Năng lượng tái tạo
Tiến sĩ 9X Nguyễn Duy Tâm (quê Bố Trạch, Quảng Bình) theo đuổi chuyên ngành Vật lý kỹ thuật và Công nghệ Nano từ những ngày ngồi trên ghế giảng đường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội. Hiện anh làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu của ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore).
Anh đang tập trung nghiên cứu và ứng dụng các nguồn năng lượng mới với mục đích giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do khí thải của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Anh đã có nhiều giải pháp về công nghệ cửa sổ thông minh có thể chặn bức xạ nhiệt và tăng cường ánh sáng tự nhiên; công nghệ pin oxi hóa - khử vanadium với ưu điểm là hiệu suất cao (~80%), tuổi thọ trung bình cao (20-30 năm), và đặc biệt là khả năng sạc với nguồn không ổn định.
Anh Tâm cho biết, sau diễn đàn lần thứ nhất ở Đà Nẵng (năm 2018),anh có một năm rất bận rộn với dự án nghiên cứu mới hợp tác với Israel về cửa sổ thông minh sử dụng vật liệu điện sắc và vật liệu gốc graphene cấu trúc nano, được Hội đồng thẩm định đánh giá là một trong những dự án tốt nhất. Cũng trong thời gian này anh có hơn 10 bài báo khoa học, nhiều gấp đôi thời gian làm nghiên cứu sinh trước đó. Anh giành giải thưởng Bài thuyết trình xuất sắc nhất tại Hội nghị Quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu diễn ra tại Australia hồi tháng 9.
TS. Tâm còn kết nối và hỗ trợ tư vấn cho Dự án Năng lượng tái tạo phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam do Viện Ứng dụng Công nghệ VIPTAM chủ trì. Qua đó, thúc đẩy việc chuyển giao các công nghệ năng lượng tái tạo từ nước ngoài về Việt Nam, thay vì đi mua với giá cao. “Diễn đàn lần thứ nhất đã tạo ra sự kết nối và giúp tôi nhận được nhiều lời mời cộng tác", anh Tâm cho biết.
Về nước tham dự diễn đàn lần thứ hai, TS Tâm đặc biệt quan tâm vấn đề các nhà máy điện mặt trời phải xả tải, hoặc lưới điện ở một số địa phương có kết nối với các nguồn điện tái tạo bị quá tải.Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, Bộ Công Thương thừa nhận đã “vỡ” quy hoạch điện mặt trời và có tranh cãi liệu năng lượng tái tạo có “sạch”...
“Tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian về tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần 2, với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm từ các kết quả nghiên cứu của mình, cũng như kiến thức tìm hiểu từ các nghiên cứu khác trên thế giới nhằm tận dụng, khai thác tối ưu năng lượng tái tạo. Đồng thời, làm rõ các khái niệm về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và các tác động môi trường. Tôi hy vọng sẽ góp phần nhỏ trong việc quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo một cách hiệu quả và bền vững ở Việt Nam”, anh Tâm chia sẻ.
Nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp
TS.Trần Hoàng Sơn đang là giảng viên nghiên cứu về Cơ học, phương pháp số và mô phỏng 3D tại ĐH Liege (Bỉ). Trước đó, anh tốt nghiệp ngành Kết cấu của ĐH Xây dựng (Hà Nội), hoàn thành nghiên cứu sinh tại Pháp về cơ học vật liệu. Anh hiện tập trung tìm hiểu hiện tượng đứt gãy trong quá trình luyện kim và quá trình in 3D kim loại. “Bước đầu đã thu được những kết quả để hiểu và kiểm soát tốt hơn ở việc chế tạo vật liệu kim loại để có những sản phẩm tốt hơn”, TS. Sơn cho biết.
Tham gia diễn đàn lần thứ hai, TS. Sơn quan tâm chủ đề -Công nghệ và quản lý trong thời đại số. Đây không chỉ là chủ đề gắn với chuyên môn, lĩnh vực nghiên cứu của anh, mà còn xuất phát từ trăn trở về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của đất nước. TS. Sơn cho rằng, mục tiêu phát triển Việt Nam thành nước công nghiệp gặp không ít thách thức từ chất lượng nguồn nhân lực. Dù trong nước có một số trung tâm đào tạo mạnh về nhân lực, nhưng chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu, điều kiện của ngành công nghiệp.
“Cần phải đào tạo được những đội ngũ chất lượng để tính toán, làm chủ được công nghệ thúc đẩy công nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu trong tương lai khi các dự án công nghiệp ở Việt Nam phát triển, như dự án sản xuất ô tô Vinfast sẽ cần kỹ sư cơ học tính toán, kỹ sư vật liệu...”, TS. Sơn nói.
TS. Sơn và nhiều cộng sự đang trực tiếp tham gia chia sẻ, hỗ trợ, kết nối cơ sở đào tạo, khu công nghiệp ở Việt Nam với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu ở nước ngoài. “Chúng tôi đang thực hiện khá hiệu quả khi có sự kết nối, hỗ trợ từ đồng nghiệp Việt Nam, đặc biệt từ sau Diễn đàn lần thứ nhất”, TS. Sơn nói.
TS. Sơn cũng quan tâm việc nâng cao năng suất lao động và đảm bảo công bằng xã hội. “Tôi nghĩ muốn nâng cao năng suất thì cần dựa trên đào tạo cơ bản tốt, kỷ luật lao động cao và được đối xử thích đáng. Công bằng xã hội mình nghĩ cần dựa trên sự minh bạch về quyền, nghĩa vụ, cơ hội của từng cá nhân trong xã hội. Sự minh bạch là kẻ thù của sự bất công”, anh nói.
Từ ngày 26 - 28/11, T.Ư Đoàn tổ chức Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ II năm 2019 với chủ đề “Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”. Trong số 233 đại biểu tham dự, có 106 đại biểu đang sinh sống, làm việc ở 23 quốc gia, vùng lãnh thổ; 127 đại biểu còn lại là trí thức trẻ Việt Nam đang sinh sống, làm việc trong nước. Có 42 đại biểu là phó giáo sư, tiến sĩ.