nhớ lại: “Những lần trao trước đây, vương miện nhẹ lắm. Nhưng khi tôi trao vương miện bằng vàng và đá quý cho Thùy Dung, nó nặng không ngờ nên tôi đã làm rơi”.

Năm đó, giải thưởng dành cho Thùy Dung là 250 triệu đồng. Năm 2010 ngoài vương miện luân lưu, giải thưởng cho tân Hoa hậu Đặng Ngọc Hân là 500 triệu đồng chưa kể quà tặng của nhà tài trợ.

Phóng viên đã vào căn phòng cất giữ chiếc vương miện quý ấy trước đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012.

Vương miện ánh lên màu sắc của vàng và đá quý, cầm lên cảm nhận rõ giá trị cũng như sức nặng của danh hiệu Hoa hậu Việt Nam. Vương miện đã sẵn sàng để trao cho người xứng đáng, sẽ được xướng tên trong buổi tối nay.

Chuyện chiếc vương miện và giải thưởng của Hoa hậu ảnh 1
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.