Chuột siêu khỏe - Triển vọng tuổi thọ của con người

Chuột siêu khỏe - Triển vọng tuổi thọ của con người
TP - Chuột là một trong những động vật có tính sinh học rất giống con người. Vì thế mà thành tựu khoa học sắp được kể dưới đây đã gây ra nhiều cuộc tranh luận cả về khía cạnh đạo đức.  

Câu chuyện bắt đầu từ một bài báo khoa học đăng tải trên tạp chí sinh-hóa “Journal Of Biological Chemistry”, số 9/2007, trong đó các nhà di truyền học thuộc Đại học tổng hợp Cleveland, bang Ohio (Mỹ), thông báo vừa nuôi tạo thành công một loại chuột “Mickey” biến tính gen có cơ bắp siêu khỏe và có tuổi thọ rất cao.

Khi tạp chí vừa phát hành, nhiều người cho đó là “chuyện hoang đường”, nhưng giáo sư - tiến sĩ sinh học Andrey Kuznhesov, giảng viên Đại học tổng hợp Innsbrook (Australia), bình luận rằng đó thực sự là một thành tựu khoa học có rất nhiều triển vọng.

Trên một thí nghiệm, loại chuột “Mickey” mới có khả năng chạy liên tục trên quãng đường 6 km với tốc độ 20m/giây trong suốt 6 giờ liền không nghỉ.

Ngoài ra, loại chuột siêu khỏe này còn có tuổi thọ cao hơn đồng loại, với tuổi phát dục ở năm thứ ba, nếu tính tuổi tương đương con người thì như thể đến tuổi 80 mới phát triển khả năng sinh dục!

Giáo sư Andrey Kuznhesov cho biết, toàn bộ bí quyết công nghệ sinh học ở đây ẩn chứa ở môi trường mitochondria (môi trường tinh chất bên trong tế bào có chức năng chuyển hoá tạo ra năng lượng).

Ở chuột “Mickey”, mitochondria chứa trong các cơ lớn hơn rất nhiều so với chuột đồng loại chưa biến tính.

Chuột “Mickey” ăn khỏe hơn và nhiều hơn 60%, nhưng trọng lượng cơ thể lại nhỏ hơn 2 lần so với chuột thường vì tỉ lệ mỡ trong các cơ rất thấp, chỉ bằng 10% so với chuột chưa biến tính gen.

Ngoài ra, ở loại chuột siêu khỏe, chu trình chuyển hoá cơ bản trong các cơ diễn ra theo một cơ chế đặc biệt, có thể so sánh với chu trình chuyển hoá cơ bắp của Lanse Armstrong, vận động viên nhiều lần vô địch thế giới trong cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp “Tour de France champion”.

Để đạt được khả năng kỳ diệu đó, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ biến tính gen định hướng. Thực chất, các nhà khoa học đã cấy một loại men đặc biệt vào tế bào cơ bắp của chuột.

Loại men này chỉ có trong gan động vật, khi cấy ghép vào tế bào cơ bắp, nó có tác dụng khống chế việc sản sinh ra một loại axit chuyên biệt thường gây nên hiện tượng mỏi mệt, nhưng lại có tác dụng nâng cao đáng kể hiệu quả tái tạo và sử dụng năng lượng nhờ một chu trình chuyển hoá khép kín.

Theo giáo sư Andrey Kuznhesov, mitochondria không chỉ chịu trách nhiệm sản xuất năng lượng trong tế bào mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong nhiều căn bệnh có tính di truyền, bệnh thần kinh, bệnh ung thư, trong cái chết lập trình của tế bào và ngay cả trong quá trình hoá già.

Như vậy, bằng cách tác động định hướng lên mitochondia, có thể tạo ra phương pháp điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, trong đó có cả “bệnh già” của động vật.

Điều đáng lo ngại là phương pháp này có thể bị lạm dụng, giống như kiểu lạm dụng chất dopping đối với các vận động viên thể thao có tham vọng đạt được thành tích cao.

Lê Minh Quang
Theo “Nhezavisimaja Gazeta”

MỚI - NÓNG