Chuyển biến tích cực trong thủ tục cấp phép lao động nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Trước thực trạng điều kiện và thủ tục cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam kéo dài và phức tạp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam... 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Đoàn Xuân Trường – Tiến sĩ luật học, Phó trưởng Phòng Thanh tra, Trường ĐH Luật Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Xin chào Ông Đoàn Xuân Trường!

PV: Thưa Ông, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua, thủ tục xin cấp phép lao động cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông có chia sẻ gì về thực trạng này?

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, việc di chuyển lực lượng lao động giữa các quốc gia là tất yếu. Trong đó, số lượng lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng qua từng năm. Trước hết, phải khẳng định thủ tục cấp giấy phép lao động là cần thiết nhằm ổn định thị trường lao động trong nước, bảo vệ việc làm cho người lao động Việt Nam và đây cũng là thông lệ của nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, giấy phép lao động là cơ sở để xác định hợp đồng lao động có hiệu lực hay không, thời hạn có hiệu lực của hợp đồng lao động và mức bồi thường thiệt hại liên quan mà doanh nghiệp có thể phải gánh chịu trong trường hợp có tranh chấp phát sinh.

Lao động nước ngoài vào Việt Nam càng nhiều thì nhu cầu cấp giấy phép lao động càng lớn, đặc biệt sau bối cảnh đại dịch Covid 19. Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình cấp giấy phép lao động có nguồn gốc từ một số nguyên nhân về (i) Sự chưa đồng bộ, thống nhất của các quy định hướng dẫn về cấp giấy phép lao động; (ii) số lượng xin cấp giấy phép lao động tại một số địa phương tăng dẫn đến việc thẩm định cấp phép bị quá tải, thời gian chờ đợi lâu; (iii) nhiều doanh nghiệp cũng chưa hiểu đúng các quy định về cấp giấy phép lao động dẫn đến việc bị trả hồ sơ nhiều lần nên nảy sinh tâm lý ức chế.

Chuyển biến tích cực trong thủ tục cấp phép lao động nước ngoài ảnh 1

PV: Thực tế, quy định về cấp phép lao động đã được cụ thể hóa tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Vậy, theo Ông, tại sao trên thực tế, doanh nghiệp và người lao động vẫn gặp khó khi tiến hành thủ tục xin cấp phép lao động này, thưa Ông?

Trong quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy phép lao động cho các đối tượng người lao động nước ngoài làm việc trên thực tế phát sinh một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến các quy định của pháp luật mà cụ thể là Nghị định 152/2020/NĐ-CP về phân định thẩm quyền cấp giấy phép lao động giữa Bộ LĐTB&XH và Sở LĐTB&XH, xác nhận kinh nghiệm làm việc, điều kiện đối với chuyên gia là người nước ngoài, giới hạn số lần gia hạn cấp giấy phép lao động, giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài...

Ngoài ra, thời gian xin cấp phép lao động cũng tương đối dài, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ, tài liệu khác nhau trong khi thời hạn của giấy phép lao động ngắn (2 năm). Đặc biệt kể từ khi Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 hết hiệu lực thì quy trình xin cấp giấy phép lao động phải tuân theo quy định của Nghị định 152/2020/NĐ-CP.

PV: Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP. Vậy, theo Ông, đâu là điểm mới đáng chú ý và có tác động tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục cấp phép lao động mà doanh nghiệp đã phải đối diện trong thời gian qua, thưa Ông?

Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18 tháng 9 năm 2023. Nghị định 70/2023/NĐ-CP ra đời nhằm phúc đáp các bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai Nghị định 152/2020/NĐ-CP. So với Nghị định 152/2020/NĐ-CP, Nghị định 70/2023/NĐ-CP có một số điểm mới đáng chú ý và có tác động tích cực đến cộng đồng doanh nghiệp:

Thứ nhất, thay đổi cơ quan cấp văn bản chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài

Theo quy định tại điều 4 Nghị định 70/2023/NĐ-CP. Bộ LĐTB&XH hoặc Sở LĐTB&XH có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài. Tại Nghị định 152/2020/NĐ-CP, thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài thuộc về Bộ LĐTB&XH hoặc UBND cấp tỉnh.

Thứ hai, thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài trên cổng thông tin điện tử

Theo điểm c khoản 1 điều 4 Nghị định 70/2023/NĐ-CP, kể từ ngày 01/01/2024, việc thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTB&XH (Cục Việc làm) hoặc Cổng thông tin điện tử của Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập trong thời gian ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến báo cáo giải trình với Bộ LĐTB&XH hoặc Sở LĐTB&XH nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Nội dung đăng tải cũng được quy định tại văn bản này.

Thứ ba, sửa đổi các điều kiện xác định chuyên gia kỹ thuật, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật.

Theo đó, chuyên gia nước ngoài là người tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam. Giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Đối với lao động kỹ thuật, được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam.

Chuyển biến tích cực trong thủ tục cấp phép lao động nước ngoài ảnh 2

PV: Để nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định mới này cũng như giúp doanh nghiệp, người lao động tiết giảm được chi phí, thời gian liên quan đến thủ tục cấp phép lao động nước ngoài, Ông có đề xuất hoặc khuyến nghị gì đối với các bên, thưa Ông?

Pháp luật về quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngày càng trở nên hoàn thiện. Tuy vậy, không có nghĩa là các quy định của pháp luật đã hoàn hảo. Để thực thi các quy định của pháp luật, trước hết cần tăng cường có các buổi tọa đàm giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để giải đáp các vướng mắc, bất cập trong quá trình cấp giấy phép lao động.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong áp dụng các thủ tục hành chính trong đó có thủ tục cấp giấy phép lao động. Giải pháp tuyên truyền, phố biến pháp luật cũng cần chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người lao động hiểu đúng các quy định về cấp giấy phép lao động

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG